Nguy cơ từ đồ uống vỉa hè không nhãn mác
1 chai nước ép xoài, “chế” 40 cốc sinh tố
Có mặt tại phố Hàng Buồm, Hà Nội - phố chuyên kinh doanh các mặt hàng phụ gia thực phẩm, nước giải khát vào đúng ngày hè nắng nóng, cảnh mua bán tại các cửa hàng diễn ra tấp nập. Những chai siro, nước cốt… với đủ loại hương liệu từ xoài, cam, chanh leo, dứa… được bày bán phong phú với đầy đủ các chủng loại, nhãn hiệu xanh đỏ tím vàng rất bắt mắt.
Phụ gia, hương liệu để “chế” sinh tố được bán la liệt tại các chợ. |
Theo quảng cáo của chủ một quầy kinh doanh tại phố Hàng Buồm thì hương liệu hoa quả pha sinh tố có nhiều loại khác nhau từ 50.000 đồng đến 120.000 đồng/chai. Cầm cái chai nhựa có dung tích một lít, vỏ bao bì in hình quả xoài, bên trong là thứ chất lỏng sền sệt màu vàng cùng dòng chỉ dẫn làm được 40 cốc sinh tố, tôi có vẻ hoài nghi. Thế nhưng, người bán hàng bảo tôi cứ mua về làm thử. 1 chai nước cốt xoài, giá 90.000đ, nhưng chế được 40 cốc sinh tố, vị chi mỗi cốc giá chỉ nhỉnh hơn 2.000đ một tí. Thêm đường, đá vào nữa, tính ra giá thành một cốc sinh tố xoài chưa đến 3.000đ. Nếu ở quán cafe máy lạnh, một cốc sinh tố không dưới 35.000đ. Ở quán cafe vỉa hè, căng tin trong các nhà trường, thường được bán với giá 15.000đ/cốc. Cho dù được bán ở đâu, thì với cách chế biến sinh tố từ nước cốt xoài như thế nào, thì lợi nhuận thu được là… siêu lợi nhuận.
Tại một cửa hàng khác trên phố Hàng Buồm, chúng tôi được giới thiệu mua các loại nước ép quả nho, đào, chanh dây… Cùng dung tích 1 lít, các loại nước ép này đều có giá 120.000đ. Người mua cho rằng, với loại nước ép này thì có thể làm sinh tố, hay làm nước ép đều được. Chỉ cần cho vài thìa, cộng với nước lọc, đá, đường… là có một cốc nước ép đậm mùi đào, chanh dây mà không phải nhọc công mua quả tươi rồi kích rích gọt vỏ, bỏ hạt, xay… Đấy còn chưa kể, giá thành một cốc nước giải khát làm từ trái cây tươi cao hơn nhiều lần so với thứ được chế từ loại si rô làm sẵn này.
Tại chợ Đồng Xuân, khu vực bán đồ hương liệu pha chế nước giải khát, sinh tố, cảnh mua bán cũng đang diễn ra tấp nập. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục thùng la hán quả - nguyên liệu pha chế những ly nước la hán quả thanh nhiệt, giải độc được bán nhan nhản trên các phố bày la liệt dưới sàn nhà. Tuy nhiên, tất cả các thùng la hán quả này đều có chữ Trung Quốc, không hề có bất cứ nhãn phụ tiếng Việt nào. Ngay bên cạnh đó, những hộp nước quả sấu ngâm sẵn được một chủ quầy lôi từ trong kho ra, phủ lớp bụi dày. Chủ quầy ra sức lấy giẻ lau từng hộp nước sấu rồi dán tem nhãn và bầy lên quầy bán với giá 50.000 đồng/hộp.
Cách đó không xa, chúng tôi bị thu hút bởi những chai hương liệu cũ kỹ, vỏ chai đã sờn bạc, tem nhãn sản phẩm mập mờ tại một quầy hàng kinh doanh hương liệu nước giải khát. Theo chủ quầy cho biết, những chai hương liệu này được bán với giá 45.000 đồng/chai có thể pha chế được cả hàng chục cốc sinh tố đủ với đủ các mùi vị như chanh leo, cam, ổi, xoài… “Một vốn bốn lời. Mỗi ly sinh tố bán với giá 15.000 đồng các em cũng đủ lãi lớn”, chủ quầy tươi cười đảm bảo.
