Nhậu cá nóc: Đùa với mạng sống

Thứ Ba, 09/11/2010, 10:53
Độc tố của cá nóc được xác định là chất Tetrodotoxin. Đây là chất độc cực mạnh, chỉ một lượng cực nhỏ cũng gây chết người. Ngư dân ở các vùng biển tin rằng nọc độc của cá nóc chủ yếu nằm ở da và cơ quan nội tạng, nếu loại bỏ những bộ phận này thì việc ăn thịt cá nóc không có gì phải quan ngại và nhiều người đã phải trả giá đắt bằng sinh mạng của mình.

Sau đêm trường vượt sóng ra khơi, từ lúc 4h sáng, ngư dân phường Phú Hài lần lượt neo thuyền tại bãi đá Ông Địa xổ lưới. Hôm nay cũng như mọi khi, bên cạnh cua ghẹ, tôm cá các loại, lẫn trong tay lưới của những con người ăn đầu sóng - nói đầu gió là những con cá nóc có nọc độc chết người. Thay vì vứt bỏ, nhiều ngư dân gom lại đặng về làm mồi đưa cay với tâm tình nghe mà rợn người: "Cá nóc ngon lắm! Biết cách làm thì ăn hổng có gì phải sợ".

Với nhiều khối đá chất chồng có hình thù kỳ dị nằm gối đầu bên mép biển nên bãi đá Ông Địa được nhiều khách du lịch khi đến tham quan thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) tìm đến thưởng ngoạn. Nơi đây cũng là bãi bờ neo đậu ghe thuyền đánh bắt ven bờ của hàng trăm ngư dân phường Phú Hài từ nhiều năm qua.

Ngồi bó gối trên khối đá có dáng hình ông Địa (căn nguyên của tên gọi bãi Ông Địa), anh Hà Đoàn, hướng dẫn viên Công ty Lữ hành Sao Việt có trụ sở tạiTP HCM lúc đưa khách đến đây tham quan, nửa đùa nửa thật: "Cùng với cảnh đẹp, khách đến bãi Ông Địa còn để được mắt thấy tai nghe chuyện ngư dân nơi đây biến cá nóc làm mồi nhậu. Không biết ở nơi khác thì sao chứ dân ở đây ăn cá nóc dữ lắm. Họ không sợ chết vì tin vào tài nghệ chế biến của mình".

Lúc này chưa đến 6h sáng, gió từ ngàn khơi thổi vào lành lạnh, những chiếc thúng chai tấp bờ mỗi lúc một đông, tiếng đàn ông, đàn bà lúc xổ lưới, lựa cá vang át cả tiếng sóng biển vỗ bờ. Tay cầm con cá nóc xù gai tua tủa vừa xổ ra từ mẻ lưới đêm hôm qua, anh ngư dân tên Hải, 32 tuổi cho biết đây là giống cá nóc nhím, còn gọi "hải kê ngư" (cá gà biển) vì ẩn sau lớp da xù xì ghê sợ kia là thớ thịt trắng phau, đem hấp, nướng thì "ngọt, dai như thịt gà ta". Hải nói trong các loài cá nóc ở biển như nóc cam, nóc tro, nóc vàng… thì cá nóc nhím "ngon và an toàn nhất". Muốn ẩm thực chỉ cần khứa một vòng quanh cổ con vật rồi kéo tuột về phía dưới như lột da rắn, sau đó chặt bỏ đầu, mổ bụng bỏ nội tạng, chỉ chừa lại cái gan vì gan hải kê ngư béo, ngọt, thơm chẳng khác gì gan ốc hương.

Một góc bãi Ông Địa.

"Hiếm khi lưới được nóc nhím lắm, chủ yếu là mấy giống cá nóc khác thôi. Làm mấy thằng đó thì phải cẩn thận, cũng chặt bỏ đầu, lột da, bỏ nội tạng, không ăn gan vì cái gan độc nhất. Khi lấy bộ lòng ra, nếu thấy lá gan không bị dập thì ăn vô tư, bằng không thì vứt bỏ đừng có tiếc". 

