Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây trên 1.000 tỷ đồng xây xong “đắp chiếu”

Thứ Ba, 11/10/2016, 09:00
Trong khi vụ việc cá chết bất thường ở Hồ Tây vẫn chưa có công bố chính thức về nguyên nhân, dư luận đang tiếp tục đặt ra câu hỏi, cách đây gần 6 năm, UBND TP Hà Nội đã đầu tư một nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải lên tới hơn 1.000 tỷ đồng để cải thiện chất lượng nước Hồ Tây.

Tuy nhiên, dù đã hoàn thành, nhà máy này vẫn chưa hoạt động và hàng chục cống nước thải vẫn đang xả trực tiếp xuống hồ.

Năm 2010, UBND TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Hồ Tây với công suất 15.000m³/ngày/đêm. Nhà máy này được đặt tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. 

Dự án có tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng do Liên doanh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Môi trường SFC Việt Nam làm chủ đầu tư theo hình thức BT, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Đây là nhà máy với công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn. 

Mục tiêu của Dự án được Hà Nội đặt ra để bảo vệ, tôn tạo, cải thiện môi trường nước, không gây ô nhiễm cho nước Hồ Tây, đảm bảo phục vụ cho phát triển du lịch và giải trí của người dân Thủ đô. 

Một trong những đường ống xả nước thải góp phần bức tử Hồ Tây.

Cùng thời điểm này, UBND TP Hà Nội giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây làm chủ đầu tư Dự án hệ thống đường ống gom nước thải xung quanh Hồ Tây giai đoạn 1.

Tiếp đó, năm 2015, UBND TP Hà Nội tiếp tục đầu tư 312 tỷ đồng để xây dựng mở rộng hệ thống thu gom nước thải giai đoạn 2 đảm bảo công suất cho nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Dự án này được giao cho Công ty CP Đầu tư và thương mại Phú Điền đầu tư theo hình thức BT. 

Theo ông Nguyễn Phương Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Phú Điền cho biết, dự án xây dựng đường gom giai đoạn 2 cũng đã hoàn thiện. Nhưng trái với kỳ vọng của người dân Thủ đô, nhà máy nước thải Hồ Tây lại chưa thực hiện được chức năng của nó vì không có nước thải để xử lý, công suất của nhà máy đến thời điểm này mới chỉ dao động từ 7.000-10.000m3/ngày đêm. 

Theo ông Quý, nhà máy xử lý nước thải cũng như hệ thống đường gom đã hoàn thành nhưng chưa có cơ sở dịch vụ nào xung quanh Hồ Tây đấu nối vào đường ống xả thải. Công ty CP Đầu tư và Thương mại Phú Điền đã có văn bản gửi UBND quận Tây Hồ đề nghị cung cấp thông tin để khảo sát, đánh giá và đấu nối nhưng cũng mới chỉ có 2 trong số hơn 100 cơ sở dịch vụ phản hồi lại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ lại có ý kiến khác lý giải nguyên nhân nhà máy xử lý nước thải không có nước thải để xử lý. Theo ông Hoàng, tháng 9-2013, nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây mới hoàn thành nhưng chưa đảm bảo thu gom được nước thải, và giai đoạn 2 của dự án hệ thống ống thu gom cũng mới được Công ty Phú Điền hoàn thành vào tháng 8 vừa qua. 

Ông Hoàng cho biết thêm, cần phải xây dựng các trạm bơm để chuyển nước thải về đường ống chính thì hệ thống xử lý mới có thể hoạt động được. Hiện nay, UBND quận Tây Hồ cũng đã có văn bản gửi các cơ sở kinh doanh dịch vụ có xả thải xuống Hồ Tây nhưng do phía Công ty Phú Điền chưa nêu mức giá chi phí xử lý nước thải nên các cơ sở này chưa thực hiện.

Trong khi mối “khúc mắc” giữa một bên là các nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ muốn xả thẳng nước thải xuống Hồ Tây để khỏi phải mất tiền thuê xử lý, một bên là doanh nghiệp cần nước thải để hoạt động thì trách nhiệm của chính quyền dường như lại đang bỏ ngỏ. UBND quận Hồ Tây chính là đầu mối để giải quyết được nghịch lý trên vẫn chưa có biện pháp kiên quyết và nước Hồ Tây vẫn đang ngày một ô nhiễm trầm trọng.

Ước tính, quanh Hồ Tây có khoảng 30 đường ống lớn đổ thẳng nước thải vào hồ, trong đó có nhiều đường ống thuộc các đơn vị có mức nước thải lớn như trường PTTH Chu Văn An, cống số 2 Thụy Khuê (có nhiều ống cống nhỏ dẫn vào đường ống này)…

Chi Linh
.
.
.