Nhiều bãi xe vẫn ngang nhiên “móc túi” người dân
>> Biến lòng đường, vỉa hè thành “con gà đẻ trứng vàng”
Sau khi được HĐND TP thông qua, TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy định về mức phí trông giữ xe máy, ôtô mới để áp dụng từ ngày 1/8 vừa qua.
Lần tăng phí này mức giá trông giữa xe đã được TP Hồ Chí Minh phân theo nhóm và khu vực theo hướng ưu tiên với nhóm trường học, bệnh viện; tăng cao với nhóm kinh doanh gồm các chung cư hạng 1, 2, khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, rạp hát và các trung tâm thương mại phức hợp… Riêng mức phí trông giữ xe ôtô được thu theo khu vực, cao nhất là khu vực trung tâm.
Cảnh chiếm dụng lòng lề đường làm bãi giữ xe. |
Tùy theo nhóm, thành phố cho phép thu giá giữ xe máy và xe đạp điện từ 2.000-6.000 đồng/xe/lượt; giá giữ xe ôtô từ 15.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Với giá giữ xe mới này, mức phí giữ ôtô ở khu vực trung tâm TP đã tăng đến 8 lần, vượt trần tối đa so với quy định của Bộ Tài chính.
Nhưng sau một tuần cho áp dụng, giá trông giữ xe máy, ôtô trên thực tế ở nhiều nơi vẫn cao hơn nhiều. Ngoài việc không kiểm soát được giá trông giữ xe, thì ngay cả khoản thuế cũng khó kiểm soát chặt chẽ khi các tổ chức, cá nhân hoặc lấn chiếm diện tích công cộng làm nơi trông giữ xe “lụi” hoặc tự tổ chức in ấn, phát hành vé giữ xe không thông qua cơ quan thuế.
Tại bãi giữ xe ở tầng hầm 2 khách sạn Rex, hơi nóng từ xe, từ máy lạnh, quạt hút gió phả ra hầm hập, nhưng muốn gửi xe máy ở đây phải trả 10.000 đồng/xe/lượt. Với ôtô, phí gửi xe còn được đẩy lên tới 60 ngàn đồng lượt cho ban ngày và 90 ngàn đồng lượt về đêm. Bãi xe rộng, lưu lượng xe máy ra vào khá nhiều, nhưng khách sạn này đầu tư hệ thống gửi xe tự động, vé xe chỉ là tấm thẻ nhựa nên việc có kê khai thuế hay không thì chỉ có chính nơi đây biết.
Tại khách sạn Sheraton trên đường Đông Du, do đây là khách sạn 5 sao nên mức phí cũng cao ngất ngưởng. Khách muốn xe vào KS chẳng cần biết để làm gì sẽ bị thu mức phí 12 ngàn đồng/lượt xe máy, gửi qua đêm là 25 ngàn đồng/lượt. Với ôtô, mức phí đậu xe dưới tầng hầm khách sạn này vào ban ngày là 120 ngàn đồng/lượt, muốn gửi qua đêm phải trả 250 ngàn đồng/xe. Với 4-5 sàn đậu xe dưới tầng hầm rộng tới vài ngàn mét vuông, sức chứa xe máy, ôtô lên tới cả ngàn chiếc, doanh thu từ tiền gửi xe mỗi ngày đem lại cho khách sạn này không nhỏ.
Ở khu vực bến tàu thủy cao tốc TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu cũng có vài bãi giữ xe máy cho khách, nhưng không có nơi nào nhận giữ xe qua đêm. Lợi dụng tình trạng này, các bãi giữ xe “lụi” ăn theo chặt chém khách đi tàu vào gửi xe qua đêm không thương tiếc.
Anh Đằng ở quận Thủ Đức bức xúc phản ánh, cuối tháng 7 vừa qua, có việc đi Vũng Tàu, không tìm ra nơi nhận giữ xe qua đêm, anh phải gửi xe máy tại một bãi giữ xe “lụi” gần cầu Khánh Hội. Sau 2 ngày 1 đêm về lấy xe, anh bị “chém” tới 60 ngàn đồng.
Tại đoạn vỉa hè xung quanh khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 2 trên đường Nguyễn Du, quận 1, nhu cầu gửi xe máy vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 và các khách sạn, cao ốc văn phòng ở khu vực này luôn khá đông. Nên dù ra chiếm vỉa hè để tổ chức giữ xe “chui”, thu 5 ngàn đồng/lượt xe máy, nhưng hễ có người vào gửi xe là bị nhân viên trông xe vặn hỏi đi đâu, gửi bao lâu? Gửi một vài tiếng mới được nhận, nếu kéo dài hết buổi thì lập tức người gửi xe sẽ bị các bãi giữ xe trái phép này xua đuổi…
Đã thành vấn nạn nhiều năm qua tại TP Hồ Chí Minh, hễ cứ nhu cầu gửi ôtô, xe máy xuất hiện ở khu vực nào là nơi đó xuất hiện bãi giữ xe lụi để ngang nhiên “móc túi” người gửi xe. Chỉ khổ cho những người liên tục phải đến những nơi này giao dịch khi các khách sạn, cao ốc liên tục tổ chức hội thảo, hội nghị tiệc tùng hoặc cho thuê văn phòng giao dịch…
Anh Hải, nhân viên giao hàng văn phòng phẩm, phản ánh: Những ai lâu lâu mới có việc tới những nơi sang trọng đó ở trung tâm thì tiền gửi xe không là gì. Nhưng người thường xuyên phải qua lại đây thì khoản tiền gửi xe phải bỏ ra mỗi ngày vài chục tới cả trăm ngàn là vấn đề không nhỏ