Nhà giáo nhân dân Bùi Thân: 80 tuổi vẫn tiếp tục cống hiến

Thứ Hai, 10/01/2011, 18:55
Giản dị, chân thành và cũng rất gần gũi đó là ấn tượng đã đọng lại ở nhiều người khi gặp gỡ Nhà giáo nhân dân Bùi Thân.Với nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh thì thầy là một nhà giáo mẫu mực, một nhà quản lý giỏi, người hết lòng vì công việc. Thầy luôn được nhắc tới với một tình cảm trân trọng, quý mến.

Bền bỉ tự học thực hiện ước mơ

Thầy giáo Bùi Thân quê ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) nơi có bến Tam Soa thơ mộng, vùng quê địa linh nhân kiệt đã sinh ra những danh nhân mà sự nghiệp của họ đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Thân phụ thầy là người học hành, chữ nghĩa, đậu tú tài rồi làm một viên chức dưới chế độ phong kiến. Thầy luôn khắc ghi lời dạy của cha lúc sinh thời "Nhân bút phong lưu" (người có học thì sung sướng).

Chính gia đình và truyền thống quê hương đã hun đúc trong tâm hồn chàng thanh niên Bùi Thân lòng yêu quê tha thiết. Anh ước mơ lớn lên sẽ trở thành một nhà giáo để dạy lớp lớp học sinh thành người có tài, đức góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Thế nhưng thật không may, lúc anh mới 13 tuổi, cha mất, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, anh phải bỏ học giữa chừng khi vừa học hết chương trình Đệ nhất trung học (lớp đầu của bậc THCS) để lao động kiếm sống.

Năm 1949, ở tuổi 18, học qua một lớp sư phạm cấp tốc, thầy giáo trẻ Bùi Thân bước vào nghề dạy học ở Trường Tiểu học Quang Lĩnh, sau đó chuyển về Trường cấp I Thạch Tân (Thạch Hà). Những năm đầu dạy học thầy tranh thủ học hỏi đồng nghiệp, những người đi trước, kết hợp với sưu tầm tài liệu để dạy. Có những bài học, học sinh chưa hiểu, thầy cặn kẽ chỉ bảo. Học sinh Lê Văn Minh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học, thầy đã đến tận nhà, ra tận ruộng động viên em trở lại lớp (sau này Minh đã phấn đấu học lên và làm Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng).

Bằng sự nỗ lực phấn đấu của mình, chỉ sau một thời gian ngắn thầy được phân công làm Hiệu trưởng Trường cấp I Thạch Tân và mấy năm sau được điều về làm cán bộ phụ trách chuyên môn cấp I của Ty Giáo dục Hà Tĩnh (1959 - 1962). Chỉ đạo chuyên môn ở Ty Giáo dục một thời gian, thầy đã tích luỹ được khá nhiều "Cẩm nang", và thế là từ năm 1962 - 1991, suốt 30 năm, thầy Thân trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý ở các Trường Phù Việt, Thạch Linh và trước khi nghỉ hưu là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (đều thuộc huyện Thạch Hà). Dù ở đơn vị nào và làm nhiệm vụ gì thầy Thân cũng là người gương mẫu, nhiệt tình, say nghề, chí cốt với nghề.

Các đơn vị mà thầy góp phần xây dựng đều là những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, tổ khoa học xã hội Trường cấp II Phù Việt, do thầy làm tổ trưởng, là đơn vị đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Tổ Lao động XHCN và Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt trong 22 năm (1967 - 1989) làm Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Thạch Linh,  thầy Thân đã đầu tư công sức, trí tuệ và tâm huyết xây dựng thư viện trường học kiểu mẫu, đề xuất và thực hiện cách chăm sóc con liệt sĩ trong trường học. Trường còn phối hợp với tổ chuyên môn tổ chức trao đổi tìm biện pháp tối ưu trong giảng dạy, giáo dục học sinh.

Nhà giáo nhân dân Bùi Thân cùng người vợ bên ngôi nhà quê kiểng.

