Nhiều SV cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm

Thứ Tư, 28/09/2011, 10:22
Trong 10 năm (2000-2010), tỉnh Thanh Hóa đã chi hàng chục tỉ đồng, chọn cử 1.917 học sinh theo học hệ cử tuyển (gồm 21 ngành và chuyên ngành) tại các trường đại học và cao đẳng. Số sinh viên đã tốt nghiệp là 1.259 (đạt 65,9%). Nhưng số sinh viên được bố trí công tác tại các địa phương chỉ là 534 em (đạt 42,41%).

Cá biệt, có địa phương tỷ lệ sinh viên cử tuyển ra trường được bố trí việc làm chỉ đạt hơn 10%. Việc thực hiện công tác đào tạo cử tuyển ở Thanh Hóa hiện đang có nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Năm 2004, cô gái Phạm Thị Chất, 26 tuổi, người dân tộc Thái ở xã Sơn Điện (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) khấp khởi đến Trường Đại học Hồng Đức, theo học hệ cao đẳng sư phạm ngoại ngữ theo diện cử tuyển. Năm 2008, ra trường, nhưng chờ mãi không được bố trí công việc, Phạm Thị Chất đành phải tự mình đi tìm việc khác tại… Bình Dương.

Không phải sinh viên cử tuyển nào ra trường cũng may mắn được đứng lớp như cô giáo Thu Huyền.

Cùng nhập học với Phạm Thị Chất theo diện cử tuyển, huyện Quan Sơn còn có 4 học sinh khác nhưng có lẽ chỉ có Hà Thị Thu Huyền (27 tuổi, người Thái, ở xã Trung Sơn) là may mắn hơn cả. Huyền được Trường THCS Sơn Điện ký hợp đồng dạy học, với mức thu nhập 1,7 triệu đồng/tháng. “Nhưng cơ hội được huyện Quan Sơn bố trí công việc theo chế độ cử tuyển thì chờ mãi chưa thấy. Chúng em đành chờ thôi”- cô giáo Hà Thị Thu Huyền cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Đình Múi, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Tính đến nay, huyện đã bố trí được hơn 70% công việc cho các em sinh viên hệ cử tuyển ra trường, chỉ còn khoảng 30 em chưa bố trí được công việc. Số em phải chờ việc này chủ yếu tốt nghiệp các trường sư phạm. Nguyên nhân là do huyện đang ưu tiên sắp xếp công việc cho các em học hệ Đại học, cao đẳng trước, hoặc học một số môn đặc thù.

Việc dôi dư giáo viên hệ mầm non, tiểu học ở miền núi trong khi khu vực này đang thiếu rất nhiều giáo viên, thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng đặc thù ở đây là các trường lớp rất thiếu học sinh. Nếu cứ đúng theo quy định của ngành giáo dục thì cứ hơn 25 em thì bố trí một lớp, được bố trí giáo viên. Nhưng ở Quan Sơn có rất nhiều lớp chỉ tập trung được 5- 10 em, còn rất nhiều lớp ghép, lớp học nhiều trình độ khác nhau trong một phòng học. Vì vậy, chúng tôi còn gặp khó khăn khi bố trí công việc cho giáo viên cử tuyển”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, những trường hợp chưa được bố trí việc làm sau khi học cử tuyển vẫn còn hơn 700 trường hợp. Và số người phải đi tìm kiếm việc làm ở các địa phương khác, hoặc ở nhà lên nương làm rẫy, theo đó, cũng không phải là ít. Tại các huyện vùng cao như Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc… cũng có nhiều trường hợp tương tự như ở Quan Sơn.

Bà Lê Thị Luyến, Trưởng phòng Giáo dục, Đào tạo huyện Lang Chánh cho hay: “Hiện nay, huyện Lang Chánh còn có gần 40 em tốt nghiệp hệ cử tuyển chưa được bố trí việc làm. Nhưng việc bố trí việc làm cho các em rất khó, vì phần lớn là những chỉ tiêu, chủng loại ngành nghề chưa thực sự sát với nhu cầu mà huyện đề nghị. Việc phần lớn các em chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp hoặc cao đẳng cũng không đạt tiêu chí tuyển dụng cán bộ ở huyện...”

Gia Linh
.
.
.