Nguyên nhân tai nạn ở mỏ than Mông Dương: Khai thác than trái phép

Thứ Hai, 03/04/2006, 08:24

Theo kết luận ban đầu của Công an tỉnh Quảng Ninh, sự cố sập lò ở mỏ than Mông Dương ngày 31/3 là do khai thác than trái phép tại 1 đường lò cũ cách đây 10 năm. Tình trạng khai thác than trái phép ở tầng trên, gây nguy hiểm cho các khai trường do Nhà nước quản lý (ở tầng dưới) là khá phổ biến ở Quảng Ninh.

Đường lò vỉa 11 cánh Tây của phân xưởng khai thác số 3 thuộc Công ty Than Mông Dương (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) nằm ở khu vực Vũ Môn, vỉa than có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, được định vị ở mức - 0,8, +10 với chiều dài khoảng 200m nối giữa một đường lò chuẩn bị và một đường lò thông gió ở phía trên.

Ngày 31/3, một tổ thợ được phân công tiếp tục đào một "thượng" thông gió thứ 2 từ đường lò thông gió phía trên đường lò vỉa 11 để mở rộng sản xuất. Khi tốp thợ này tiến hành bắn mìn phá đất đá để đào lò thì sự cố xảy ra. Một túi nước ước tính 1.000m3 kèm theo đất đá ở phía trên bị bục, bất ngờ ập vào đường lò với sức công phá dữ dội gây đổ lò cục bộ ở một số vị trí của đường lò chợ vỉa 11. Toàn bộ 21 người bị lấp trong hầm lò.

Theo kết luận ban đầu của Công an tỉnh Quảng Ninh, sự cố là do khai thác than trái phép tại 1 đường lò cũ ở mức +12 làm túi khí bị bục và nước tràn vào đường lò +10 (ở dưới mức +12). Những đường lò này là do khai thác than trái phép cách đây 10 năm, đồng thời nằm trong khu vực đất do Công ty Thiên Nam thuê.

Cảm động những tấm lòng

Suốt đêm 31/3 và 1/4, công tác cứu hộ đã được triển khai gấp với phương tiện kỹ thuật tốt nhất, thợ cứu hộ giỏi nhất với sự chỉ huy tập trung nhất, do trực tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển chỉ huy. Tổng số tham gia cứu hộ khoảng 1.000 người, trong đó có các thợ cứu hộ giỏi nhất ở các mỏ hầm lò Thống Nhất, Khe Chàm, Dương Huy… và Trung tâm cấp cứu mỏ.

Hai kíp thợ thay nhau làm 3 ca, đào lò từ hai phía tới. Việc đầu tiên là phải bơm được không khí vào lò. "Hãy hình dung là tất cả anh em đều còn sống. Việc của chúng ta là phải cứu họ thật nhanh". Mệnh lệnh của Tổng chỉ huy chiến dịch Đoàn Văn Kiển phát ra được các lực lượng cứu hộ triển khai ngay.

Nơi xảy ra vụ sập hầm lò.

Sức mạnh của dòng nước đã cuốn theo nhiều đất đá, than và khiến cho nhiều vì cột chống lò bị sập đổ kéo theo sự sập lở của vách lò và gây nên tụt nóc lò làm cho công tác cứu hộ hết sức khó khăn. Nhiều tảng đá lớn bịt kín đường lò buộc lực lượng cứu hộ vừa phải dùng choòng và máy khoan tay phá đá để tiến, đồng thời vừa phải đào một đường lò phụ bên cạnh nhằm tiếp cận vào đường lò bị sập và bố trí chạy máy nén khí để cấp dưỡng khí vào lò.

Có mặt tại hiện trường, ngoài toàn bộ Ban lãnh đạo của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, còn có Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và các ban, ngành chức năng liên quan.

Tối 1/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt tại cửa lò để kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu hộ, đồng thời thăm hỏi và chia buồn với gia đình những người thợ bị nạn. Khoảng 1h sáng 1/4, 2 thợ lò đã tử nạn được đưa ra. Việc đào lò cứu hộ càng được làm khẩn trương, vì thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng gõ vào cột thủy lực ở trong lò sập vọng ra. Những anh em bị kẹt trong lò, đề phòng có thể vài ba ngày sau mới cứu được mình nên đã tích nước uống được cho vào ủng, tiết kiệm đèn lò soi sáng và phân công thay nhau ra chỗ có chút hơi gió để thở, đồng thời góp phần đào bới ở bên trong để các đoạn lò sập thông được với nhau.

Đến 22h ngày 1/4, lực lượng cứu hộ đã điện báo bằng điện thoại từ trong lò ra cho Phó Thủ tướng Thường trực với nội dung, đã liên lạc được với 6 thợ mỏ đang mắc kẹt trong đường lò, tất cả vẫn tỉnh táo. 23h, xe cứu thương đã đưa được 6 người thợ này về tới trạm xá công ty. Lực lượng cứu hộ hạ quyết tâm, chậm nhất tới 6h sáng 2/4 sẽ tìm thấy những người còn lại…

Cho tới thời điểm này, đã có 500 triệu đồng của các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ gia đình các nạn nhân. Chúng tôi gặp anh Trần Văn Sơn (44 tuổi), quê ở Bắc Giang, khi anh đang điều trị vết thương tại Bệnh viện Than Cẩm Phả. Anh là một trong 7 người được đội cứu hộ cứu sống vào lúc 3h20' ngày 1/4, anh không nói gì về mình.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh cho biết, khi nghe tiếng nước, đất đá đổ ào ào, anh cùng với 3 người nữa vùng chạy về phía cửa lò. Do hốt hoảng, chiếc đèn lò của anh bị đập vào cột vì chống văng mất làm anh lảo đảo suýt ngã, hai người bên cạnh vội đỡ, dìu anh cùng chạy, người chạy sau bị ngã và bị đất đá đè lên người nhưng anh ấy vẫn cố gượng soi đèn và chỉ hướng cho anh cùng hai người bạn chạy ra được gần tới sát cửa lò. Và, hai người bạn đã dìu anh, khi được đưa ra ngoài họ cũng bị chết vì ngạt khí. Anh đưa tay gạt nước mắt và nói: "Như vậy đã có ba người bạn nhường cho tôi sự sống".

Hiện nay, những thợ lò thoát nạn đang được chăm sóc chu đáo và 4 thợ lò tử nạn đã được đưa về chôn cất theo yêu cầu của gia đình. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Mông Dương đã giải quyết tốt các chế độ, quan tâm giúp đỡ các gia đình nạn nhân

Trần Nhuận Minh - Vũ Ninh
.
.
.