“Nhạc chế” tràn lan trên mạng

Thứ Tư, 09/07/2008, 09:34

Trên một website âm nhạc, chúng tôi tìm thấy nhiều bài hát được gọi là “nhạc chế” với lời lẽ thô tục. Có rất nhiều bài hát còn gây sốc cho người nghe bởi nội dung như: Đời tôi du côn, Bài ca không em, Sư tử Hà Đông…

"Nhạc chế" chính là những bài hát được biến thể, xuyên tạc phần lời từ chính những bài hát Việt và thậm chí trong đó không ít bài hát cách mạng một thời nổi tiếng của các nhạc sỹ đã đi sâu vào trong lòng công chúng cũng đã bị những đối tượng xấu xuyên tạc phần lời biến thành những bản "nhạc chế" với lời lẽ xuyên tạc. Những loại nhạc như thế này không chỉ được truyền miệng với nhau mà chúng được công khai trên rất nhiều website âm nhạc.

Không khó để tìm ra những loại nhạc nhảm nhí kiểu này, vào các thanh công cụ tìm kiếm trên Internet chỉ với từ khóa rất đơn giản "nhạc chế" chưa đầy vài giây đã hiện ra hàng loạt website khác nhau, trong đó đăng tải tới cả trăm nhạc phẩm nhảm nhí, xuyên tạc.

Tại trang web này có hẳn một chuyên mục nhạc chế với gần hai trăm bài hát có đề tên tác giả là La Thoại Tâm, những bài hát của tác giả này không chỉ có những lời lẽ thô tục mà có rất nhiều bài hát còn gây sốc cho người nghe bởi nội dung như: Đời tôi du côn, Bài ca không em, Sư tử Hà Đông…

Cũng tại website âm nhạc này, một tác giả với tên Hoài Linh thì lại chuyên đi sửa và thay lời của các bài lý dân gian biến tấu thành những bài lý mới có ca từ sặc mùi chợ búa như: Lý nói láo, Lý gái hư hay Lý bán quán… mặc dù vẫn giữ nguyên phần tiết tấu nhạc điệu của những bài lý dân gian nguyên bản, song với phần lời, tác giả có tên Hoài Linh cho thay đổi hẳn chủ yếu là rên la ỉ ôi và đả kích xã hội.

Trong thư viện chia sẻ âm nhạc của... thì không chỉ phát tán những loại âm nhạc kiểu này. Đi kèm với những bài hát quái đản, website này còn cho đăng tải cả những hình ảnh, những video clip hết sức nóng bỏng và mang nội dung đồi trụy. Hàng loạt bài hát chỉ đề cập tới những khía cạnh tiêu cực của xã hội như: Chia tay cave, Kiếp ăn xin, Kiếp giang hồ…

Có tới cả vài chục trang web đang thi nhau tung lên mạng những loại hình âm nhạc nhảm nhí. Mục đích của những trang web này khi cho đăng tải những ấn phẩm nhạc kiểu này là để thu hút số lượng người truy cập và chủ yếu nhằm vào các đối tượng là giới trẻ.

Trên trang tìm kiếm baamboo.vn của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam cũng cung cấp đầy rẫy những tác phẩm nhạc chế. Qua thử nghiệm với từ khóa "nhạc chế" trong vòng 0,7 giây đã có tới 487 bài cho phép tải và nghe thử.

Trên mỗi website này đều đưa ra những lưu ý như: "Chúng tôi không có bất kỳ mối liên hệ nào với tác giả cũng như không chịu trách nhiệm về nội dung, tính pháp lý cũng như chất lượng của các file".

Tuy nhiên, ông Trần Văn Nhật, cán bộ Trung tâm Bản quyền âm nhạc Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: "Thực tế đây là những sản phẩm độc hại nhưng các website trong nước không đưa ra những biện pháp hạn chế mà còn tiếp tay. Dù họ có tuyên bố không có bất kỳ mối liên hệ nào với tác giả cũng như không chịu trách nhiệm về nội dung, tính pháp lý cũng như chất lượng. Nhưng trên thực tế đó là hành vi vi phạm pháp luật. Về mặt trách nhiệm đối với xã hội, không ít thì nhiều các website này đã tiếp tay cho việc truyền bá văn hóa phẩm trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam"

Q.Hưng - N.Hương
.
.
.