Nhạc sĩ "da cam" Nguyễn Thanh Tùng: Xin được trả ơn cuộc đời

Chủ Nhật, 02/01/2011, 17:22
Ngoài việc giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam, Tùng muốn thông qua âm nhạc để nói với bạn bè quốc tế về nỗi đau da cam mà đế quốc Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, góp tiếng nói cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đấu tranh vì công lý, kêu gọi sự ủng hộ cho 3 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, muốn thế giới thay đổi cách nhìn về các nạn nhân da cam...

Tám năm trước, khi chập chững bước chân vào nghề báo, tình cờ tôi đã bắt gặp rồi quen thuộc với hình ảnh một ông già tóc bạc ngày bốn buổi đạp xe chở một thanh niên khôi ngô nhưng bị mù đi học. Xúc động, tôi đã viết bài báo với mở đầu "Ông và cháu, một già và một trẻ, một người sáng mắt, một người mù mắt, hai người bên nhau đã 24 năm, ông hóa thân thành cháu vun đắp cho "cây Tùng bé nhỏ" vươn cao giữa đời, cháu một lần nữa chưng cất nỗi đau khổ cùng may mắn riêng mình tạo nên dòng âm thanh vời vợi".

Năm nay, nhân Ngày Người khuyết tật, tôi lại đến thăm hai ông cháu Nguyễn Thanh Tùng. Giờ Tùng đã trở thành một nhạc sỹ, một nghệ sỹ đàn bầu được đông đảo công chúng trong và ngoài nước yêu mến, một đại sứ âm nhạc.

Không thể gục ngã

Ông Nguyễn Tế Độ, 85 tuổi, ông nội của Thanh Tùng kể cho tôi nghe về Tùng từ ngày Tùng được sinh ra. Năm 1971, người con trai duy nhất của ông, anh Nguyễn Thanh Sơn, cùng bao chàng trai Hà Nội nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gác lại bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Quân đoàn 1, Sư đoàn 367, Trung đoàn 280 của anh có nhiệm vụ bảo vệ cầu Phương Thúy (Quảng Trị), cây cầu chiến lược trên con đường vào Nam trong những ngày quân Mỹ rải thảm B52 và chất độc hóa học.

Đầu năm 1975, anh lính pháo binh được nghỉ phép về Bắc lấy vợ mà không hề biết mình bị nhiễm cái thứ chất độc quái quỷ có sức hủy diệt lâu dài, rồi trở lại đơn vị đi theo mũi tiến công vào Bộ tổng Tham mưu Ngụy trong ngày đại thắng. Chị Đức Hòa, vợ anh, ở nhà may cờ chờ chồng trở về. Cuối năm 1975, một bé gái ra đời được được đặt tên là Phương Thúy. Những tưởng hạnh phúc tràn trề. Nào ngờ Thúy bẩm sinh đã bị câm, mù, điếc, bại liệt và thiểu năng trí tuệ. Người con gái xinh đẹp ấy đã 35 năm nay vẫn nhỏ như đứa trẻ nằm lặng im hoàn toàn vô thức.

Nhạc sỹ "da cam" Nguyễn Thanh Tùng.

Chất độc da cam hằn tiếp lên đứa trẻ thứ hai. Thanh Tùng mới ra đời mà một mắt đã hỏng hẳn, một mắt chỉ còn lại 1/10. Mẹ Tùng đã quá bận với việc chăm sóc Thúy, không thể chăm sóc cho Tùng. Thế là từ đó số phận của Tùng gắn với cuộc sống của ông nội. Ông lo từ việc thay tã đến từng bữa ăn, giấc ngủ và dắt Tùng tập đi trong ánh sáng mờ mờ hư thực. Bố Tùng đi làm lương chỉ có 42 đồng mà một ngày hết 20 đồng tiền thuốc cho Thúy.

Khi Tùng 6 tuổi, ông đưa cháu đi xin học, trường nào cũng ái ngại cậu bé mù lòa. Thương cháu ông đến năn nỉ thầy Hiệu trưởng Trường PTCS Vân Hồ. Cảm lòng tận tụy của ông và mến lòng ham học của cháu, thầy nhận Tùng vào học. Thầy nói, thầy nhận Tùng vào học để nói với mọi người rằng, chỉ cần có một điểm tựa, người ta sẽ làm được những điều kì diệu.

