Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Đông Dương

Chủ Nhật, 25/10/2015, 09:36
Hun hút trong thung lũng suối Vàng, Ankroet cổ kính với những khối đá chẻ lồ lộ hiện ra trầm mặc với thời gian. Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Đông Dương ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc vẫn kiêu hãnh, uy phong, bên cạnh hàng chục ngôi mộ hoang lạnh không tên tuổi của những người phu xây dựng đã nằm lại nơi đây.


Điện lên dây, phu xây nằm lại

Con đường nhỏ duy nhất, lòng vòng như một sợi dây thừng vô trật tự sẻ ngang những quả núi đâm thẳng vào rừng. Cứ thế, con đường hun hút thọc sâu xuống lòng đất. Đi hết con đường loằn ngoằn ấy, nhà máy thủy điện Ankroet (Đà Lạt) cổ kính lặng lẽ hiện ra dưới những áng sương chiều đang vào độ chuyển mùa bay lơ đãng. Sử liệu viết về nhà máy thủy điện đầu tiên ở Đông Dương này không nhiều. Địa chí Đà Lạt (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) có viết: “Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công vào tháng 10/1942 và khánh thành vào năm 1945, chính thức phát điện năm 1946”. 

Với bề dày không có đối thủ về lịch sử hình thành, Ankroet đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập. Ngày nay, những người đâu tiên vận hành nhà máy thủy điện Ankroet đã không còn nữa. Thế hệ thứ hai đều đã nghỉ hưu, phần nhiều cũng đã mất. Đón chúng tôi viếng thăm công trình còn lưu nhiều chứng tích này là thế hệ thứ ba, họ cũng đã ở tuổi ngoài 40 trong khi Ankroet đã tròn 7 thập niên.

Trong quá khứ, những năm đầu của thế kỷ XX, Đà Lạt là đô thị duy nhất của Việt Nam được thiết kế, quy hoạch bài bản từ những kiến trúc sư người Pháp trước khi cho tiến hành xây dựng. Những năm 20 của thế kỷ trước, một đề án hoàn chỉnh xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Đông Dương do KTS Hébrard thiết kế được trình lên toàn quyền P. Decoux.

Để xây dựng Đà Lạt trở thành một Paris hoa lệ của nước Pháp ở Đông Dương cần phải có một lượng điện lớn. Thế nhưng, mãi tới năm 1942, thủy điện Ankroet mới được khởi công. Rồi hàng nghìn phu xây dựng từ các tỉnh miền Trung và người bị tù đày hằng ngày được điều động băng rừng tiến sâu vào công trình thủy điện Ankroet.

Nhà máy thủy điện Ankroet và một tổ máy đời đầu đã được tháo bỏ, thay thế.

Thời bấy giờ, việc xây dựng nhà máy thủy điện Ankroet được tiến hành hoàn toàn thủ công, hầu như không có thiết bị máy móc nào hỗ trợ. Hàng chục nghìn khối đá chẻ, vật liệu xây dựng, trang thiết bị… được vận chuyển từ khắp nơi băng qua những dãy núi cheo leo tập kết về đây. Trong quá trình xây dựng, vận chuyển vật liệu, thiết bị, chẳng ai còn nhớ rõ biết bao nhiêu phu xây đã nằm lại nơi đây. 

Chỉ thấy rằng, quanh nhà máy thủy điện Ankroet hôm nay là rải rác những nấm mộ hoang lạnh, cỏ mọc um tùm dù vào những dịp lễ, tết, những công nhân vận hành nhà máy thủy điện Ankroet vẫn chăm lo hương khói. Tất cả những ngôi mộ đều không ghi tên tuổi. Có ngôi mộ chỉ là một gò đất, bên dưới là những bộ hài cốt tập thể, cũng có ngôi mộ trang trọng hơn được gắn bia đá nhưng ghi trên đó vẻn vẹn năm mất của người quá cố, không tên, không tuổi, không quê quán.

Cách đây ít năm, để an lòng những linh hồn yên nghỉ, phân xưởng nhà máy thủy điện Ankroet đã xây dựng một bia tưởng niệm. Vào những ngày lễ, tết, rằm hay đầu tháng, công nhân nhà máy lại thắp lên những nén hương với lời nguyện cầu cho linh hồn họ sớm siêu thoát.

