Người lưu giữ kho sử liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ Ba, 11/05/2010, 11:21
"Ngôi nhà cổ vật" của cụ Phạm Thoại Tuyền (Lý Sơn, Quảng Ngãi) hiện tại có trên 2.000 món cổ vật. Các cổ vật chủ yếu là chén, bát, đồ sành sứ và cả đồ dùng trong các gia đình của đại quan triều đình xưa, các tượng thờ về các vị thần Sinva hay vị Cai đội Hoàng Sa xưa cùng với một số lượng rất lớn các văn tự tế lế trong các dịp lễ khao lề thế lính từ thời Cảnh Hưng đến nay…

Đến Lý Sơn (Quảng Ngãi), hỏi về người nào biết rõ nhất Lý Sơn, ai ai cũng bảo đó là cụ Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ đời thứ 7 của Thủy quân Chánh suất đội nổi tiếng Phạm Hữu Nhật, một trong những vị Chánh cai đội nổi tiếng trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa vâng mệnh triều đình dong thuyền ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để làm nghĩa vụ thiêng liêng là dựng bia, cắm mốc chủ quyền lãnh hải biên giới quốc gia khai thác sản vật, đo đạc thủy trình. Ông còn là hậu duệ của cụ Phạm Danh Lân - người giữ chức vụ Thủ sắc ở đình làng An Vĩnh, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Dòng họ Phạm là một trong 13 tộc họ tiền hiền trên đảo Lý Sơn.

Gian nhà ngoài rộng chừng ba mươi mét vuông có lẻ, nhưng lại "bị" chen lấn hai tủ đựng toàn món đồ cổ cụ trưng bày để "khoe" với ai đến nhà có thiện ý tìm hiểu về Lý Sơn. Không khó để vào đề câu chuyện, vì như đoán trước được "ý đồ" ghé thăm nhà cụ của chúng tôi, cụ bảo, "cũng chỉ là một chút gọi là mình lưu giữ gia bảo của gia đình từ nhiều thế hệ, sau đó sưu tầm thêm để có điều kiện hiểu sâu thêm về biển đảo quê hương mình, mai này con cháu còn có cái mà biết, mà học hỏi và lưu giữ truyền thống quê hương”.

Kho cổ vật của cụ Tuyền.

Giới thiệu về từng món đồ cổ quý giá được cất giữ cẩn thận trong tủ gương, cụ nâng niu từng ly một khi bưng các món ấy ra khoe với chúng tôi: Đây là tượng của một vị Cai đội thủy quân thuở trước trong Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa được người đời kính trọng đã đúc thành tượng đồng để thờ tự. Bức tượng bằng đồng bán thân, đầu đội mũ của Cai đội thủy quân xưa.

Ngay tại nơi trang trọng nhất của gian nhà có treo một bức "An Nam Đại quốc họa đồ" nguyên là của Giám mục Taberd, người Pháp vẽ năm 1838 in trong cuốn Từ điển Latinh An Nam được phóng to, cụ Tuyền kể về bức họa: Trong dịp ra thăm đảo Lý Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Nhã (Trưởng ban Điều hành tủ sách Hoàng Sa - Trường Sa và biển Đông, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), có đến thăm nhà và tặng cụ món quà quý giá này. Nó như là một báu vật không chỉ với cụ mà cả Lý Sơn này bởi nó là một trong những bằng chứng khách quan về lịch sử cho thấy quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Cụ Tuyền nhấn mạnh: "Sở dĩ có thể nói bức họa đồ này là bằng chứng khách quan về lịch sử biển đảo Việt Nam là vì ông Tabred, trên tấm bản đồ này không hề có một từ, một hòn đảo nhỏ nào quanh khu vực rộng lớn của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ông Tabred cùng các cộng sự của mình khi xuất bản cuốn Từ điển Latinh An Nam ghi là của nước khác cả". Tất cả đều ghi thuộc An Nam".

Kể về Lễ khao lề thế lính, cụ Tuyền chậm rãi nói: Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836 rằng: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc". Trong số những người thực hiện nghĩa vụ của thần dân với đất nước ngày xưa ấy, có rất nhiều người "một đi không trở lại". Họ chính là những "nhân vật chính" trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được cư dân huyện đảo Lý Sơn duy trì từ mấy trăm năm qua".

