Nguy cơ trẻ em đường phố bị xâm hại tình dục

Chủ Nhật, 05/04/2009, 09:43
Một cuộc khảo sát gần đây ở ba địa bàn trọng điểm: TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thấy trong số 282 em lang thang, cơ nhỡ thì tỷ lệ bị xâm hại không hề nhỏ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cảnh báo: Ngày càng có nhiều trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, trong đó trẻ em đường phố có nguy cơ cao hơn. Sự việc có thể khởi nguồn từ những lời đường mật như giả vờ động viên, thăm hỏi, mua kẹo cao su, thuốc lá giá cao… Ngăn ngừa loại tội phạm này bằng cách nào?

Bài giảng ở lớp học đường phố: Dễ hiểu, dễ nhớ

"Thúy là cô bé bán thuốc lá và kẹo cao su trên đường phố. Một lần, Thúy gặp người khách nước ngoài trong công viên, ông ta hào phóng rút đô la mua cho em cả mấy bao thuốc lá và nhiều kẹo cao su khiến em rất cảm kích. Ông ta tỏ ra ân cần hỏi Thúy muốn có nhiều tiền không, chỉ cần về khách sạn đấm bóp cho ông một chút. Tưởng thật, em đi theo ông về khách sạn. Trong khi đang đấm bóp, ông ta chợt bật dậy ôm choàng lấy Thúy hôn lấy hôn để. Thúy hoảng sợ, may cửa phòng chưa bị khóa nên kịp giằng được và bỏ chạy…".

Đây là tình huống đặt ra trong phần thảo luận bài giảng "Xâm hại tình dục trẻ em và tác hại xâm hại tình dục trẻ em" do tổ chức UNICEF Việt Nam soạn giảng tại các lớp trẻ em cộng đồng.

Giảng bài với nội dung này được coi là trọng tâm của tổ chức UNICEF nhằm trang bị nhận thức cơ bản cho trẻ em trước nguy cơ xâm hại tình dục, cách phòng tránh và đối phó khi cần thiết. Các tình huống giả định, hoặc tình huống từ vụ án có thật được giáo viên đưa ra với hàng loạt câu hỏi và cách giải quyết do các em trình bày. Chẳng hạn, với tình huống giả định trên, giáo viên đặt câu hỏi: "Nếu Thúy không thể bỏ chạy thì điều gì sẽ xảy ra"; "Từ tình huống đó, khi gặp hoàn cảnh tương tự em cần làm gì, có nên theo người lạ về khách sạn không"…

Tình huống tiếp theo được đưa ra từ vụ án có thật: T. mới 14 tuổi, là học sinh một trường THCS thuộc tỉnh Nam Định. Hằng ngày đến trường, T. được ông G., một ông già 68 tuổi là bảo vệ của trường tỏ ra quan tâm, lúc cho quà bánh, lúc thì cho 2.000 - 3.000đ chơi games. T. đã ngây thơ coi ông ta như một người ông và không đề phòng gì.

Không ngờ ông G. đã lợi dụng sự ngây thơ đó của T. và ông ta đã cưỡng hiếp em 4 lần ngay trong phòng bảo vệ của trường. Đến khi mọi chuyện vỡ lở thì T. đã có thai được 8 tháng. Sự việc xảy ra khiến bố mẹ em cũng rất bàng hoàng, đau buồn và lo lắng…

Thanh niên tình nguyện tuyên truyền, phát tờ rơi giúp trẻ em phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục.

Gọi lớp học "2 trong 1" bởi cách tuyên truyền kết hợp lý thuyết và thực tế rất dễ hiểu của tuyên truyền viên. Trong 1-2 giờ, sau phần lý thuyết nói về nhận thức cơ bản, tuyên truyền viên đưa ra những tình huống gắn với thực tế tại môi trường, địa bàn các em đang hoạt động (như bán báo, đánh giày, bán bánh kẹo), ứng với mỗi tình huống đó là cách xử lý, giải quyết.

