Người vợ liệt sĩ gần 60 năm mỏi mắt chờ chồng
Giờ đây, khi đã gần đất xa trời, cụ đã lẫn, quên đi nhiều thứ nhưng nỗi mong ước tìm được mộ chồng – người đã hi sinh cho Tổ quốc vẫn còn hằn in…Đến thăm cụ vào chiều rét ngọt kéo theo những hạt mưa xuân vương vất vỉa hè, cụ ngồi đó nhìn ra - dù đôi mắt chẳng thấy gì.
Cụ là Lê Thị An, vợ liệt sĩ Trần Châu Thành, ở thôn 2, xã Đông Khê, Đông Sơn, Thanh Hóa. 60 năm về trước, khi đó ông Thành đang tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, do gia đình mai mối nên trong một lần về phép vào năm 1953, hai người đã nên vợ nên chồng. Chú rể trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu nhưng vẫn kịp để lại cho cụ một mụn con gái.
Hết kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, cụ Thành đã đi mãi không bao giờ trở về nữa. Ở nhà, cụ An vò võ, mòn mỏi nuôi con gái đợi ngày chồng trở về. Năm 1971, cụ An đau đớn đến cùng kiệt khi nhận được tin báo tử của chồng. Theo giấy báo tử, liệt sĩ Trần Châu Thành, là Đại đội trưởng thuộc đơn vị: Đại đội 1- Tiểu đoàn 2- Trung đoàn 44 - Sư đoàn 304. Hy sinh ngày 23/10/1965 trong chiến dịch Pleiku, chiến trường Quân khu 5. Lúc đó, đã 6 năm sau khi liệt sĩ Thành hi sinh.
Hoàn cảnh khó khăn, mẹ góa con côi nên xã đã cấp cho cụ mảnh đất nhỏ bên cạnh đền thờ cụ Lê Hy (một danh nhân ở huyện Đông Sơn), nhờ anh em và bà con xóm giềng góp công, tre nứa dựng cho mẹ con 2 gian nhà tranh. Cụ ở vậy nuôi con đến bây giờ. Mỗi lần có người từ chiến trường trở về cụ đều cố hỏi về thông tin của chồng với hy vọng mong manh có sự nhầm lẫn hoặc chí ít cũng biết được phần mộ nơi liệt sĩ Thành đã hy sinh, nhưng càng mong, càng hỏi càng héo hon, mỏi mòn.
Rồi con gái cụ lớn lên lấy chồng ở xã bên, gia đình nhỏ của cụ vốn đã neo người nay lại càng vắng vẻ hơn, cụ lặng lẽ đi về ngôi nhà của mình, ngôi nhà do thiếu tay người đàn ông nên luôn ở trạng thái tồi tàn, cũ nát. Có lẽ do cuộc sống lắm nỗi truân chuyên, cơ cực hoặc do nhiều đêm cụ đã khóc thầm trong sự khắc khoải, hy vọng mong biết được thông tin về phần mộ của chồng nên mắt cụ cứ mờ dần mờ dần rồi không nhìn thấy gì nữa.
Cụ Lê Thị An hàng ngày vẫn mỏi mắt ngóng tin chồng. |
Thời gian đầu cụ vẫn cố gắng dò dẫm tự làm những công việc như cơm nước, giặt giũ vì đã quá quen với địa hình ngôi nhà, những việc khác không làm được cụ đợi con gái sang đỡ đần. Nhưng rồi cũng chẳng kéo dài được mãi, do chẳng nhìn thấy gì, cụ hai lần làm cháy nhà, bị bỏng rộp cả tay chân, may được hàng xóm đến cứu kịp thời. Và rồi ngôi nhà tranh vốn dĩ không thể xiêu vẹo hơn được nữa đã đổ sập xuống. Chính quyền xã Đông Khê, các cơ quan đoàn thể của xã, của thôn cùng với anh em và bà con xóm giềng đã xây cho cụ 2 gian nhà tình nghĩa.