Càng rẻ, càng ngon càng đáng sợ
Nếu không được “mục sở thị” nơi người ta bán, mua nguyên liệu để chế đồ giải khát, tôi sẽ không lý giải được tại sao một cốc nước chanh dây mát rượi thơm nức có thể bán với giá 10.000đ/cốc; một cốc matcha vị trà xanh hảo hạng lại có giá 15.000đ, một cốc trà sữa trân châu giá 12.000đ… Với giá 45.000đ/kg chanh dây, mỗi cốc nước chanh dây nếu loãng toẹt (được làm từ một quả chanh) thì giá thành của nó cũng đã tròm trèm 10.000đ, người bán lấy đâu lãi lời.
Trò chuyện với chị Bích Thu, một người kinh doanh cafe lâu năm ở hồ Trúc Bạch, tôi được chị bật mí bí quyết để làm đồ uống rẻ. Đó là, ngoài việc mua si rô làm sẵn như vừa nêu, chịu khó đi chợ Long Biên vào buổi sáng sớm để mua hoa quả dập cũng là một cách. Với cách thứ hai, bắt buộc phải chịu khó dậy sớm. Hoa quả dập thường thì do va chạm, chín quá… Khi về, cắt bỏ chỗ hỏng, cho vào túi ni lông nhỏ (số lượng vừa để làm một cốc nước giải khát)… Do là hoa quả đã quá date, không đảm bảo chất lượng nên mùi vị kém tươi. Để “lấy lại phong độ”, khi chế biến cho thêm si rô vào lại thơm phưng phức. Ngày hè, uống cốc nước giải khát mát lịm, đậm mùi trái cây, thực khách vô cùng… sảng khoái. Thế nhưng, họ đâu biết đằng sau cốc nước đẹp về màu sắc, ngọt ngào kia là cả một công nghệ…
Hộp sấu ngâm phủ kín bụi được làm mới ngay tại chợ Đồng Xuân. |
Không phải tất cả những người kinh doanh đồ uống giải khát đều ham lợi nhuận mà tìm mua nguyên liệu trôi nổi, nguyên liệu làm từ hoá chất. Có những người kinh doanh rất chân chất ví như chị Nguyễn Thu Hằng, ở phố Nguyễn Quý Đức, Hà Nội. Vào mùa hè, cam sành có giá 60.000đ/kg chị vẫn mua về để bán, hay vào mùa đông, bơ trái vụ giá 120.000đ/kg chị cũng chấp nhận mua. Chị quan niệm, khách hàng ăn uống cũng như mình đi ăn, đi uống. Mua nguyên liệu giá đắt, chị bán cao hơn vào lúc đang chính vụ. Nếu khách hàng có thắc mắc, chị giải thích để họ rõ. Với cách làm này, chị thấy lương tâm mình thanh thản, còn khách hàng cũng chẳng vì thế mà phiền lòng.
Người kinh doanh ăn uống có chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, ngoài sự tự giác của họ cần có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Tại cấp xã, phường đều có bộ phận làm nhiệm vụ này. Biết rằng, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm không nhiều, nhưng nếu thường xuyên kiểm tra ngẫu nhiên sẽ cảnh báo người kinh doanh.
Chúng tôi được biết, mới đây Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè. Trong đó, có nội dung chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị chuyên môn trong hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm và giám sát nghiêm túc các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm nguy cơ, dự phòng và sẵn sàng xử lý nhanh, có hiệu quả các sự cố an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm và ca bệnh trong cộng đồng.
Từ đầu năm đến ngày 22/4, cả nước xảy ra 38 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.194 người mắc và 15 người đã tử vong. So sánh với cùng kỳ năm trước, tăng 9 vụ, 346 người mắc và 11 người tử vong. Nguyên nhân chính vẫn là do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và do độc tố tự nhiên. Ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn đông người (liên hoan, đám cưới, đám giỗ), bếp ăn tập thể trường học có chiều hướng gia tăng; tử vong chủ yếu do nấm độc, cá nóc, so biển, cóc… Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, xảy ra ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thời tiết nóng ẩm của mùa hè; tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm; nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, nhập lậu khó kiểm soát; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá, kem tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch, lễ hội… (Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm) |