Giảng dạy bằng các kiến thức cơ bản, cần thiết theo phương pháp sư phạm dễ hiểu là cách mà UNICEF áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các hội phụ nữ, tổ chức bảo vệ bà mẹ, trẻ em áp dụng phương pháp này cho hàng nghìn chương trình tuyên truyền lớn nhỏ, nhất là nhằm vào diện trẻ em đường phố, trẻ lang thang, cơ nhỡ.

Chẳng hạn, để các em tiếp cận kiến thức ban đầu về xâm hại tình dục, bài giảng hướng vào 6 bước như: nhắc lại ngắn gọn về sự đụng chạm; phát cho mỗi em một tấm bìa nhỏ và yêu cầu ghi lại những sự đụng chạm làm các em thấy thoải mái, dễ chịu, những đụng chạm làm các em bối rối và những đụng chạm làm các em sợ hãi, tức giận… Cho thảo luận các câu chuyện theo nhóm để giúp các em biết được ai là thủ phạm, ai là nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em hoặc quấy rối tình dục; các biểu hiện của xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em và tác hại của xâm hại, quấy rối tình dục. Tìm hiểu về cách ứng phó và tự bảo vệ bản thân mình khỏi nguy cơ bị xâm hại.

Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng đủ loại, có kẻ mới 15-16 tuổi nhưng cũng có kẻ đã ngoài 68, 70 tuổi. Không chỉ người lạ tìm cách làm quen để lợi dụng mà không ít đối tượng có quan hệ quen biết với nạn nhân và gia đình các em (hàng xóm, người làng, nhân viên bảo vệ…). Trong số đó, trẻ em đường phố có nguy cơ lớn nhất.

Tại tỉnh Khánh Hòa, có năm phát hiện trên 40 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tập trung ở TP Nha Trang. Điều đáng quan tâm là nhóm trẻ lang thang từ khắp nơi kéo đến kiếm sống và không ít em bị dụ dỗ quan hệ tình dục với khách du lịch để kiếm tiền.

Một cuộc khảo sát gần đây ở ba địa bàn trọng điểm: TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thấy trong số 282 em lang thang, cơ nhỡ thì tỷ lệ bị xâm hại không hề nhỏ.

Cẩn trọng những "pa pa"

Theo Tổng cục Du lịch, hoạt động du lịch là môi trường thuận lợi để các đối tượng môi giới, lợi dụng xâm hại tình dục, trong đó trẻ em có nguy cơ cao. Hiện do Thái Lan đang siết chặt việc kiểm soát tội phạm này nên chiều hướng có thể các đối tượng chạy sang những nước lân cận như Việt Nam.

Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều và lượng khách muốn đi du lịch với mục đích này cũng không cá biệt, thông thường họ đến từ những nước có điều kiện kinh tế phát triển. Những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Cần Thơ thường có tỷ lệ trẻ bị xâm hại lớn hơn các địa phương khác.

Một số vụ gây xôn xao dư luận đã xử lý như Gary Glitter quan hệ với 6 em gái, Christopher Paul vờ làm giáo viên dạy học khu Phú Mỹ Hưng để lợi dụng các em…

Trên thực tế, có trường hợp do trẻ đường phố quá khó khăn, túng quẫn nên chấp nhận làm liều, song đa phần những vụ việc bị phát hiện là do đối tượng lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết của các em. Trong số đó, một số khách du lịch lợi dụng trẻ em gái đánh giày, bán báo, bán bánh kẹo, thuốc lá để dụ dỗ, cho tiền rồi rủ rê đến nhà nghỉ, khách sạn.

Có trường hợp không công khai đi với các em mà cho người lớn tuổi đi cùng dắt mối, những người này có giấy tờ rõ ràng, ăn mặc lịch sự, tự khai người thân hoặc phiên dịch đến thuê khách sạn. Khi có điều kiện, họ mới đánh tráo các em gái sang phòng khách.

Tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhiều khách sạn tư nhân, nhà nghỉ trở thành điểm chứa chấp hành vi vi phạm nhưng chủ nhà nghỉ, khách sạn không thể biết khi thủ phạm tìm cách thân mật với các em trước khi xâm hại.

Một số em quen gọi những ông Tây già là "pa pa" (bố) khiến lễ tân khách sạn cũng không biết thực hư ra sao khi họ dắt nhau tới thuê phòng

Phan Đăng
.
.
.