Quanh vụ 2 ngư phủ bị bắn chết và bị thương trên vùng biển Tây Nam:

Những thời khắc kinh hoàng trên biển

Thứ Ba, 15/09/2015, 14:25
Trong khi các ngư dân đang đánh cá trên vùng biển Tây Nam, bất ngờ một chiếc tàu lạ xuất hiện rồi nã đạn như mưa vào tàu. Một ngư dân tử vong, nhiều ngư dân khác thoát chết trong gang tấc. Đến hôm nay, nhớ lại những thời khắc kinh hoàng trên biển tất cả vẫn đang bàng hoàng...

Hôm qua (14/9), sau khi chỉ đạo các y, bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của anh Nguyễn Hùng Cường – nạn nhân may mắn sống sót sau vụ nổ súng trên biển Tây Nam, BS Nhan Hồng Oanh - Trưởng phòng Hồi sức ngoại thuộc khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, bệnh nhân Cường nhập viện vào lúc 21h10 phút ngày 12/9 trong tình trạng bị một vết thương ở đùi phải, dài khoảng 30cm, xương đùi gãy đứt lìa, biến dạng, mô cơ hoại tử. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu, cắt những bọc cơ đã hoại tử, cầm máu, đặt cố định ngoài tạm thời qua khung.

Tranh thủ lúc bác sĩ cho phép tiếp xúc, chúng tôi được anh Cường tóm tắt lại giây phút kinh hoàng: “Lúc đó khoảng 15h ngày 11/9, tàu mang số hiệu KG – 94811 do tôi làm thuyền trưởng đang đánh bắt trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với Thái Lan và Malaysia. Bất ngờ, chúng tôi phát hiện một chiếc tàu lạ lao nhanh về phía chúng tôi. Thấy bất thường, tôi ra lệnh rút lưới và tăng tốc tàu nhưng không còn kịp nữa. Chiếc tàu cao tốc áp sát tàu chúng tôi và dùng súng tiểu liên bắn nhiều phát vào tàu của chúng tôi”.

Vẫn theo lời kể, khi đó anh Cường cũng đang điều khiển tàu chạy với tốc độ cao thế nhưng chiếc tàu lạ hung hãn vượt rồi tiếp tục xả súng vào hướng ca bin tàu KG-94811.

Một viên đạn trúng vào đùi anh Cường làm anh gục xuống. Máu ra nhiều khiến anh bị ngất xỉu. Rất may tài phụ đã thay anh lái tàu kịp chạy về đến nhà dàn DK1/10. Bác sỹ quân y của nhà dàn DK1/10 đã sơ cứu rồi anh được tàu cá đưa vào đất liền.

Anh Nguyễn Hùng Cường – người may mắn sống sót sau làn đạn của toán người trên “tàu lạ“.

Được hỏi về ý định của nhóm người đã nổ súng vào tàu KG-94811, thuyền trưởng Cường cho biết, với hơn 20 năm đi biển, anh thừa biết mục đích chính của những đối tượng tấn công tàu là cướp tàu rồi giữ trên biển, sau đó bắt tài công điện về cho chủ tàu ra chuộc. “Với hình thức làm tiền như thế, trung bình mỗi cặp tàu, bọn cướp nhận được tiền chuộc từ chủ tàu từ 2 đến 3 tỷ đồng” – anh Cường cho biết.

Cùng thời điểm và khu vực tàu của anh Cường bị tấn công, có 5 chiếc tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang khác cũng bị “tàu lạ” tấn công và hậu quả là tài công của tàu KG-49059 Ngô Văn Sinh (38 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) tử vong sau khi bị trúng phát đạt vào đầu.

Con gái nạn nhân Ngô Văn Sinh bên quan tài của cha.

Có mặt trên tàu lúc anh Sinh bị thương, ngư phủ Chao Văn Sáng (ngụ xã Hoà Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) – cháu ruột của anh Sinh kể lại, khi đó anh đang nấu cơm phía sau thì nghe tiếng của anh Sinh la lớn “có ca nô rượt bắn”. Theo lệnh của anh Sinh, anh Sáng tháo bình ga; đồng thời cảnh báo cho tất cả anh em ngư phủ trên tàu núp xuống boong trốn. “Cậu tôi tăng tốc để tàu chạy nhanh nhưng sau một làn đạn, chiếc tàu quay vòng. Nghi có chuyện xảy ra với cậu Sinh đang ngồi bên trên, tôi trèo lên trên ca bin thì thấy cậu đã bị trúng đạn. Toàn bộ hàm, khuôn mặt từ hốc mắt trở xuống của cậu Sinh đã bị bắn nát. Cánh tay trái cũng bị bắn gãy đôi. Tôi đếm trên tàu có hơn 40 vết đạn …”.

Vẫn theo lời anh Sáng, những người xả súng cũng chính là những người đã bắt giữ tàu anh và anh Sinh cách đây hơn 2 tháng. “Tôi nhớ rất rõ trong đám họ có một người nói tiếng Việt rất rành, hớt tóc đầu đinh, đó chính là người nổ súng vào cậu Sinh”.

Anh Chao Văn Sáng – một trong những ngư phủ chứng kiến người từ phía “tàu lạ” nổ súng bắn chết cậu ruột mình.

Đến chiều 12/9, tàu KG-49059 mới về đến cửa sông Đốc (Cà Mau). Anh Sáng đã thuê tàu cao tốc để đưa xác anh Sinh về Kiên Giang để cùng gia đình lo hậu sự.

Vụ việc đang được các lực lượng chức năng phối hợp điều tra làm rõ.

Không tin nổi chuyện vừa xảy ra với gia đình mình, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, vợ anh Sinh cho biết, anh Sinh vừa ra khơi lại cách nay 10 thì xảy ra chuyện. “Trước đây, chồng tôi vốn là ngư phủ cho một chủ tàu khác tên là Cẩm Vân cũng ở Rạch Giá. Khoảng hơn 2 tháng trước, tàu chồng tôi cùng một số tàu đánh bắt khác cũng bị những người lạ mặt đi trên ca nô đuổi bắt rồi đòi số tiền mà họ đã chi cho việc đuổi theo và bắt giữ. Sau khi bắt, họ bắt các ngư phủ liên lạc với chủ tàu và buộc phải chuộc bằng số tiền lên đến 3,2 tỉ đồng mới chịu trả tàu, thả người. Sau sự việc ấy, anh Sinh về xin nghỉ để chuyển sang làm cho chủ tàu khác là ông Chín Chuyền với hi vọng sẽ không gặp lại cảnh bắt bớ như trước đây. Vậy mà vẫn không khỏi”.
B. Huyền
.
.
.