Thế là từ đó, trên chiếc xe đạp cà tàng, ông ngồi trước, cháu ngồi sau, cả hai ông cháu cùng đi học. Cháu ngồi học trong lớp, ông ngồi đợi ngoài hành lang. Cậu bé Tùng không nhìn được chữ trên bảng, chỉ tiếp nhận bằng tai. Dự đoán đôi mắt cháu sẽ hỏng, ông cố gắng dạy cháu học chữ.

Một buổi chiều u ám, cô giáo nước mắt đầm đìa cùng các bạn đưa về nhà: "Ông ơi cháu không nhìn được gì nữa". Nước mắt chảy ngược vào tim ông nội, người tham gia cướp chính quyền những ngày Cách mạng Tháng Tám, tham gia đội Tuyên truyền Vũ trang Hà Nội rồi Vệ quốc đoàn và công tác địch vận. Ông nói: "Các bác sỹ, nếu được cứ khoét đôi mắt của tôi để thay vào đôi mắt cho cháu". Nhưng tình thương bao la của người lính vệ quốc năm nào không cứu được đôi mắt cho cháu trai ông.

Viết tiếp những huyền thoại

Năm sau ông lại đưa Tùng sang Trường Nguyễn Đình Chiểu. Ông nói: "Tôi phải đưa cháu tôi vượt lên nghịch cảnh. Muốn vậy chỉ có cách học". Không phụ lòng ông, lại được các thầy cô ở Trường Nguyễn Đình Chiểu săn sóc, cổ vũ, dù học cùng các bạn sáng mắt hay các bạn khuyết tật, Tùng đều học giỏi xuất sắc.

Lời ru ngọt ngào của mẹ và tiếng đàn trên làn sóng phát thanh đã đưa Tùng đến với cây đàn bầu. Nghe đài, Tùng nói: "Ông ơi cháu thích lắm". Yêu cháu, ông sang nhà ông ngoại của Tùng xin một ông vầu đục lỗ cắm cần, lấy ống bơ làm bầu, dây phanh xe đạp làm dây. Tùng dò dẫm học chữ, lần mò học đàn. Cây đàn thô sơ nhưng chi chút tình cảm của ông nội. Cây đàn và hơn nữa là tình yêu thương của ông là chỗ dựa cảm xúc tràn đầy những giấc mơ bé thơ của Tùng.

Năm 1998, Tùng lần lượt đạt các giải khuyến khích "Độc tấu và hòa tấu đàn bầu", giải đặc biệt "Concert 1998" với tiết mục độc tấu đàn bầu. Với những thành tích đã đạt được, Tùng được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trao học bổng Học sinh khuyết tật học giỏi. Phần thưởng tuy không lớn nhưng là sự khích lệ tinh thần giàu ý nghĩa cổ vũ Tùng nhân đôi nỗ lực. Là sinh viên xuất sắc của Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Hà Nội, Tùng là một trong số ít những sinh viên được Giám đốc Nhạc viện phê chuẩn cho học chuyên ngành hai ngành Sáng tác, Khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy.

Trong sự thành công của Tùng nào ai đong đếm được công sức của ông. Nếu bạn nhìn thấy cảnh một ông già tóc bạc ngày bốn buổi chở một thanh niên trên các nẻo đường Hà Nội, ngồi ngoài hành lang chờ cháu học, chơi cùng cháu trong những giờ ra chơi hay học ghi chữ nổi, lóng ngóng ghi nốt nhạc, ghi âm mới thấy hết sự cố gắng và niềm hy vọng chứa chan của ông già ấy. Ông cố gắng bù đắp phần cuộc sống Tùng không nhìn được bằng cách khơi gợi sự cảm nhận và hòa nhập vào thiên nhiên.

Vì vậy những bản nhạc mà Tùng sáng tác có bước đi dạo đầu, e ấp của mùa xuân (Ánh xuân, viết cho Violon), có cảnh hát đối giao duyên ngọt ngào đằm thắm trong một đêm trăng lên dịu dàng đằm thắm (Sông trăng, viết cho hợp tấu đàn bầu, đàn tam thập lục và bộ gõ).

Nhiều thầy cô nhạc sỹ nhận xét: "Những bản nhạc của Tùng có sự tìm tòi về ngôn ngữ, có phong cách độc đáo, kết hợp khéo léo chất liệu truyền thống với thủ pháp sáng tác cổ điển". Tựu trung lại những khúc nhạc của Tùng không chỉ có ngón tài tình của âm nhạc, còn là thơ, là kịch, là tráng ca, là văn hóa, là "hoa của đất".