"Ngôi nhà cổ vật" của cụ Phạm Thoại Tuyền (thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) hiện tại có trên 2.000 món cổ vật. Nó bao gồm đủ chủng loại, có món ra đời cách đây hàng nghìn năm từ thời văn hóa Chămpa khoảng 2.000-3.000 năm, Văn hóa Sa Huỳnh khoảng 1.600-1.700 năm… Các cổ vật chủ yếu là chén, bát, đồ sành sứ gia dụng và cả đồ dùng trong các gia đình của đại quan triều đình xưa, các tượng thờ về các vị thần Sinva hay vị Cai đội Hoàng Sa xưa cùng với một số lượng rất lớn các văn tự tế lế trong các dịp lễ khao lề thế lính từ thời Cảnh Hưng đến nay…

Trong tâm thức người Lý Sơn hôm nay vẫn luôn mang một tâm thức hướng biển rất sâu sắc. Cụ Tuyền chỉ tay vào cây cổ thụ già mang dáng hình một thiếu phụ đang chờ đợi một điều gì, cụ nói: "Chinh phụ Hoàng Sa" đấy, nó là cây Sộp, tôi phải kỳ công lắm mới nặn nên hình thù đó. Đó là hình ảnh của một thiếu phụ xưa có chồng đi lính biển ở Hoàng Sa-Trường Sa, số phận chồng nơi hải chiến chẳng biết thế nào. Những người thiếu phụ Lý Sơn xưa vẫn ngày đêm đứng trên mé biển trông ngóng về phía Trường Sa để trông đợi hình bóng những thân tàu quen thuộc".

Cụ Tuyền chăm sóc cây cổ thụ mang dáng hình của Chinh phụ Hoàng Sa.

Câu chuyện cảm động này đã có câu ca dao lưu truyền rộng rãi trong lòng người Lý Sơn xưa cho đến nay rằng: "Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai như ngóng Trường Sa chưa về". Và lễ khao lề thế lính cũng ra đời từ những lần ra đi mà chẳng mong đợi ngày về của các hùng binh Hoàng Sa xưa: "Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa". Thế mới biết sự oai hùng và bi tráng của những hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa.

Người Lý Sơn hôm nay vẫn luôn ngóng về biển, bất chợt một tiếng còi tàu cũng làm họ nhốn nháo ngóng trông, dù chỉ là tiếng còi tàu cao tốc hú lên mỗi lần vào ra. Thế nhưng dường như nó vẫn hằn sâu trong tâm khảm người Lý Sơn một cảm thức đợi chờ, trông ngóng. Từ lịch sử xa xưa đến giờ như chảy mãi vào máu của con cháu họ biết bao thế hệ cho đến hôm nay, và còn mãi mai sau.

Trên đường trở về đất liền, câu chuyện về đảo Lý Sơn vẫn được kể trong chuyến tàu cao tốc Lý Sơn - Sa Kỳ. Đó là chuyện trên đảo còn hằn in nhiều dấu tích liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa như nhà thờ họ Võ và mộ cụ Võ Văn Khiết, nhà thờ và mộ cụ Phạm Quang Ảnh cùng các binh phu đi Hoàng Sa; nhà thờ chi phái Phạm Văn và mộ cụ Phạm Hữu Nhật; nhà thờ họ Đặng thờ cụ Đặng Văn Siểm, là tộc họ đã hiến tặng cho Nhà nước tài liệu lịch sử quý giá liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa sau 175 năm cẩn trọng trao truyền gìn giữ.

Ngôi đình An Vĩnh xa dần trong tầm mắt nhìn khi con tàu phóng nhanh về phía đất liền. Tôi cứ trông mãi cho đến khi khuất tầm mắt sau những vệt sóng chạy dài sau đuôi thuyền và nghĩ đình làng An Vĩnh, An Hải - nơi những binh phu tế tự trước khi lên đường làm nhiệm vụ hay như Âm Linh Tự - nơi phối thờ các chiến sĩ Hoàng Sa và Trường Sa trong nhiều thế kỷ. Đó là những bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông của Việt Nam

Huy Minh Sơn
.
.
.