Nhà vườn ĐBSCL rộn rã chuẩn bị Tết

Thứ Tư, 30/01/2013, 20:53
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào tháng Chạp âm lịch. Khi trời se se lạnh, gió chướng rao trên những ngọn cây là lúc mọi người rộn rã trong lòng chuẩn bị đón xuân... Cùng lúc, các nhà vườn ở khu vực này đang tất bật chuẩn bị đặc sản để tung ra thị trường phục vụ người tiêu dùng đón Tết.

Đủ trái cây phục vụ nhu cầu của người dân

Huyện Châu Thành (Hậu Giang) vài năm qua được mọi người biết đến với trái bưởi Năm Roi hồ lô tạo các chữ nổi “Tài, Phước, Lộc”. Năm nay các nhà vườn nơi đây đã lên kế hoạch sản xuất gần 10.000 trái bưởi hồ lô có khắc chữ và trên dưới 2.000 trái dưa hấu hoàng kim được tạo hình dáng hồ lô, thỏi vàng.

Bưởi Năm Roi hồ lô có chữ nổi phục vụ khách hàng chưng Tết.

Theo CLB khuyến nông ấp Phú Trí A chuyên sản xuất bưởi hồ lô, thì ngay từ đầu vụ đã có nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và cả Hà Nội đặt hàng với số lượng lớn. Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông Phú Trí A cho biết, bưởi Năm Roi hồ lô bán được giá cao trong dịp Tết, gấp nhiều lần bưởi thường. Năm nay các thành viên trong CLB còn hi vọng vào trái dưa hấu hoàng kim tạo dáng “độc” sẽ cho thu nhập cao hơn…

Những ngày này, nhiều nhà vườn ở Tiền Giang, Bến Tre đang hối hả bón phân, tưới nước cho ruộng hoa, vườn cây ăn trái của mình để chuẩn bị xuất cho thị trường Tết những loại trái cây và hoa tươi chất lượng, đẹp mắt nhất.

Theo TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn trái miền Nam, tuy sản lượng không bằng mọi năm do thời tiết không thuận lợi ở nhiều loại trái cây phổ biến vào dịp Tết như bưởi, xoài… nhưng nhìn chung các tỉnh ĐBSCL đã chuẩn bị sản lượng trái cây dồi dào đủ cung ứng cho thị trường.

Tại những địa phương nổi tiếng với các loại trái cây đặc sản như quýt hồng Lai Vung, dưa hấu Đồng Tháp; bưởi Năm Roi, cam sành Vĩnh Long... nhà vườn cũng đang khẩn trương đẩy mạnh công đoạn chăm sóc, đảm bảo thu hoạch đúng dịp Tết.

Theo nhiều chủ nhà vườn tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), năm nay lần đầu tiên các khách hàng sẽ được thưởng thức sản phẩm quýt hồng được canh tác tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí và đã được công nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, có quýt hồng được nhà vườn trồng trong chậu cảnh với giá từ 2-5 triệu đồng/chậu.

Ngoài ra, thị trường dưa hấu Tết năm nay cũng khá đa dạng về chủng loại, trái đẹp hơn năm trước vì nhà nông đã không chỉ quan tâm tới năng suất, mà còn chú ý tới yếu tố nhu cầu của thị trường. Năm nay, nhiều hộ nông dân đầu tư sáng tạo những mặt hàng “độc” được thị trường ưa chuộng có giá rất cao.

Điển hình như ông Trần Thanh Liêm-một nông dân trông dưa hấu ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) dự định cho ra lò trên 200 cặp dưa hấu hình thỏi vàng, có chữ “Phước” với giá bán 3,5 triệu đồng/cặp. Ông Liêm còn sản xuất thành công 10 cặp dưa hấu hình xe hơi Mercedes, bán với giá 10 triệu đồng/cặp, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...

Ông Liêm vui vẻ cho biết: “Trong đợt tết này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 600 triệu đồng từ các mặt hàng dưa hấu “độc”. Số tiền trên dư sức ăn Tết sung túc”.

Dưa hấu hình vuông, thỏi vàng và xe hơi phục vụ Tết có giá cao gấp hàng trăm lần so với dưa hấu thường.

Nhiều hàng Việt về nông thôn

Rảo bước về vùng nông thôn một khu vực ĐBSCL, có thể thấy được không khí chuẩn bị trưng bày các mặt hàng đón Tết, rõ nhất là các chợ xã, chợ huyện, Trung tâm thương mại. Cơ quan, chính quyền địa phương đã hoàn tất việc quy hoạch sắp xếp lô sạp, phân lô, phân nền để trưng bày hàng hóa trong dịp Tết tại các nơi trung tâm. Từ tháng 12/2012 đến nay, các tỉnh, thành: như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… đã tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu thị trường, thời gian qua, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, thu nhập của người dân trong dịp Tết này sẽ giảm nên việc chọn và sử dụng hàng ngoại được người dân cân nhắc. Đây chính là cơ hội tốt để hàng Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường và khẳng định được thương hiệu trong lòng người dân Việt.

Theo Sở Công thương An Giang, có 12 doanh nghiệp (DN) chủ lực trên địa bàn đã chuẩn bị các nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với tổng giá trị trên 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt các DN đã tung dần lượng hàng hóa ra thị trường ngay từ đầu tháng 12-2012, đồng thời cam kết luôn đảm bảo số lượng và chất lượng không tăng giá cho dù có tăng hàng hay trong thời điểm cao điểm Tết.

Năm nay để đảm bảo lượng hàng hóa Việt về tận tay người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng biên giới, các DN đã triển khai hệ thống bán lẻ, cửa hàng được trên 120 điểm với trên 3.600 đại lý trong toàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các đơn vị sở ngành, đoàn thể, đặc biệt là MTTQ các cấp thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua những chuyến hàng lưu động đến tận xóm ấp…

Là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ chủ trương hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng cho các DN vay không tính lãi để cùng tham gia bán hàng bình ổn giá phục vụ bà con dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ - 2013, với 55 điểm bán hàng bình ổn tại các quận, huyện toàn thành phố.

Theo UBMTTQVN  TP Cần Thơ, đến nay, các DN trên địa bàn đã có kế hoạch tạo nguồn hàng dự trữ hàng hóa với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012 và được cho là đã đủ khả năng tham gia bình ổn giá thị trường Tết Nguyên đán

Văn Đức
.
.
.