Người sưu tầm kỷ vật chiến tranh

Chủ Nhật, 26/04/2009, 17:48
“Dù là chiếc bút máy của một vị tướng hay cái ba lô rách nát của một chiến sĩ bình thường, cũng đều đáng quý như nhau”, chủ nhân bảo tàng cá nhân với hơn 1.000 hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, tâm sự.

Đất nước đã có hơn 30 năm bình yên sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhưng có một người nông dân nghèo ở thị trấn Kẻ Sặt - tỉnh Hải Dương vẫn đang mải miết tìm kiếm những kỷ vật của cuộc chiến. Đó là cách ông chọn để tri ân với những người lính đã chiến đấu vì sự bình yên của Tổ quốc.

Những kỷ vật một thời bom đạn.

Những kỷ vật mang mùi bom đạn

Phạm Thiện chỉ là một người nông dân nghèo ở thị trấn Kẻ Sặt, cuộc sống gia đình trông chờ vào vài sào ruộng và gánh hàng nhỏ của vợ. Ông phải vay tiền của ngân hàng để lo cho hai con đang học đại học ở Hà Nội. Nhưng năm nào ông Thiện cũng thực hiện vài chuyến đi tìm kiếm các kỷ vật còn sót lại sau cuộc chiến tranh, tạo thành một bảo tàng cá nhân độc đáo mang đậm không gian thời chiến.

Kể về cuộc đời mình, ông trầm ngâm: "Bố tôi đã hi sinh trong chiến tranh biên giới, thứ duy nhất mà ông để lại là một chiếc áo trấn thủ còn dính máu và thủng lỗ chỗ vì bom đạn. Tôi lớn lên mà không có bất cứ một ký ức nào về người bố đã mất, nên mỗi khi nhớ ông, tôi lại mang chiếc áo ra ngắm. Dần dần, tôi thuộc cả từng đường kim mũi chỉ trên đó, thuộc cả hình dáng của những vết thủng trên lưng áo, thậm chí còn cảm nhận được mùi mồ hôi của bố mình vẫn còn vương vấn trên cái áo kỷ niệm. Ngay từ những năm 60, khi chiến tranh còn vô cùng ác liệt, tôi đã bắt đầu việc tìm kiếm những kỷ vật mà những người lính để lại, như một cách để tưởng nhớ những người đã khuất".

Sau 40 năm tìm kiếm không mệt mỏi, ông Thiện đã có một bảo tàng cá nhân với hơn 1.000 hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, với không ít những kỷ vật quý. Để có được những kỷ vật quý giá đó, ông phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của và công sức tìm kiếm trong nhiều năm trời. Nhưng không phải cái nào cũng có thể mua được bằng tiền. Có nhiều lần, chỉ có sự chân thành đến cháy bỏng của ông mới giúp ông có được những món đồ quý giá đến không ngờ.

Chiếc bút máy Pilot của "Ông cố vấn" - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Nhạ - là một trong những món đồ quý mà ông Thiện vô cùng quý và lúc nào cũng mang theo bên người. Nhiều tay săn kỷ vật đã đề nghị ông bán lại với giá rất cao nhưng đều bị ông từ chối.

Chiếc bút đó là kết quả của hai năm trời với không biết bao nhiêu lần ông bắt xe về Thái Bình, gặp và thuyết phục vợ Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Nhạ nhưng đều bị khước từ. Cuối cùng, cảm động vì sự  kiên trì và lòng chân thành của ông, người phụ nữ ấy đã tặng ông chiếc bút máy với tất cả sự gửi gắm và tin tưởng.

Ông kể thêm: "Tôi có một chiếc máy phát điện quay mavinen (quay tay) mà các bác sĩ quân y vẫn dùng trong thời chiến. Nhiều ca phẫu thuật cứu chữa cho những chiến sĩ của ta đã thực hiện nhờ ánh sáng của chiếc máy này. Chủ nhân của nó là một cựu chiến binh ở Hưng Yên, khi giải ngũ đã mang nó về như một kỷ niệm. Sau nhiều lần đến thuyết phục để mua lại cái máy, tôi và ông ấy đã trở thành hai người bạn tâm đầu ý hợp. Ông ấy đã tặng tôi chiếc máy mavinen mà nhất định không chịu nhận một đồng tiền nào, chỉ bắt tôi hứa phải gìn giữ nó thật cẩn thận. Chiếc máy mavinen đó giờ vẫn chạy tốt. Đó cũng là cách để tôi gửi lời cảm ơn đến người cựu chiến binh ấy".

