Nguy cơ mù lòa ở trẻ sinh non

Thứ Hai, 10/09/2007, 17:00
Bệnh ROP (bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non) diễn tiến rất nhanh. Từ lúc phát hiện có triệu chứng bong võng mạc nếu không được mổ kịp thời, đôi mắt trẻ sẽ vĩnh viễn chìm trong bóng tối chỉ trong vòng 48h đồng hồ.

"Vào một buổi sáng cuối năm 2001, một cặp vợ chồng rất trẻ bế đứa con đầu lòng tới gặp chúng tôi khi đứa trẻ chỉ nặng chừng 1,5kg, chưa được 32 tuần tuổi. Khám cho cháu, chúng tôi biết chắc đôi mắt cháu không thể phục hồi. Song họ vẫn nhất định bán toàn bộ gia sản lấy 50.000 USD để đưa con sang Thái Lan mổ. Sau 1 tháng trở lại, kết quả cháu bé vẫn không thoát khỏi mù. Nhưng cha mẹ chúng thì rơi vào thảm cảnh: không nhà…" - bác sỹ Nguyễn Xuân Tịnh- Khoa Nhãn nhi BV Mắt Trung ương nhớ về một trong những ca bệnh ROP (bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non-retionpathy of prematurity) như một trăn trở trong cuộc đời nghề nghiệp của mình...

Nơi bé được sinh… lần nữa

Buổi chiều thứ 5 hằng tuần của Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng I-(BVNĐ I) luôn đông nghẹt người. Trên tay các bà mẹ ông bố đang căng thẳng và lo lắng là những sinh linh bé bỏng. Thiếu ngày thiếu tháng nên các bé mới bé nhỏ làm sao! Đứa nặng nhất chỉ chừng 1,8kg. Có đứa chưa đầy 1,5kg.

Bác sỹ Trần Châu Thái vừa chỉ dẫn cho các ông bố bà mẹ giữ đầu đứa trẻ, còn mình cố gắng sử dụng chiếc dụng cụ kẹp tròng mắt và dùng máy chuyên soi đáy mắt. Mọi thao tác phải thật nhẹ nhàng, chính xác… Không thể sơ sẩy dù chỉ… 1 ly. Đứa thứ nhất, thứ 2, thứ 3… Phòng lạnh mà lưng bác sỹ ướt đẫm mồ hôi. Tay mỏi rã rời mà chẳng dám buông cây kẹp hay suy suyển vị trí.

Chứng kiến cảnh này mà chúng tôi không khỏi hồi hộp, lo lắng… Có bữa khám cho bệnh nhân xong, anh cũng thành bệnh nhân của bác sỹ: châm cứu vì… sái cả cổ.

Tầm soát và phát hiện nhằm chữa trị bệnh ROP ở trẻ sinh non được nhen nhóm vào những năm 2001-2002 khi mà các bác sỹ BV Mắt phải chứng kiến quá nhiều những đứa trẻ không may bị mù vì căn bệnh quái ác này. Nó lại chỉ sinh ra từ những trường hợp sinh non nhẹ cân sau những ngày phải điều trị tại bệnh viện. Diễn tiến lại rất nhanh. Từ lúc phát hiện có triệu chứng bong võng mạc nếu không được mổ kịp thời, đôi mắt trẻ sẽ vĩnh viễn chìm trong bóng tối chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Nhưng vào thời điểm trước năm 2000, các bác sỹ biết mà đành bó tay. Thiết bị nào để phát hiện ra bệnh ở giai đoạn "cửa sổ"? Kiếm đâu ra người có được kỹ thuật phát hiện ra bệnh thời kỳ sớm? Khó nhất là máy móc ở đâu để mổ cho trẻ? Mổ điều trị bệnh ROP là mổ cấp cứu. Vì chỉ trong vòng 48-72 giờ đồng hồ không được chữa trị, đôi mắt đứa trẻ coi như… bỏ.

Trăn trở càng nhiều với những bác sỹ nhãn nhi ở cả các BV Nhi TW, BV Mắt TP, và nhất là từ BVNĐ I TP HCM nơi trực tiếp đón nhận tất cả các trường hợp trẻ sinh non mắc ROP ở các tỉnh phía Nam.

Vượt qua thử thách

Nỗi trăn trở đã được giải tỏa vào những năm 2001-2002, khi dự án ORBIS được khởi động tại phía Bắc và thí điểm đầu tiên tại BV Nhi TW. Đã có những ca đầu tiên được thực hiện thành công từ chương trình nhờ có chiếc máy phẫu thuật mổ laser quang đông trị giá 70.000 USD do ORBIS tài trợ. Rồi mạng lưới từ đó lan ra tới các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng…

BVNĐ I cũng đã được hỗ trợ của BV Mắt TP 1 máy khám trên 10.000 USD và một máy phẫu thuật laser trên 30.000 USD. Thế nhưng, có máy móc, phương tiện, có bác sĩ phẫu thuật được chuyển giao kỹ thuật từ Mỹ nhưng đôi mắt trẻ mắc bệnh ROP chỉ được cứu hoàn toàn khi có sự hợp tác của cả ê kíp từ bác sĩ sản, nhãn khoa và chuyên sâu sơ sinh. Chỉ riêng một thao tác gây mê cho đứa nhỏ là không dưới 2 tiếng. Ca mổ chỉ chừng 1,5-2 giờ đồng hồ nhưng cũng rất có thể thất bại khi đứa trẻ phải "ôm" máy thở cả 2 tuần…

Ca đầu tiên khi được thực hiện tại BVNĐ  I vào năm 2002, áp lực thành công của ca mổ đè nặng khiến bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV phải ôm mền gối vào nằm ngay cạnh phòng hậu phẫu sơ sinh. Đến nay chỉ sau vài năm triển khai đã biết bao trẻ em được cứu khỏi cảnh mù lòa tại đây.

Chỉ tính riêng từ tháng 7/2004 tới tháng 8/2007 tại BVNĐ I, trong 5.450 lượt trẻ sinh non được tầm soát, các bác sỹ đã phát hiện 2.280 đứa trẻ có nguy cơ. 425 trẻ trong số này đã được phẫu thuật. Từ năm 2006 đến nay, chỉ riêng tại BV Phụ sản Từ Dũ, qua theo dõi 1.066 trẻ sinh non nhẹ cân đã phát hiện 320 trẻ được chẩn đoán ROP và có 153 trẻ được điều trị thành công.

Tại BV Nhi TW, trong 20.000 trẻ sinh non thiếu tháng được tầm soát 5 năm qua đã có 570 ca được phẫu thuật. Theo thống kê ở Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ em ra đời/năm. Tỷ lệ số ROP mắc mới hằng năm là 4/10.000 trẻ sơ sinh thì mỗi năm ở Việt Nam sẽ có 600 trẻ có nguy cơ mù/năm do ROP. Nhưng niềm vui của các bác sỹ trên cả nước (mới có khoảng 9 bác sĩ phẫu thuật,14 bác sĩ khám sàng lọc) đang tham gia vào chương trình này chính từ sự thành công của mỗi ca bệnh.

Cứu được một đôi mắt là sẽ có một cuộc đời được cứu khỏi cảnh mù loà. Một cuộc đời như được sinh lần thứ 2…

Huyền Nga
.
.
.