Được ở trong ngôi nhà mới đúng ra cụ phải vui hơn nhưng khổ nỗi do đã quen với chừng mực của ngôi nhà cũ từ khi mắt còn nhìn thấy nên khi sang nhà mới cụ bị mất phương hướng, va đụng và không thể tự dò dẫm đi lại được nữa. Con cụ đành đưa đứa con gái lớn đang học lớp 5 về ở cùng, đỡ đần, dẫn đường, giúp cụ, làm những thứ lặt vặt. Nhìn cảnh người vợ liệt sĩ mù lòa, đứa cháu gái nhỏ phải vất vả trước tuổi, ai cũng ứa nước mắt. Thời gian trôi đi mang theo cả sự cực nhọc, tất tưởi của con gái cụ, sự thất thường, chểnh mảng trong việc học của đứa cháu gái và mang đi cả sự minh mẫn của cụ.
Năm 2002, cô cháu gái đỗ Cao đẳng ở Hà Nội nên con gái cụ đành đưa mẹ về ở nhà chồng mình ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn để tiện bề trông nom. Lại một lần nữa cụ bị lạc trong chính nhà con gái mình. Cụ một mực đòi đưa về nhà cũ, bởi sâu thẳm nơi phần hồn còn tỉnh táo, cụ sợ trong ngôi nhà tình nghĩa, bàn thờ chồng sẽ lạnh lẽo hắt hiu không có người thường xuyên nhang khói và vẫn một lòng canh cánh đó là làm sao tìm được phần mộ nơi chồng yên nghỉ.
Vì mưu sinh không thể bố trí người ở nhà trông mẹ nên vợ chồng con gái cụ phải xây thêm một gian nhà nhỏ kê vào đó một chiếc giường để mỗi khi không có người ở nhà sẽ đưa mẹ vào ngồi trong rồi khóa cửa lại. Thật tội nghiệp cụ, mỗi khi bị đưa vào gian phòng nhỏ, cụ lại lần mò, cào tới chảy máu tay để tìm lối về quê. Dần dần cụ không còn nhớ tên mình, tên con gái… nhưng vẫn đau đáu ngóng tin tức phần mộ của chồng.
Cuối năm 2011 tai họa vẫn chưa buông tha khi cụ dò dẫm bước đi vấp vào bờ sân, bị ngã gẫy cổ xương đùi, không thể đứng lên đi lại được nữa, những hôm trở trời trái gió hoặc giá rét cái chân gãy hành hạ cụ đau đớn.
Cụ thuộc diện chính sách, lại đã quá già yếu, bệnh tật như vậy nhưng mấy năm nay, các tổ chức xã hội thôn, xã chưa quan tâm đúng mức tới cụ. Ai cũng có lí do, dù lí do đó không hề xứng đáng, bởi ở xã Đông Thanh (nơi cụ đang sống với con gái) thì cho rằng cụ là đối tượng chính sách thuộc xã Đông Khê, còn xã Đông Khê có lẽ do xa (cách khoảng 3-4km) cũng không ai đoái hoài gì. Do mẹ bệnh tật, đau yếu nên đầu năm 2012, con gái cụ làm đơn gửi Phòng Thương binh xã hội huyện Đông Sơn đề nghị được cấp cho mẹ một chiếc xe lăn. Đến nay, một năm đã qua nhưng chiếc xe lăn vẫn chưa thấy đâu.
Nhìn cụ với khuôn mặt khắc khổ, hai hố mắt hằn sâu trên khuôn mặt nhăn nheo lúc nào cũng ướt nhèm nước, đôi mắt đó dù không nhìn thấy nhưng vẫn đau đáu một niềm trông đợi. Cụ vẫn đợi tin chồng, đợi một chiếc xe lăn để chiều chiều đứa cháu ngoại đẩy ra đầu hè, ngóng ra đường… Mong rằng, những người có trách nhiệm hãy nêu cao đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, quan tâm đến cụ...