Ông Thiện cũng nâng niu cả những kỷ vật rất bình thường, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người lính. Đó là một cái bi đông đựng nước của người lính Trường Sơn, một chiếc cặp lồng đựng cơm của một nữ thanh niên xung phong, một chiếc áo mà người chiến sĩ trong chiến dịch Mậu Thân mặc lúc hi sinh. Đó cũng có thể là một mảnh bom vỡ, một chiếc la bàn, hay đơn giản chỉ là một cuốn sổ ghi chép. Tất cả những gì vụn vặt nhất, bình thường nhất của những người lính đều được ông mang về nhà với tất cả sự nâng niu, trân trọng.

Ông Thiện nói: "Có một câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm mà tôi rất thích: Họ đã sống và chết/ giản dị và bình yên/ không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra đất nước. Những món đồ mà tôi sưu tập được, dù là chiếc bút máy của một vị tướng hay cái ba lô rách nát của một chiến sĩ bình thường, cũng đều đáng quý như nhau. Bởi bất kể họ có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc chiến ấy, thì họ vẫn là những người anh hùng thực sự đã hồi sinh đất nước".

Ông tâm sự, trong những hiện vật mà ông mang về nhà, có cả những đồ vật của những người lính Mỹ như cái vali, thẻ quân nhân, chứng minh thư: "Tôi cảm thông với nỗi đau mất người thân của những gia đình phía bên kia đại dương. Những người lính Mỹ cuối cùng cũng là nạn nhân của cuộc chiến và đã phải bỏ mạng ở Việt Nam. Tôi chỉ mong có cách nào đó có thể trao trả lại những món đồ này cho người nhà của họ, như một chút hồi ức về người chết".

Chiếc vali của người lính Mỹ mà ông lúc nào cũng mong có dịp trao lại cho người thân của họ.

Lời nhắc nhở cho tương lai

Trên mỗi món đồ sưu tập được, ông Thiện đều ghi rõ thời gian, địa điểm mà ông tìm được nó, tên của người lính đã sử dụng nó và cả những câu chuyện bên lề mà ông cóp nhặt được.

Ông Thiện bảo: "Mỗi món đồ là một câu chuyện về cuộc đời người lính từ trong cuộc sống ngày thường đến những trận đánh ác liệt và cả giờ phút thiêng liêng trước lúc hi sinh. Nó có thể đẫm máu và nước mắt, nhưng cũng có thể là hiện thân của sự hiên ngang, tinh thần bất khuất của những người lính. Tuy những món đồ vẫn bị coi là thứ vô tri, vô giác, nhưng tôi vẫn tin là nó có linh hồn. Có kỷ vật của người lính giờ vẫn còn lưu lại vết máu, khiến cho tôi luôn có cảm giác câu chuyện chiến tranh mới chỉ là ngày hôm qua".

Vì bộ sưu tập ngày càng lớn, nên ông phải chia năm, xẻ bảy để bảo quản rồi gửi nhờ sang nhà hàng xóm, nhưng mỗi món đồ đều được ông nhớ đến từng chi tiết. Giờ đây, ngôi nhà 50m2 của ông đã trở thành một bảo tàng nhỏ cho những người muốn hồi tưởng lại quá khứ, cảm nhận không khí của cuộc chiến đã đi qua.

Sự quan tâm của nhiều người với những kỷ vật thời chiến là hạnh phúc của ông Thiện: "Những người đến đây có thể là một cựu chiến binh, một người trí thức hay một em học sinh, sinh viên. Chỉ cần họ thực sự muốn tìm hiểu, tôi lúc nào cũng mở rộng cửa đón chào hoàn toàn miễn phí".

Nhờ có bảo tàng nhỏ của ông, mà những học sinh của thị trấn Kẻ Sặt có được những bài học sống động với những "giáo cụ trực quan" đã hoen gỉ nhưng vẫn đầy sức sống. Rất nhiều người đến đây, xúc động về những món đồ mà ông Thiện sưu tầm được, đã để lại những lời nhắn nhủ, cảm ơn ông trong cuốn sổ lưu niệm. Đó là sự động viên dành cho ông sau những cố gắng của mình.

Ông Thiện hi vọng: "Tôi muốn những kỷ vật mà tôi có sẽ là những câu chuyện lịch sử sống động để thanh niên bây giờ luôn ghi nhớ và biết ơn về một thế hệ đã ngã xuống vì đất nước. Đó sẽ là lời nhắc nhở các cháu sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn trong tương lai. Cũng để chúng hiểu rằng, chiến tranh không chỉ là bom đạn khốc liệt, không chỉ là đau thương, chết chóc hay hoang tàn, đổ nát. Đó cũng là bản anh hùng ca xúc động về tình đồng chí, đồng đội, về sự đoàn kết, gắn bó đến phi thường của cả dân tộc. Chiến tranh là cách mà người Việt Nam buộc phải chọn để gìn giữ đất nước"

Nguyên Mộc
.
.
.