Người phụ nữ bán rau, một mình nuôi 3 con học đại học

Thứ Bảy, 15/06/2013, 23:45
Chúng tôi gặp chị Đào Thị Gần, 49 tuổi, ở Thôn Mai Xá, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, khi chị đang tất tả với gánh hàng rau trên một góc phố nhỏ cuối đường Trần Quang Diệu, đoạn giao với siêu thị Hoàng Cầu, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Gần 20 năm nay chị bám chặt với con phố này, tảo tần bên gánh rau, một mình gồng gánh nuôi 3 con học đại học.

Chị Gần kể với chúng tôi rằng, chị và anh Lê Mạnh Hùng lấy nhau và  sinh được 3 người con. Con gái đầu là Lê Thị Hải Lý, 25 tuổi; con gái thứ hai là Lê Thị Hồng Hải, 22 tuổi và con trai út là Lê Mạnh Tuấn, 19 tuổi.

Nhà chỉ có hơn 2 sào ruộng, không thể nuôi nổi 5 miệng ăn, trong khi các con đều đang tuổi ăn tuổi học, chồng lại thường xuyên ốm đau bệnh tật nên khi con trai út vừa tròn 2 tuổi là chị Gần đã phải nuốt nước mắt vào trong, một mình lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề bán rau.

Mười tám năm qua, ngày nào cũng vậy, bất kể mưa dầm hay giá rét, khoảng 3 giờ sáng là chị lại một mình đạp xe hàng chục cây số ra chợ đầu mối để lấy hàng, rồi rong ruổi khắp các ngõ ngách của phố phường để bán hàng, chắt chiu từng đồng để gửi về quê, nuôi ba con đang tuổi ăn tuổi học.

Cho đến bây giờ, chị Gần vẫn không thể nào quên những ngày đầu mới lên Hà Nội, mỗi lần chở rau qua cổng trường tiểu học, nhìn thấy cảnh các cháu học sinh tan trường, hớn hở rời cổng trường khi được cha mẹ đón đưa, chị lại chạnh lòng nghĩ tới đứa con trai nhỏ bé của mình, chỉ mới hai tuổi đã phải xa rời mẹ.

Thế là chị lại òa khóc, phần vì thương nhớ con, phần vì cảm thấy mình có lỗi với con. Có lẽ, do hiểu được hoàn cảnh gia đình, thương mẹ nên 3 con của chị rất chăm ngoan và học giỏi. Đứa nhỏ noi gương đứa lớn, cứ thế năm nào các con của chị cũng đạt thành tích cao trong học tập, luôn là học sinh giỏi của trường.

Chị Gần đã bám trụ tại Hà Nội 18 năm để bán rau, nuôi 3 con học đại học.

Năm 2009, chồng chị đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh đã khiến cho mẹ con chị mất đi chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Gánh nặng kinh tế từ đó cũng dồn hết lên đôi vai gầy của chị. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn và mất mát, cả 3 con của chị đều lần lượt thi đỗ vào đại học.

Con gái đầu, cháu Hải Lý thi đỗ vào Đại học Thái Nguyên; cháu Hồng Hải cũng thi đỗ vào Đại học Y học cổ truyền Hà Nội. Đặc biệt là con trai út, cháu Lê Mạnh Tuấn, thi đỗ vào cả Đại học Y Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân với số điểm rất cao.

Điều khiến chị Gần cảm thấy hạnh phúc, tự hào nhất khi nhắc đến các con của mình chính là khả năng tự lập, ý chí vượt khó cũng như tinh thần đoàn kết vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài việc học ở trường, Tuấn và Hồng Hải lại làm gia sư để kiếm tiền trang trải cho việc học. Hầu hết những kỳ nghỉ hè, khi các bạn cùng trang lứa về quê để sum vầy cùng gia đình thì các con chị ở lại để làm thêm kiếm tiền cho năm học mới.

Cô con gái đầu là Hải Lý sau khi tốt nghiệp đại học đã thi đỗ vào làm giáo viên dạy môn Sử tại Trường PTCS Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội. Để cả nhà có thể sum vầy, bốn mẹ con chị đã thuê một căn phòng nhỏ khoảng 15m2 ở trong ngõ trên phố Đê La Thành để tá túc.

Ngày ngày, mẹ đi bán rau để kiếm tiền thức ăn, chị gái đầu đi dạy để chi trả tiền nhà, còn Hải và Tuấn thì tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ học để phụ thêm mẹ chi trả tiền học phí. Dù cuộc sống của 4 mẹ con chị Gần còn muôn vàn khó khăn, nhất là khi khoản tiền vay từ quỹ tín dụng học sinh - sinh viên mỗi ngày dày lên khi thời điểm các con rời giảng đường đại học đang đến rất gần.

Song, nhắc đến các con của mình, đôi mắt chị Gần luôn sáng lên niềm vui và tự hào, chị tâm sự: “Đời tôi khổ nhiều rồi nên tôi luôn nhắc các con rằng chỉ có con đường học mới thoát khỏi cảnh lam lũ cơ cực như mẹ. Mẹ dù nghèo nhưng mẹ còn sống thì các con vẫn có thể đến trường. Người ta chỉ học được mấy năm thôi, còn vay mượn thì làm cả đời sẽ trả được. Các con thương mẹ thì phải cố mà học”

Huyền Thanh
.
.
.