Người vợ cựu binh Gạc Ma tảo tần “nuôi chữ” cho con

Thứ Tư, 23/07/2014, 12:27
Chồng là cựu binh từng tham gia trận đánh Gạc Ma năm 1988 để bảo vệ quần đảo Trường Sa nhưng không may qua đời sau một vụ TNGT, 5 năm qua, bà Đào Thị Thảo (43 tuổi, ở thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) một mình bươn chải để “nuôi chữ” cho 4 người con. Hiện cô con gái đầu của bà Thảo vừa tốt nghiệp trường Đại học Y dược Huế...

Một chiều trung tuần tháng 7, chúng tôi hỏi đường về nhà bà Đào Thị Thảo và được một chị bán giải khát ở đầu thôn An Truyền nhanh nhảu chỉ: “À, có phải bà Thảo có chồng tên Tự từng đi Gạc Ma phải không? Chú chạy hết xóm thứ 3 rồi rẽ trái vào căn nhà thứ 2 là đến nơi thôi...”.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà bà Thảo khi bà đang ngồi chằm mấy chiếc nón lá để kịp bán vào buổi chợ sáng mai. Vừa châm trà mời khách, bà Thảo vừa kể lại câu chuyện buồn về gia đình mình. Theo lời kể của bà Thảo: Tháng 3/1986, chồng bà là Trần Văn Tự tham gia nhập ngũ vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân. Sau này, khi trận hải chiến Gạc Ma kết thúc, bà Thảo mới biết, chồng mình là một trong 3 chiến sĩ Hải quân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế tham dự trận đánh Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. May mắn sống sót và trở về, với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, mắt phải bị mù lòa, nhưng ông Tự vẫn động viên bà Thảo vượt khó để mưu sinh bằng nghề làm bánh bao bán dạo. “Dù đôi tay và chân bị thương do bom đạn, nhưng ông ấy chăm chỉ làm ăn lắm. Ông từng bảo với tui rằng, vợ chồng mình cố gắng cày cuốc để kiếm tiền cất một ngôi nhà mới và nuôi 4 con ăn học thành người. Nhưng, ông ấy đã ra đi sớm quá...”, đôi mắt bà Thảo ngấn lệ khi kể về chồng mình.

Bà Đào Thị Thảo đã vượt khó, tảo tần “nuôi chữ” cho 4 người con ăn học thành tài.

Một tối đầu tháng 12/2009, bán hết thùng bánh bao và đang trở về nhà, khi đi qua đường Bà Triệu (TP Huế), ông Tự không may bị 3 thanh niên say xỉn cùng đi trên 1 chiếc xe máy tông phải khiến ông tử vong tại chỗ. Chồng mất, gia tài mà bà Thảo có được sau bao năm trời vun vén bằng nghề làm bánh bao chỉ là chiếc xe máy cà tàng. Thế nhưng, với nghị lực phi thường của người mẹ, bà Thảo đã nén chặt nỗi đau để làm lụng, chăm lo cho 4 người con ăn học. Thương mẹ nên sau mỗi buổi học, các con của bà Thảo lại quây quần dưới mái nhà từ đường của ông bà nội để giúp mẹ chằm nón. Dù mỗi ngày thu nhập không nhiều từ những chiếc nón bỏ chợ nhưng người vợ cựu binh ấy vẫn cố chắt chiu từng đồng bạc lẻ để đóng học phí cho các con. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cả 4 người con của bà Thảo nỗ lực học hành. Hiện cô con gái đầu của bà là Trần Thị Hảo (22 tuổi) vừa tốt nghiệp trường Đại học Y dược Huế với tấm bằng khá. Hai em kế Hảo là Trần Thị Mộng Kiều (19 tuổi) và Trần Văn Hào (18 tuổi) vừa dự kỳ thi tuyển sinh vào trường ĐH Sư phạm và ĐH Khoa học Huế. Còn cô con út Trần Thị Kiều Oanh đang học lớp 11, trường THPT Phan Đăng Lưu với thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi… Đôi tay thoăn thoắt bện từng chiếc lá dừa lên vành chiếc nón, bà Thảo không giấu được nỗi lòng: “Mất đi người trụ cột trong gia đình nên nhiều lúc tui như muốn buông xuôi tất cả vì không thể kham nổi. Nhưng những lúc như thế, nhớ lại lời căn dặn của ông ấy mà tui tự nhủ mình cố gắng để chăm lo cho các con... Giờ ước muốn duy nhất của mấy mẹ con là cất được một mái nhà để làm chỗ trú trong mùa mưa bão…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Rô, trưởng thôn An Truyền, cho biết: Xã Phú An đã có chủ trương cho gia đình bà Thảo một mảnh đất để xây nhà, nhưng vì quá khó khăn nên mẹ con bà Thảo vẫn chưa có tiền để làm nhà, phải ở nhà từ đường của ông bà nội. “Dù thuộc diện hộ nghèo của xã, song bằng nghị lực, bà Thảo đã thay chồng nuôi các con mình học đến đại học... Gia đình bà Thảo là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó của thôn chúng tôi”, ông Rô chia sẻ

Lê Anh
.
.
.