Giữa lúc Hải hân hoan vì sắp được lai rai "mồi bén" thì ngư dân Lê Quốc Hồ, 52 tuổi, hớn hở khoe mấy con cá nóc vừa gom được từ các bạn thuyền. Ông tuyên bố: "Tui ăn hàng trăm con cá nóc nhưng có bị gì đâu! Mấy tay bị ngộ độc vì không có kinh nghiệm chế biến và hóa giải nọc độc. Chứ vào tay tui thì hổng có gì phải lo, lỡ trúng độc tui cũng có thuốc trị".

 Trên bãi Ông Địa hôm ấy, cùng bộ đôi ngư dân Hải, Hồ, nhiều ngư dân khác cũng vô tư cho rằng thịt cá nóc rất ngon, nếu biết làm thịt thì nọc độc chết người của loài cá này không có gì đáng ngại. "Nếu ngộ độc nọc cá nóc ở đất liền chỉ việc đào lấy rễ cây dưa hấu đem giã lấy nước đổ vào miệng người bị trúng độc thì đâu lại vào đấy. Khi ở ngoài biển, chỉ cần đổ muối ngập thân "bệnh nhân" thì chất độc tiêu tan" - anh ngư vừa cập bờ với 2 con cá nóc vằn vốn nằm trong nhóm cực độc, tự tin chia sẻ kinh nghiệm hóa giải nọc độc cá nóc.

Cũng vì tự tin vào 2 phương thức hóa giải nọc độc cá nóc kia mà ngư dân ở phường Phú Hài nói chung, khu vực bãi biển Ông Địa nói riêng vô tư ăn thịt loài cá hung thần này từ nhiều năm qua. Họ nào đâu biết ngư dân ở nhiều tỉnh, thành khác cũng vì xem trọng miếng ăn hơn mạng sống, vì tự tin với những kinh nghiệm chế biến, chữa trị theo phương thức dân gian đã phải bỏ mạng.

"Ăn ngon thì ai cũng thích nhưng vì miếng ăn mà bất chấp khuyến cáo của ngành Y tế, xem thường sức khỏe, sinh mạng của chính mình thì không nên chút nào" - lương y Nguyễn Thái Bình (Hội đông y TP HCM), khuyến cáo.

Độc tố của cá nóc được xác định là chất Tetrodotoxin. Đây là chất độc cực mạnh, chỉ một lượng cực nhỏ cũng đủ lấy đi sinh mạng của một người khỏe mạnh. Ngư dân ở các vùng biển tin rằng nọc độc của cá nóc chủ yếu nằm ở da và cơ quan nội tạng, nếu loại bỏ những bộ phận này thì việc ăn thịt cá nóc không có gì phải quan ngại và nhiều người đã phải trả giá đắt bằng sinh mạng cũng vì suy nghĩ nông cạn này.

Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, trong thịt cá nóc cũng có chất độc Tetrodotoxin nhưng ít hơn. Điều đáng lưu ý là chất độc này có sự biến động phức tạp theo các yếu tố thời gian, vùng phân bố, tính đực cái. Quá trình nghiên cứu cho thấy trong khoảng thời gian 2001-2003, không thấy độc tố trong loài cá nóc vàng, cá nóc thỏ vằn vện nhưng đến năm 2004, 2 loài cá này xuất hiện độc tố nhẹ. Hay loài cá nóc tro từ tháng 3/2001 và từ tháng 1 đến tháng 8/2002 không có độc tố nhưng từ tháng 9 đến tháng 11/2003 lại rất độc, đến tháng 2/2004 chỉ tương đối độc… Do thiếu hiểu biết về thực trạng này nên nhiều ngư dân đã phải chết oan mạng khi đánh bắt và ăn thịt cá nóc.

Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, trong tổng số 17 loài cá nóc đặc trưng ở vùng biển Việt Nam, có 8 loài "sở hữu" chất độc. Trong đó có 5 loài chứa độc tính cao gây nguy hiểm cho tính mạng con người gồm cá nóc răng mỏ chim, cá nóc đầu thỏ chấm tròn, cá nóc tro, cá nóc vằn vện, cá nóc răn rùa. 3 loài cá nóc còn lại gồm cá nóc vàng, cá nóc chuột vân bụng và cá nóc chuột Mappa cũng có khả năng gây ngộ độc cho con người.

Thành Dũng
.
.
.