Nhà khoa học không còn phải 'nói dối'

Thứ Bảy, 11/07/2015, 12:32
Cơ chế tài chính cứng nhắc, thủ tục thanh quyết toán rườm rà khiến không ít nhà khoa học phải “nói dối”, “vẽ việc” để được thanh toán đúng sức lao động của mình.

Bằng việc ban hành Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN thay thế Thông tư 44 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước, nhà khoa học đã thực sự được “cởi trói”. 

Trong buổi họp báo ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc thừa nhận tình trạng nhà khoa học “nói dối” đã diễn ra thời gian dài do cơ chế cũ. 

“Trước đây, do định mức chi thấp và việc tính tiền công cho nhà khoa học được tính theo chuyên đề nên có tình trạng nhà khoa học phải “vẽ” ra chuyên đề để được lĩnh đủ so với sức lao động của mình. Nay với Thông tư 55, việc tính tiền công được tính theo ngày công, thay vì theo chuyên đề như trước đây nên sẽ tạo thuận lợi cho nhà khoa học trong việc thanh quyết toán” – Thứ trưởng Tạc nói.

Ông Bùi Thế Duy – Chánh văn phòng Bộ Khoa học – Công nghệ cho biết: “Trước đây, nhà khoa học phải làm rất nhiều chuyên đề, trong đó có nhiều chuyên đề ít giá trị chỉ để được quyết toán đủ tiền công. Nay, với tổng mức chi không đổi nhưng định mức chi tăng lên thì số lượng chuyên đề sẽ ít đi, hạn chế được tình trạng dàn trải trong nghiên cứu”. 

Trước đó, trong rất nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ cũng thể hiện nỗi băn khoăn của người đứng đầu ngành: “Là nhà khoa học, tôi thấy buồn vì các nhà khoa học không thể tập trung nghiên cứu khi luôn phải lo rất nhiều thủ tục thanh, quyết toán rườm rà mỗi khi triển khai đề tài. Không ai muốn một cuộc họp phải có vài chữ kí, một đề tài phải làm hàng chục chuyên đề không cần thiết. Nhưng không làm thế thì họ không được quyết toán đúng công sức của mình”.

Trước lo ngại các nhà khoa học lại “vẽ” ngày công lao động thay vì “vẽ” chuyên đề như trước đây, ông Hoàng Minh Thức - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp (Bộ Khoa học – Công nghệ) cho rằng, việc lên dự toán ngày công lao động sẽ được các hội đồng khoa học xét duyệt bằng kinh nghiệm chuyên môn. 

“Trong khoa học, rất khó để dự toán chính xác số ngày công, chẳng hạn như việc xác định nghiên cứu này cần làm thí nghiệm 1 lần hay 2 lần, cần làm 5 ngày hay 10 ngày là không dễ. Tuy nhiên, việc tính ngày công là cách mà các nước tiên tiến đang làm” – ông Thức nói.

Thứ trưởng Tạc cũng cho biết thêm, các văn bản trước đây không có quy định về việc chi cho thuê chuyên gia, khiến việc chi trả gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong Thông tư 55 đã cho phép thuê chuyên gia trong nước với định mức lên tới 40 triệu/tháng. Với chuyên gia nước ngoài, mức chi cũng cho phép lên tới 50% dự toán của dự án. 

Bên cạnh đó, Thông tư 55 cũng quy định về việc chi trả cho cơ quan chủ trì thực hiện đề tài. Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng các cơ quan chủ trì ra các văn bản trái pháp luật, đòi chủ nhiệm đề tài phải trích lại “phần trăm hoa hồng”. Hiện nay, đầu tư cho khoa học công nghệ chiếm 2% tổng chi ngân sách Nhà nước, tương đương 0,5% GDP (ở Hàn Quốc mức chi là 3-4% GDP).

Nguồn vốn từ xã hội hoá cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 1/3 trong khi ở các nước phát triển phải là 2/3 tổng đầu tư cho khoa học công nghệ... Tuy nhiên, nghịch lí của ngành khoa học công nghệ là luôn kêu thiếu tiền nhưng vẫn phải trả lại ngân sách vì “tiêu không hết” do vướng mắc cơ chế tài chính. Việc áp dụng Thông tư 55 và cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng sẽ giúp các nhà khoa học được “cởi trói” khỏi những cơ chế cứng nhắc, tạo đà cho khoa học công nghệ cất cánh.

Khánh Vy
.
.
.