Nhếch nhác như ao, hồ ở Thủ đô

Thứ Tư, 08/06/2011, 11:11
Qua nghiên cứu môi trường của 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ tại 6 quận trung tâm TP Hà Nội chỉ có 6 hồ đạt chất lượng yêu cầu về các chỉ tiêu. Có hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ ôtô, tụ điểm tập kết phế liệu và rác thải…

Phản ánh đến đường dây nóng Báo CAND, anh Trần Quốc ở phố Ngọc Hà bức xúc cho biết, thời gian trở lại đây khu vực hồ Đình - phường Ngọc Hà - Ba Đình- Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tình trạng ô nhiễm ao, hồ trên địa bàn Hà Nội cũng đang là một thực tế mà chúng tôi đã ghi nhận được.

Ao hồ gắn với di tích, nhìn mà… hãi!

Theo sự phản ánh của anh Quốc, sáng 7/6, chúng tôi có mặt tại con ngõ dẫn vào khu vực hồ Đình, phường Ngọc Hà (Ba Đình). Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận ở nơi đây đó chính là sự nhếch nhác, ô nhiễm bủa vây diện tích mặt hồ Đình vốn trong lành. Thay vì nước trong xanh, mặt hồ giờ chuyển thành màu nước xanh sền sệt bẩn. Nước váng, rác rưởi nổi lềnh bềnh khiến ai có dịp đi ngang qua đây, bất giác nhìn thấy cũng đều cảm thấy… hãi vì sự xuống cấp của nó.

Nhếch nhác, ô nhiễm đang bủa vây hồ Đình - Ngọc Hà.

Trên mặt hồ trước đây được gắn tấm biển với hai câu thơ đặc tả không gian của lòng hồ: "Trước đình liễu rủ cây đa - Dưới hồ cá lượn, sen thời nở bông…" giờ đã bị nước dềnh lên che gần hết. Câu thơ ghi lại cảnh thanh bình, tinh khiết của mặt hồ xưa cũ giờ đây đã lạc hậu. Đọc nội dung còn lại của tấm biển, chúng tôi thấy giật mình trước những sự "đổi thay" ở nơi đây. Không còn bóng sen, dòng nước trong xanh thuở nào. Với thảm trạng ô nhiễm "đậm đặc" hiện tại, những người ở trên bờ cũng còn thấy ngột ngạt, chứ đừng nói gì đến cá và sen. Mực nước lưu cữ lâu năm, cộng thêm rác và nước thải của những khu dân cư xung quanh liên tục đổ vào đã khiến cho nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Nước ô nhiễm cũng đã dâng ngấp nghé nền sân đình Ngọc Hà.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hồ Đình nơi đây thuộc cụm di tích đình Ngọc Hà - một kiến trúc cổ đã được tu tạo nhiều lần. Thế nhưng, do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, khu di tích cũng như "lá phổi xanh" - hồ Đình nơi đây giờ đã biến dạng đáng kể. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh theo đó luôn tiềm ẩn.

Tại địa phận thuộc phường Ngọc Hà, hồ Hữu Tiệp - điểm di tích bắn rơi máy bay B52 thời gian qua cũng đang trong tình trạng báo động. Có mặt tại khu vực hồ này, chúng tôi ghi nhận việc diện tích mặt hồ nổi váng - nguyên nhân từ đó một bộ phận người dân thiếu ý thức xả rác xuống lòng hồ. Chưa hết, lòng hồ nằm cạnh khu vực xác máy bay B52 bị bắn rơi, nước hôi thối dềnh lên ngấp nghé các con ngõ dẫn vào nhà một số hộ dân sinh sống ở nơi đây. Bên trên, một khu chợ "cóc" tự phát họp vô tội vạ. Đáng chú ý, mặc dù chính quyền địa phương đã cho dựng tấm biển "cấm vứt rác" ở nơi đây, thế nhưng, ngay sát điểm này là vô số túi rác bốc mùi hôi thối… 

Bao giờ mới hết nghịch cảnh?

Về vấn đề trên, cách đây không lâu, Báo CAND cũng đã đề cập đến việc một số dự án cải tạo hồ triển khai ì ạch, người dân theo đó phải gánh nỗi lo chung sống với nguy cơ phát dịch bệnh. Đơn cử như hồ Linh Quang - phường Văn Chương (quận Đống Đa). Ngày 7/6, ghi nhận ở đây, chúng tôi vẫn chứng kiến hình ảnh nhếch nhác, rác rưởi bẩn thỉu bủa vây nghiêm trọng tại khu vực hồ mặc cho xung quanh cơ quan hữu quan cũng đã cho kiến dựng các tấm tôn lợp ngăn cách.

Điều đáng bàn, đây chính là hồ mà cách đây không lâu, nguồn dịch tả đã phát sinh thành ổ dịch khiến các ngành các cấp phải "đau đầu". Chưa hết, trước tình trạng ô nhiễm, lấn chiếm nghiêm trọng xảy ra tại khu vực hồ này, năm 2006, UBND thành phố cũng đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng, cải tạo hồ Linh Quang với tổng vốn đầu tư gần 131 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn còn giậm chân tại chỗ…

Rác án ngữ gần hồ Hữu Tiệp - Ngọc Hà.

Câu chuyện về nạn ô nhiễm hồ, ao ở Hà Nội đang thực sự ở mức báo động. Có tới 95% hồ, ao Hà Nội đang bị ô nhiễm. Đó là kết quả nghiên cứu môi trường của Trung tâm nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR) được công bố.

Qua nghiên cứu môi trường của 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ tại 6 quận trung tâm TP Hà Nội chỉ có 6 hồ đạt chất lượng yêu cầu về các chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 5%). Cũng theo đơn vị này có hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ ôtô, tụ điểm tập kết phế liệu và rác thải… Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm được chỉ ra là do nước thải sinh hoạt từ các gia đình, cộng đồng tùy tiện xả thẳng xuống hồ.

Bên cạnh đó còn có tình trạng đổ đất, lấn chiếm vô tội vạ. Trong một cuộc hội thảo bàn về cải tạo môi trường các hồ ở Hà Nội do UBND TP Hà Nội tổ chức gần đây với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý môi trường, việc xử lý nạn ô nhiễm ao hồ cũng đã được đặt ra rất quyết liệt. Theo đánh giá chung, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do cống nước thải trong thành phố đều… đổ trực tiếp ra hồ. Chỉ có hai hồ trên địa bàn có trạm xử lý nước thải là hồ Trúc Bạch và hồ Kim Liên…

Những gì đã và đang tồn tại có liên quan tới tình trạng ô nhiễm, lấn chiếm ao, hồ tọa lạc trên địa bàn thành phố hiện đòi hỏi các cấp, các ngành đưa ra các giải pháp đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới đây. Tránh "nói là chuyện của mồm"…

Diễm Lệ
.
.
.