Nhà “chống bão” cho người dân vùng thiên tai

Thứ Tư, 23/02/2011, 19:23
Còn ông Nguyễn Hữu Phước, làm nghề xây dựng ở Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), phấn khởi cho biết: "Chỉ cần mình giải thích rằng, xây nhà chống bão chỉ cần thêm chút vật liệu xây dựng khoảng 3% chi phí ngôi nhà sẽ có được ngôi nhà an toàn khi có bão thì người dân ai cũng thích. Chứng kiến nhiều nhà sụp đổ, tốc mái, nghĩ đến ngôi nhà kiên cố chống được bão mà kinh phí bỏ ra không phải là quá sức, ai mà chẳng muốn"…

Làm thế nào để giúp người dân ở vùng ảnh hưởng có được những ngôi nhà chắc chắn để đối phó với bão lũ là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu và có ý nghĩa quyết định đối với công tác phòng chống thiên tai ở nước ta. Trong thời gian vừa qua, đã có những căn nhà chống bão được xây dựng với sự giúp đỡ của Tổ chức hội thảo phát triển Pháp - DWF (Development Worksop France). Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả thì cần phải có sự hợp tác hơn nữa của các địa phương.

DWF với chương trình "góp phần tái tạo mùa xuân"

Trong những năm qua, với sự giúp đỡ của DWF, một tổ chức hoạt động chủ yếu tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ giảm nhẹ thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền Trung Việt Nam. Năm 2000, đánh dấu hoạt động đầu tiên của DWF ở Thừa Thiên - Huế, bằng việc triển khai thí điểm ở 3 xã Vinh Hải (Phú Lộc), Phú Đa (Phú Vang), Hương Sơ (Huế). Sau 3 tháng triển khai thí điểm, tháng 4/2000 dự án đã triển khai thêm 10 xã, thuộc 6 huyện, TP Huế. Giai đoạn này, dự án đã kết hợp triển khai thí điểm chương trình tín dụng gia cố nhà ở. Chương trình đạt hiệu quả rất cao, tỷ lệ rủi ro khi thu hồi vốn rất thấp.

Đến nay, dự án đã triển khai tới 20 xã trong tỉnh. DWF đã giúp kinh phí, kỹ thuật để gia cố 1.250 căn nhà, xây dựng mới 335 nhà và hơn 100 công trình công cộng vừa và nhỏ phục vụ dân kế, dân sinh ở những vùng thường gặp khó khăn do thiên tai, bão lụt gây ra.

Những công trình về nhà ở, công trình công cộng được DWF tài trợ, xây dựng theo tiêu chí kỹ thuật nhà, công trình chống bão. Qua thử thách của bão trên cấp 12 (bão số 6 - 2006), những cơn lốc cục bộ đã chứng tỏ ưu thế vững chắc của nó. Những ngôi nhà chống bão khá an toàn trong bão. Cho đến nay, đã có hơn 1.400 ngôi nhà mới đã được xây dựng ở miền Trung với sự giúp đỡ của tổ chức DWF.

Còn ông Nguyễn Hữu Phước, làm nghề xây dựng ở Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) sau một lớp tập huấn do quỹ DWF tổ chức, phấn khởi cho biết: "Chỉ cần mình giải thích rằng, xây nhà chống bão chỉ cần thêm chút vật liệu xây dựng khoảng 3% chi phí ngôi nhà sẽ có được ngôi nhà an toàn khi có bão thì người dân ai cũng thích. Chứng kiến nhiều nhà sụp đổ, tốc mái, nghĩ đến ngôi nhà kiên cố chống được bão mà kinh phí bỏ ra không phải là quá sức, ai mà chẳng muốn".

Chương trình tái thiết nhà ở sau bão lụt của DWF vẫn đang được tiếp tục ở Thừa Thiên - Huế và các tỉnh miền Trung.

Các Sở, ban, ngành… vẫn còn thờ ơ!

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là người dân ở những địa phương thường xuyên gánh chịu nhiều thiên tai. Tuy nhiên vẫn còn có sự chủ quan, xem nhẹ của các cấp chính quyền một số địa phương đã ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả của các chương trình phòng chống thiên tai của Chính phủ và của các tổ chức quốc tế.

"Bên cạnh những yếu tố khách quan thì nhận thức còn chủ quan của một bộ phận không nhỏ người dân và chính quyền một số địa phương khiến công tác phòng chống và khắc phục những hậu quả của thiên tai chưa đạt hiệu quả", ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế nhận xét.

Còn theo ông John North, Chủ tịch Tổ chức DWF thì vấn đề có tính quyết định trong công tác phòng chống thiên tai là tầm nhận thức của người dân về tác động và sự nguy hiểm do thiên tai gây ra. Điều này chỉ được người ta nhắc đến khi thiên tai đã xảy ra. Điều đó là quá muộn, bởi chúng ta không thể lường hết những tác động mà bão lũ có thể gây ra.

Lời khẳng định của ông John North: "Chúng ta không còn đơn độc trong cuộc chiến chống thiên tai" khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ về công tác phòng chống bão lụt của nước ta hiện nay. Sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác "nhiệt tình" của các Sở, ban, ngành địa phương

Gia Long
.
.
.