Nhà máy thủy điện đầu tiên Đông Dương

Được khởi công vào tháng 10/1942, Ankroet có thiết kế ban đầu với đập tràn đá chẻ dài 97m, cao 10m, dung tích hồ chứa 1,3 triệu mét khối nước. Thủy khẩu và đường hầm bê tông xuyên núi dài 536m, hình móng ngựa đường kính 1,65m, có giếng áp thủy cuối hầm cao 44m, đường kính 4m.

Gồm 2 tổ máy, mỗi tổ 300kW tuốc bin hiệu BELL phát hiệu CEM-LEHA VRE do Mỹ sản xuất. Chính thức phát điện vào năm 1946, đưa điện về Đà Lạt hòa điện với nhà máy điện diesel Đà Lạt để cung cấp điện cho thành phố trẻ đang được người Pháp cho xây dựng. Thời bấy giờ, không riêng gì Việt Nam, Ankroet là nhà máy thủy điện duy nhất trên toàn cõi Đông Dương mà rất nhiều năm sau đó các nhà máy thủy điện tiếp theo mới lần lượt ra đời.

Đầu những năm 1950, quy mô của Đà Lạt phát triển mau lẹ, do không chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh nên quan chức người Pháp và những gia đình người Việt giàu có đổ lên đây mua đất xây biệt thự ngày càng nhiều. 

Để đủ điện cung cấp cho thành phố, giai đoạn 1950-1955, hồ thủy điện Ankroet được người Pháp cho nâng cấp với quy mô đập dâng bằng đất dài 161m, cao 25m và tự tràn qua đá chẻ dài 40m, cao 20m, dung tích hồ chứa lúc này đã tăng lên 20 triệu mét khối nước. Nhà máy thủy điện Ankroet được lắp đặt thêm 2 tổ máy 1250kW-6,6kV, tuốc bin hiệu Neyrpic và máy phát điện hiệu Alsthom do Pháp sản xuất với mức độ điều khiển và tự động cao hơn trước, nâng quy mô nhà máy Ankroet lên 4 tổ máy phát điện, tổng công suất 3,1MW. 

Người Pháp đã cho xây dựng đường dây truyền tải điện cao thế 31,5kV Suối Vàng – Đà Lạt và Cà Rang – Sông Pha để kết lưới hòa điện thủy điện Ankroet với nhà máy điện diesel Đà Lạt tăng cường cung cấp điện cho Đà Lạt và các vùng lân cận. Đặc biệt, trong thời gian này, thủy điện Ankroet còn đảm đương thêm sứ mệnh của mình  là chuyền tải điện về vùng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận ngày nay phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử, thế rồi, những tổ máy phát điện do Mỹ, Pháp sản xuất lần lượt hoàn thành sứ mệnh của mình. Đến năm 2004, tổ máy nguyên thủy cuối cùng được lôi ra khỏi vị trí, đặt vào đó là những tổ máy phát điện mới do Trung Quốc sản xuất có công suất phát điện lớn hơn bằng công nghệ tự động. 

Ông Đinh Viết Hòa, quản đốc phân xưởng thủy điện Ankroet tâm sự, dù biết rằng tháo bỏ, thay thế những tổ máy nguyên thủy nó sẽ làm mất đi linh hồn của Ankroet. Thế nhưng, trên con đường phát triển của mình, những cỗ máy cũ không còn đáp ứng được sứ mệnh trong thời đại mới, nó đã “quá già”, thường xuyên xảy ra hư hỏng, sự cố. Ngày đưa tổ máy cổ cuối cùng ra khỏi vị trí cố hữu của nó, những công nhân kỹ thuật ở Ankroet ai cũng rưng rưng, xúc động. Tất cả đều quan niệm rằng, chính họ đang đưa tiễn linh hồn cuối cùng ra khỏi Ankroet huyền thoại giữa chốn hoang sơn này.

Cuối năm 2014, một tổ máy cổ tuốc bin hiệu BELL, phát hiệu CEM-LEHA VRE do Mỹ sản xuất những năm đầu thế kỷ XX đã được phục hồi rồi vượt gần 2.000km ra Hà Nội yên vị tại Nhà truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Một tổ máy khác được cho là sẽ phục dựng lại để trưng bày tại nhà máy thủy điện Ankroet nhưng đến nay kế hoạch đó vẫn chưa thành hiện thực.

Kim Ngân
.
.
.