Nhà điêu khắc người Na Uy: Đào tạo thợ làng đá Non Nước

Thứ Hai, 12/04/2010, 14:23
Đến thăm làng đá Non Nước vào năm 2001, nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken đã rất thích thú, lập dự án và đào tạo những người thợ điêu khắc Non Nước có trình độ quốc tế. Gần 10 năm miệt mài tạc tượng, đào tạo thợ theo phương pháp điêu khắc của Italia, đã có khá nhiều tác phẩm mang đậm hồn Việt lần lượt đưa sang châu Âu, được người dân sở tại đánh giá cao.

Oyvin Storbaekken từng tốt nghiệp Viện Hàn lâm Mỹ thuật quốc gia Na Uy, trên 20 năm vừa giảng dạy tại 2 trường đại học kiến trúc và mỹ thuật ở thủ đô Oslo vừa lao động nghệ thuật và có kinh nghiệm hơn 6 năm lao động điêu khắc ở Italia.

Sau lần sang Việt Nam đến thăm làng đá Non Nước ấy, Oyvin đã trình đề xuất lên Bộ Ngoại giao Na Uy xin kinh phí thực hiện thí điểm đào tạo thợ điêu khắc có đủ trình độ thực hiện các yêu cầu của các nhà điêu khắc phương Tây và được cấp 150.000 NOK (21.500USD). Ông liền cùng vợ trở lại Việt Nam, dựng một xưởng điêu khắc ở Đà Nẵng và đệ trình một dự án kéo dài 4 năm thành lập một trung tâm điêu khắc.

Được Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy (Norad) tài trợ toàn bộ kinh phí cho dự án, tháng 3/2003, nhà xưởng được xây trên khu đất mới thuê, dự án bắt đầu hoạt động với các thiết bị mới mua từ Italia, Đức và nhiều thợ điêu khắc được tuyển dụng, họ đều là những thanh niên của làng đá, có óc sáng tạo và đam mê với nghề đá.

Bước đầu, họ được đào tạo (3 năm) về tạo mẫu, sao chép tượng, phóng tượng, kỹ thuật cắt đá, các loại thiết bị, dụng cụ điêu khắc và cả tiếng Anh. Năm 2004, 12 thợ điêu khắc của trung tâm đều được đi Na Uy theo lời mời của thị trấn Tolga - quê hương của Oyvin Storbaekken. Sau 6 tuần làm việc ở Nord-Oesterdalen, họ đã hoàn thành 6 tượng đá granite do hạt Hedmark và Innovation Norway giao gia công.

Hai năm sau, 7 người thợ trở lại Na Uy cùng 10 container đá cẩm thạch đỏ của Việt Nam đã được sơ chế tác từ trung tâm, kết hợp với đá hóa cương của Na Uy miệt mài 2 tháng lắp ghép thành một chiếc cầu xinh đẹp bắc qua một dòng suối nhỏ mang tên: Cầu Hữu nghị Tolga - Đà Nẵng, đánh dấu 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy.

Qua 4 năm dự án kết thúc chóng vánh, mãi đến tháng 6/2009, UBND thành phố Đà Nẵng mới cho phép thành lập Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động vì sự phát triển văn hóa và nghệ thuật điêu khắc của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong thời gian 3 năm chờ đợi đó, nhiều nhà điêu khắc quốc tế đã đến trung tâm làm việc, nhiều đơn hàng từ các nước châu Âu và nhiều tượng do Oyvin và những học trò điêu khắc đã được mang sang, phần lớn là đến Na Uy.

Đặc biệt việc dựng tượng đá hoa cương "Mẹ bồng con" lên trên một đỉnh núi cao 1.020m của Na Uy vào tháng 6/2009 là một câu chuyện cảm động, được hàng triệu người dân Na Uy theo dõi trực tiếp trên truyền hình quốc gia.

Theo bà Phan Quỳnh Hương - Giám đốc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, mục tiêu của Quỹ là phát triển nghệ thuật điêu khắc ở Đà Nẵng, góp phần vào sự phát triển của ngành điêu khắc Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc trong và ngoài nước; tài trợ, bảo trợ, khen thưởng các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phát triển về nghệ thuật điêu khắc…

Bà Hương cho biết thêm: "Đội ngũ thợ tại trung tâm có tay nghề, kỹ thuật điêu khắc rất cao và các trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến nhập về từ Đức, Italia. Mỗi năm có khoảng 10 nhà điêu khắc quốc tế (Na Uy, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Canada…) đến trung tâm lao động nghệ thuật, riêng đầu năm 2010 có đoàn 7 nhà điêu khắc Thụy Điển đến làm việc gần 1 tháng, hiện có 1 nhà điêu khắc Singapore đang làm việc.

Còn thầy Oyvin Storbaekken hiện là cố vấn cao cấp của Quỹ, mỗi năm thầy làm việc tại trung tâm 6 tháng, đang trực tiếp đào tạo đội ngũ thợ theo phương pháp điêu khắc của Italia và tâm huyết đưa điêu khắc Việt Nam phát triển thành một môn nghệ thuật thay vì quan niệm chỉ là một nghề thủ công như hiện nay".

Chỉ về những người thợ đang làm việc tại trung tâm, ông Oyvin Storbaekken chia sẻ: "Những anh này đã được đào tạo và thực hành ở đây 7 năm, đã có trình độ điêu khắc cao, nhưng để trở thành một người thợ điêu khắc như ở Italia phải mất ít nhất 8 năm nữa. Để sống được với nghề điêu khắc, những người thợ không cách nào khác hơn phải nỗ lực không ngừng, nâng cao tay nghề, làm ra các tác phẩm chất lượng cao.

Tuy nhiên, chỉ việc làm theo phác thảo có sẵn, copy lại những mẫu tượng nghệ thuật từ nước ngoài thì quá dễ dàng, những người thợ và các nhà điêu khắc Việt Nam cần nhìn thẳng về nội tại của mình, phải hiểu và yêu quý truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời của dân tộc để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, đó mới là điều quan trọng!"

Viết Nam
.
.
.