Nguy cơ già hóa dân số

Thứ Bảy, 26/12/2009, 09:13
Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay diễn ra trong bối cảnh tình trạng dân số đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Một điểm nổi bật đáng chú ý theo nhận xét của ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, nhưng sẽ rất nhanh chóng bước vào giai đoạn dân số già.

Do mức sinh liên tục giảm, nhất là trong 10 năm gần đây, cấu trúc tuổi của dân số nước ta có sự thay đổi sâu sắc theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm tuổi trẻ và tăng ở nhóm trung niên và cao tuổi. Do tuổi thọ tăng lên, điều kiện chăm sóc sức khỏe được nâng cao, tỷ trọng người cao tuổi (65 tuổi trở lên) ở nước ta đã tăng từ 4,8% lên 7,5% dân số trong giai đoạn từ 1979 đến 2008. Chỉ số già hóa của dân số Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần trong vòng 40 năm qua và đặc biệt nhanh trong 10 năm trở lại đây.

Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức an sinh xã hội do dân số già hóa.

Theo tính toán của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dự kiến số người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ tăng lên khoảng 10% dân số kể từ năm 2010. Còn theo ước tính của Tổng cục DS-KHHGĐ, dự kiến năm 2017, nước ta sẽ chính thức bước vào giai đoạn "cơ cấu dân số già". Đây sẽ là thách thức lớn về an sinh xã hội đối với nước ta, vì cần phải có nguồn kinh phí và các chính sách xã hội phù hợp để chăm lo sức khỏe, đời sống cho người cao tuổi. Việt Nam không còn là một nước có dân số trẻ mà đang bước vào một xã hội già hóa.

Với tỷ lệ dân số phụ thuộc chiếm dưới 50%, dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) tăng nhanh, mỗi năm có từ 1,4 đến 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "cơ cấu dân số vàng". Đây là cơ hội lý tưởng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn bởi nhu cầu việc làm, đào tạo sẽ tăng cao trong khoảng 3 thập kỷ tới.

 Một điểm đáng lo ngại nữa là tỷ số giới tính khi sinh của nước ta hiện nay đang tương đương với số liệu của Trung Quốc vào những năm 1980 - khi nước này bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính. Từ năm 2006 đến năm 2008, tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ nữ) của nước ta tăng liên tục từ 110/100, 111/100 và 112/100, so với mức bình thường là 103-107/100.

Mặc dù đã được cải thiện đáng kể song chất lượng dân số nước ta vẫn ở mức thấp. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được 0,733 điểm năm 2007, xếp thứ 105/177 quốc gia trên thế giới. Tỷ suất tử vong bà mẹ, trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, nhất là ở các vùng khó khăn. Tố chất về tầm vóc, thể lực, trí tuệ của dân số nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Nước ta có tới 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm gần 6,3% dân số. Tuổi thọ bình quân khỏe mạnh mới chỉ đạt 58,2 tuổi

Thanh Loan
.
.
.