Nhiều bệnh nhân dị ứng do tự ý dùng thuốc

Thứ Sáu, 27/06/2008, 10:47

Trong khi các cơ quan chức năng đang xúc tiến lộ trình đến năm 2011, tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc phải đạt tiêu chuẩn GPP (Thực hành nhà thuốc tốt), thì số bệnh nhân bị dị ứng thuốc nặng - hệ quả của tình trạng mua bán, sử dụng thuốc bừa bãi vẫn ngày càng gia tăng.

Tử vong vì một giọt Penicilin

PGS.TS Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen và Miễn dịch lâm sàng Việt Nam khẳng định: Tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng, thậm chí, đã có trường hợp tử vong chỉ vì một giọt thuốc bắn vào mắt. Đó là trường hợp người nhà bệnh nhi V ở Hải Dương. Do cháu V bị viêm phổi và rất sợ tiêm, y tá phải cần có người thân giữ tay cháu bé. Khi y tá chưa kịp tiêm thì cháu V. giãy giụa mạnh, làm bật đầu bơm tiêm và bắn một giọt thuốc Penicilin vào mắt người thân giữ tay. Chỉ ít phút sau, người đó đã tử vong do sốc phản vệ.

Đây chỉ là một trường hợp tử vong hy hữu và đáng buồn, nhưng nguy cơ tử vong ngay sau một mũi tiêm là hoàn toàn có thể xảy ra và đã được y văn thế giới khuyến cáo. Điều đó cho thấy sự nguy hiểm khôn lường khi đưa bất kỳ loại thuốc nào vào cơ thể một cách thiếu cơ sở khoa học.

Tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân dị ứng thuốc, mỹ phẩm đang ngày càng gia tăng. Rất nhiều bệnh nhân nhập viện muộn, hoặc ở trong tình trạng nặng, khi đã nổi ban đỏ, mày đay, mụn nước toàn thân, kèm theo sốt, đờ đẫn, hôn mê, bị hội chứng Lyell, Stevens-Johnson, sốc phản vệ. Đã có những bệnh nhân tử vong hoặc cận kề cái chết, chỉ vì uống B1 hay tra mắt bằng Clorocid, nhiều bệnh nhân phải điều trị dài ngày, tiêu tốn  vài chục triệu đồng, vì tự ý điều trị những bệnh thông thường.

Xem nhẹ quy định đơn thuốc Đông y

Nằm tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, chị Đinh Thị Th., 51 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Tây phải chịu những đau đớn vì mắt không còn nhìn rõ, toàn thân ngứa ngáy sau một thời gian bị nổi ban đỏ, bọng nước, các hốc tự nhiên trên cơ thể bị lở loét… do dị ứng thuốc. Từ một người khá khỏe mạnh, chỉ bị đau dây thần kinh tọa, chị Th. chủ quan không đi khám bác sỹ mà tự ý đi cắt 9 thang thuốc không rõ nguồn gốc của một thầy lang, đến nay, chị phải nhập viện như trở thành một bệnh nhân bỏng toàn thân.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Trưởng khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng cho biết, dị ứng thuốc Đông y thường diễn biến khá chậm, khó nhận thấy, các tổn thương dễ thấy như nốt mẩn ngứa, lở loét trên da lại thường bị người bệnh hiểu nhầm thành "ngấm thuốc, chất độc phát ra ngoài" hay "nhiều chất bổ quá, cơ thể đào thải bớt ra"… Vì thế, thuốc Đông y không có nguồn gốc xuất xứ hiện đang đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc gây dị ứng tại nước ta. Nhiều bệnh nhân bị dị ứng nặng, thậm chí tử vong vì uống những thang thuốc "lang băm" mà họ cho là bổ, mát và lành.

Tự hại mình

Theo GS.TS Nguyễn Năng An, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc như thuốc chất lượng kém, quá hạn sử dụng… nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng là do người dân ngại đi khám bác sỹ, mua và sử dụng thuốc rất tùy tiện. Hiện có đến 60% trường hợp ngộ độc thuốc và sốc phản vệ là do bệnh nhân tự mua thuốc không có đơn kê của bác sỹ.

Để tránh dị ứng do sử dụng thuốc, các chuyên gia khuyên người bệnh nên tự thử phản ứng cơ thể bằng cách đặt thuốc uống dưới lưỡi và nhỏ thuốc tiêm vào vết cứa trên vùng da khoẻ mạnh, nếu không có phản ứng mới dùng thuốc. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ, để dùng thuốc an toàn thì nhất thiết phải có trình độ của bác sỹ chuyên khoa. Do đó, sử dụng thuốc khi có đơn kê của bác sỹ là cách tốt nhất để người tiêu dùng tự bảo vệ sức khỏe của mình

.
.
.