Người phụ nữ tàn tật say mê viết báo

Thứ Bảy, 22/09/2007, 12:05
Chẳng có xã nào ở huyện Đà Bắc (Hoà Bình) mà chị Thuỷ chưa đặt chân đến. Nhiều nơi, hình ảnh cô "nhà báo không chuyên" tật nguyền xuống lấy tin, phỏng vấn đã trở nên quá quen thuộc với đồng bào.

Đã có lúc chị Xa Lệ Thủy tưởng bị "thần chết" tước đi sự sống, nhưng với nghị lực phi thường, chị đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Đã từng bị liệt nửa người, không nói được, không đi được, tay không viết được, vậy mà chị vẫn đang làm cái công việc của một người viết báo. Với chị, những bài báo là niềm vui, là điểm tựa giúp chị bỏ qua những bất hạnh cuộc đời…

Chị Xa Lệ Thủy dẫn tôi về ngôi nhà của chị bên ngọn đồi heo hút thuộc địa bàn thị trấn Đà Bắc. Và chính tại nơi ấy, câu chuyện đến với nghề báo của một phụ nữ tàn tật quả thực giống như những trang tiểu thuyết dài và cảm động về mãnh lực hồi sinh của một con người quả cảm.

Chị Thủy tuổi Ngọ, năm nay 41 tuổi, người dân tộc Tày. Học hết THPT, chị xin được một chân làm cấp dưỡng kiêm văn thư đánh máy tại Huyện ủy Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình).

Sau vài năm công tác, chị được Huyện ủy cử sang Huyện đoàn làm cán bộ phong trào. Công việc hợp với tính cách của chị Thủy nên ngay sau đó, chị lại được chọn đi học thêm ở Trường Đoàn Trung ương tại Hà Nội.

Về phụ trách công tác Đoàn tại địa phương chỉ trong thời gian ngắn, cả Đà Bắc có 21 xã, thị trấn thì chẳng có nơi nào chị chưa đặt chân đến. Lang thang đến tận các thôn bản, chị mải mê với việc phát động phong trào dành cho thanh niên.

Tiếng là ngay trong huyện, nhưng có những xã để đến nơi đi cũng phải mất cả ngày đường. Vì thế việc cán bộ đoàn những năm ấy phải ăn nhờ ngủ đậu tại nhà dân trong các thôn bản là chuyện quá đỗi bình thường.

Câu chuyện có lẽ sẽ dừng tại đó và chị Thủy sẽ chẳng bao giờ biết đến nghề báo nếu như không có một biến cố lớn trong đời khiến chị quyết định chuyển công tác vào Tây Nguyên.

Năm 1995, buồn chán vì chuyện tình cảm, chị xin chuyển công tác vào mãi tận Kon Tum, làm công tác đoàn của huyện Ngọc Hồi. Môi trường mới, công việc mới khiến chị lao vào làm việc không biết mệt mỏi. Công việc bận rộn cộng với điều kiện sống hết sức khắc nghiệt ở một vùng đất mới khai hoang khiến chị nhiễm bệnh nan y.

Tháng 1/2000, trong một chuyến công tác vào xã Thung Nai, chị đột ngột bị ngất. Các bác sĩ chẩn đoán: Chị bị u não. Đó là hậu quả của một thời gian khá dài chị ăn bờ ngủ bụi giúp bà con dân tộc Xơ Đăng, Ê Đê, Ba Na… khai hoang ở những vùng trọng điểm của những kho chất độc hóa học Mỹ để lại sau chiến tranh. Hằng năm trời, những địa danh nổi tiếng bị ảnh hưởng của chất dioxin như đồi Sẹc Ly, Sa Loong, Bờ Y, Đắk Sú đã không còn xa lạ với chị...

Trong thời gian nằm dưỡng bệnh, chị Thủy bắt đầu đến với công việc viết báo như một thú tiêu khiển của một bệnh nhân. Hai bài báo đầu tay chị viết về công cuộc xây dựng kinh tế của những người Mường - Hòa Bình tại vùng kinh tế mới Tây Nguyên gian khó.

Chưa kịp viết những bài báo tiếp theo thì căn bệnh đã đánh gục chị. Chị Thủy buộc phải chuyển viện ra Hà Nội để thực hiện ca phẫu thuật não với tiên liệu trước của bác sĩ là sẽ bị liệt nửa người. Nằm viện tròn một tháng, gia đình đưa chị về nhà.

Ròng rã 3 năm trời nằm bẹp trên giường, uống bao nhiêu thuốc Nam, thuốc Bắc với trọng lượng gấp mấy lần cơ thể, chị bắt đầu cử động được tay chân. Thế là chị quyết tâm tập đi lại như người bình thường.

Thấy người oặt ẹo không làm chủ được, chị yêu cầu bố mẹ lấy nẹp tre kẹp người lại cho khỏi đổ. Cứ thế, bám bờ tường lần mò từng bước một, có ngày chị ngã vập mặt xuống đất cả chục lần. Máu miệng, máu mũi tứa ra, đau chảy cả nước mắt. Chị Thủy còn tập tễnh tự đi bộ ra chơi ngoài phố.

Nhớ lại những ngày viết bài cho Báo Hòa Bình, chị bắt đầu tập viết lại bằng tay trái với quyết tâm đeo đuổi cái nghề mà chị tự tin rằng mình hoàn toàn có khả năng. Hằng ngày chị dành ra 6 giờ đồng hồ để tập viết. Thật không ngờ, chỉ sau 4 tháng, chị Thủy đã có thể viết như một người bình thường, thậm chí còn viết rất đẹp.

Bây giờ thì chẳng có xã nào ở huyện Đà Bắc mà chị chưa đặt chân đến. Nhiều nơi hình ảnh cô "nhà báo không chuyên" tật nguyền xuống lấy tin, phỏng vấn đã trở nên quá quen thuộc với đồng bào. "Nhiều lúc đi công tác chẳng có giấy tờ gì, nhưng xuống đến cơ sở bà con nhận ra ngay".

Vậy nên, hễ cứ "hóng" được chuyện ở đâu là chị Thủy thuê xe ôm phóng đến ngay lập tức. Cánh xe ôm ngay tại thị trấn bây giờ coi chị là "khách ruột". Họ còn là một kênh thông tin khá hữu hiệu để chị nắm bắt những vấn đề mới.

Ngày "cưỡi" xe ôm đi phỏng vấn, điều tra, tối về lại chong đèn ngồi viết bài bên ngọn đèn dầu đỏ lựng, chị đem đến thông tin cho bạn đọc qua từng trang báo. Chị bảo, với chị bây giờ viết báo là niềm vui, là lẽ sống.

Cũng lạ, trong tất cả thể tài báo chí, không hiểu sao chị Thủy lại chọn mảng điều tra. Thể tài mà không phải phóng viên nào cũng dám "lao" vào bởi sự vất vả và cả những phức tạp nguy hiểm của nó.

Tuy nhiên, chị tâm sự: "Được đi, được viết và được đăng bài đó là hạnh phúc, là lẽ sống. Mình chỉ cần có vậy thôi"

Tâm Hiếu
.
.
.