Nguyễn Thanh Tùng đã hóa thân vào vô số khúc ngân cây đàn dân tộc. Có khúc ngân hồi tưởng, reo vui, hữu hình và trừu tượng. Nhuần nhuyễn giữa nội tâm và ngoại cảnh, ý thức và tiềm thức. Tiếng đàn của cậu thanh niên mù ghi dấu sức chế ngự vui buồn, cảm xúc và sự trưởng thành.

Hội nghị thượng đỉnh APEC cuối năm 2006 tổ chức ở Hà Nội, Tùng vinh dự được mời biểu diễn. Trước đó, năm 2005, trong cuộc vận động quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Tổ chức Vietnam les enfants de la dioxin đã mời Tùng sang Pháp biểu diễn.

Tùng nói với tôi về bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven được nhạc sỹ viết sau một cú sốc lớn trong cuộc đời: hỏng thính giác. Định mệnh sau đó trở thành tác phẩm vĩ đại. Tùng nghiệm ra rằng, tiếng gõ cửa của định mệnh có thể đến với bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào, quan trọng là sau tiếng gõ cửa đó, người ta tiếp tục sống ra sao. Với Tùng âm nhạc là ánh sáng giúp Tùng vượt lên những khuôn khổ ngày thường và bước vào tương lai.

Và đến bây giờ là lúc Nguyễn Thanh Tùng trả nghĩa cuộc đời này. Ông Độ đã giấu đi bao nỗi khổ đau giằng xé tâm can, chắt chiu lọc lấy nghị lực và hy vọng gửi vào nơi cháu nội. Thanh Tùng thu nhận thế giới bằng trực giác là chính vào thế giới tâm hồn, tạo nên tiếng đàn đượm sắc quê hương và sức sống chan chứa tình người.

Bây giờ thì gia đình thân yêu của Tùng vẫn hiện ra như một huyền thoại của thế giới đầy bất trắc này. Bố Tùng, người cựu chiến binh Quảng Trị Nguyễn Thanh Sơn vẫn là lao động chính trong nhà, nay đã là nghệ sỹ nhiếp ảnh, làm việc thành tâm và siêng năng. Những bức ảnh của anh ngồn ngộn các tình tiết, thể hiện tình yêu của anh dành cho gia đình, cho cuộc sống. Mẹ Tùng, chị Hòa ở nhà chăm sóc Thúy, may sửa quần áo tăng thêm thu nhập. Bà nội bán hàng nước ở đầu ngõ phụ giúp thêm con cháu. Ông nội vẫn lặng lẽ lặn lội song hành cùng Tùng trên các con phố Hà Nội. Đức hy sinh, sự cố gắng vươn lên của mỗi người chắt chiu lại tạo nên huyền thoại mới của một gia đình Việt Nam.

Mấy năm nay, Tùng liên tục được mời đi biểu diễn ở Đức, Bỉ, Hà Lan… Tại Bỉ, Tùng vinh dự được biểu diễn với cây đại thụ của Nhạc viện Brussels, giáo sư Phil Deli. Trong đêm hòa nhạc, bà mời Tùng ngồi trên bục cao hơn mình, xung quanh thắp nến, bà nói: "Anh là một nghệ sĩ đặc biệt. Tôi muốn mọi người nhìn anh rõ hơn để tôn vinh ý chí và nghị lực của con người Việt Nam". Ở những nơi Tùng đến, người ta dàn dựng cho Tùng một chương trình riêng và mong muốn được thưởng thức âm nhạc truyền thống Việt Nam qua tiếng đàn bầu. Trước mỗi buổi hòa nhạc, Tùng đều nói mục đích chuyến đi.

Ngoài việc giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam, Tùng muốn thông qua âm nhạc để nói với bạn bè quốc tế về nỗi đau da cam mà đế quốc Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, góp tiếng nói cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đấu tranh vì công lý trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ, kêu gọi sự ủng hộ cho 3 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, muốn thế giới thay đổi cách nhìn về các nạn nhân da cam, họ không phải đã tàn phế, nhiều người vẫn tiếp tục sống, cống hiến. Sau buổi hòa nhạc, khán giả không chỉ ký tên ủng hộ mà còn nhận từ Tùng những bộ hồ sơ của các nạn nhân chất độc da cam để có thể trực tiếp giúp đỡ họ.

Hà Loan
.
.
.