Sự tận tuỵ, chân thành của Hiệu phó Bùi Thân được các thầy cô giáo Trường PTCS Thạch Linh khâm phục, quý mến. Thầy Thân là người có công lớn đưa nhà trường trở thành một trong những lá cờ đầu của tỉnh về chất lượng đạo đức và học tập. Trường đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Có được những kết quả trên là do sự phấn đấu không mệt mỏi của cả một tập thể giáo viên và đối với riêng thầy - với tư cách là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, một nhà quản lý.

Bản thân thầy nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua, được UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 4 lần được Bác Hồ khen. Năm 1988, thầy được phong tặng Nhà giáo ưu tú đợt đầu tiên và một năm sau được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Song có một phần thưởng vô cùng quý giá đó là thầy được nhân dân quý mến, được đồng nghiệp nể trọng, cấp trên tín nhiệm, tin tưởng và các thế hệ học sinh kính trọng.

Nhiều cán bộ, giáo viên đã từng công tác với thầy cũng như học sinh của thầy thành đạt, có người trở thành nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo các cấp, sĩ quan Quân đội và Công an, nghệ sĩ... Song dù ở cương vị nào, họ đều nhớ đến thầy, biết ơn thầy, coi thầy là người dìu dắt những bước đi đầu tiên.

"Cây cổ thụ không về hưu với đất"

Năm 1992, sau 42 năm gắn bó với nhà trường và học sinh, thầy Bùi Thân được nghỉ hưu, thế nhưng thầy vẫn không chịu cảnh "Lão giả an chi" (về già ước bình yên) mà tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp "trồng người" cao quý. Thầy tâm đức với câu thơ của nhà thơ Huy Cận:

Cây cổ thụ không về hưu với đất.
Người về hưu không hưu trí với đời.

Từ đó đến nay thầy vẫn tham gia các công tác lúc thì làm chuyên viên tiểu học Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, lúc thì tham gia Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh. Làm khuyến học, thầy góp công lớn trong việc thúc đẩy nhanh tổ chức 3 cấp (huyện, xã, cơ sở), tìm ra phương pháp hoạt động, góp phần xây dựng phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học ở cơ sở và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng. Thầy Bùi Thân cũng là người say mê nghiên cứu khoa học với các đề tài "Cải tiến phương pháp giảng dạy lớp 1"; biên soạn lịch sử giáo dục Hà Tĩnh; giảng dạy khoa học thường thức... Trong đó đề tài giảng dạy khoa học thường thức được báo cáo tại hội thảo các nước nói tiếng Pháp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của thầy trong những năm tháng này, năm 2010, thầy được phong tặng danh hiệu: Nhà giáo nhân dân.

Nhà giáo nhân dân Bùi Thân đã ở vào tuổi 80, cống hiến hết mình cho cuộc sống. Như con ong hút mật cho đời, sự kiên trì, chịu học, chịu nghĩ, khiêm tốn, giản dị, biết dựa vào dân, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, đoàn kết với tập thể, thêm vào đó là một quyết tâm cao... là những đặc tính để thầy thành công. Người vợ hiền thục, thuỷ chung và các con khôn lớn trưởng thành cũng là nguồn động viên rất lớn, giúp thầy có thêm niềm vui và nghị lực trong suốt chặng đường dài phấn đấu không mệt mỏi. Gia đình thầy vẫn sống ở vùng quê với căn nhà cấp 4 và mảnh vườn bạc màu, tiện nghi đơn giản, ăn uống bình dân. Thầy đã vượt lên tất cả những khó khăn của đời thường để thực hiện tâm nguyện: Còn sức còn cống hiến cho quê hương, đất nước và nhân dân.

"Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy..." lời của bài hát Bụi phấn gợi lên hình ảnh đẹp đẽ của biết bao thế hệ thầy cô giáo Việt Nam, và trong danh sách trùng điệp ấy có tên Nhà giáo nhân dân Bùi Thân

Tuấn Hiển
.
.
.