Người lưu giữ “Bảo tàng miền Đông Nam Bộ”

Thứ Năm, 17/03/2011, 15:42
Hàng chục kỷ vật từ chiếc radio, biđông, chiếc đèn pin dò bản đồ ban đêm, chiếc ba lô của đồng đội để lại… được cựu chiến binh Trần Ánh Yên (Nghệ An) nâng niu, lưu giữ như làm sống lại một thời khói lửa, chiến chinh. Với ông, tất cả những kỷ vật thời chiến ấy đã gắn bó một thời ở miền Đông gian lao và anh dũng.

Nhiều cựu chiến binh (CCB) và đông đảo người dân đến Đô Lương (Nghệ An) đều biết tới ông Trần Ánh Yên là người góp phần làm sống lại hình ảnh một thời cả nước sục sôi đánh Mỹ. Như một sự tình cờ, chúng tôi đến thăm người thương binh này vào dịp xuân về trong giá rét được mắt thấy, tai nghe anh kể chuyện kỷ vật thời chiến. Câu chuyện người thương binh già kể lại khiến mọi người như thấy được hào khí từ buổi Đội Cung cùng binh lính làm cuộc binh biến Đô Lương (13/1/1941) cho tới buổi bao lớp trai làng sục sôi lên đường đánh Mỹ năm nào.

Nâng niu từng kỷ vật

Dáng người gầy gò, nhỏ bé, năm nay đã chạm tuổi 63 nhưng trông CCB Trần Ánh Yên vẫn còn nhanh nhẹn, giọng nói chắc thép chất lính năm nào. Trong khuôn viên căn nhà tạm nằm ven QL7 cạnh nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Đô Lương, ai đi qua cũng biết tới anh.

CCB Trần Ánh Yên bên những kỷ vật kháng chiến và danh sách tên tuổi, quê quán các liệt sỹ thuộc E271, F302 do CCB Trần Ánh Yên sưu tập.

Vốn là lính công binh của Đoàn 22, Quân khu 4 từ năm 1968, Trần Ánh Yên đã tham gia mở đường, đào hầm giấu pháo bảo vệ vùng biển Cửa Lò, Nghi Lộc (Nghệ An) chống lại tàu chiến Mỹ xâm lấn. Sau 2 năm, Yên được biên chế vào Trung đoàn 271, Quân khu 4 hành quân đi Thượng Lào chiến đấu. Qua nhiều chiến trường gian khổ, ác liệt cho tới năm 1988, Trần Ánh Yên bị thương lần thứ 3 tại Campuchia mới về đoàn tụ cùng vợ con tại quê nhà. Và kể từ đó, anh đã chắt chiu từng đồng tiền hằng năm thăm lại chiến trường xưa và đi tìm kỷ vật kháng chiến.

"Là người lính may mắn sống sót trở về, với những đồng đội đã hy sinh, tôi là người hạnh phúc nhất. Từng sát cánh đồng đội chiến đấu ở khắp các chiến trường, có lẽ miền Đông Nam Bộ là nơi tôi có nhiều kỷ niệm hơn cả. Chính ở nơi này, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội của mình hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người còn chưa từng chạm tới nỗi niềm da diết của tình yêu đôi lứa. Có người trước lúc hy sinh chỉ kịp để lại những dòng nhắn nhủ ít ỏi tới quê nhà…" - CCB Trần Ánh Yên nhớ lại.

Nhớ thời trận mạc xông pha, nghĩ về cuộc sống thanh bình hôm nay, mỗi năm một ít, Trần Ánh Yên lại đi tìm những kỷ vật ở chiến trường như chiếc lược làm bằng nhôm, bình biđông đựng nước, mảnh vải dù, chiếc đèn pin… để lưu giữ. Ông tâm sự, tất cả những dụng cụ tưởng chừng như giản đơn ấy nhưng đã gắn bó với đời lính một thời. Nói rồi ông đưa ra cho chúng tôi xem chiếc lược nhôm thu được từ chiến lợi phẩm của quân thù do chính tay mình chế tác ra để gửi tặng người yêu của mình ở quê nhà năm nào.

Đến bây giờ, người bạn đời của ông là bà Nguyễn Thị Quý còn lưu giữ như một kỷ vật gắn kết tình yêu giữa hai người suốt mấy chục năm qua.

Và, như một lời thôi thúc, anh lính trẻ năm nào vẫn không quản gian khó để lặn lội đi tìm, lưu giữ lại những kỷ vật kháng chiến. "Với trách nhiệm của một người lính trở về, tôi phải lưu giữ những kỷ vật ấy của đồng đội. Có khi là chiến lợi phẩm nhỏ sau mỗi trận đánh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ để rồi đây nó sống lại như một nhân chứng một thời. Phải nâng niu gìn giữ nó cho sau này con cháu hiểu rõ hơn về cuộc chiến mà ông cha đã đổ biết bao xương máu mới có nền độc lập, tự do hôm nay. Mỗi kỷ vật đều gắn liền với một ý nghĩa chiến trường". Cũng chính vì suy nghĩ ấy mà đến nay, trong nhà ông được coi như một bảo tàng chiến tranh lưu giữ hàng chục mẫu kỷ vật thời chiến.

Trả lại tên cho đồng đội

Với CCB Trần Ánh Yên, mỗi kỷ vật của đồng đội là một tài sản vô giá để lại cho mai sau. Vì thế, với trách nhiệm của một người lính, hơn chục năm qua, ông lặn lội đi khắp các chiến trường, các nghĩa trang nơi đồng đội mình nằm lại để ghi lại địa chỉ, tên tuổi của các liệt sỹ. Đến nay, riêng ông đã sưu tập được tên tuổi, quê quán của 1.031 liệt sỹ Trung đoàn 271, Sư đoàn 302 hy sinh từ năm 1972 đến năm 1977.

Với ông, đây cũng là đơn vị mình từng công tác, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu khắp các mặt trận miền Đông Nam Bộ cho tới chiến trường Campuchia. Như một nghĩa cử cao đẹp ấy, từng chứng kiến đồng đội mình hy sinh nên ông cảm thấu được nỗi đau thương mất mát của chính người thân của họ nơi quê nhà.

Bây giờ, nghĩ tới cuộc sống của không ít gia đình mất con, người vợ mất chồng nơi chiến trường, CCB Trần Ánh Yên như mắc nợ với lòng mình là phải trả lại tên cho đồng đội. Đã không ít lần, ông lần mò, tìm lại nơi đồng đội mình hy sinh để ghi lại, sưu tầm những hiện vật những mong sao giúp được nhiều gia đình liệt sỹ tìm lại được chính nơi người thân mình ngã xuống.

Mỗi lần khắc khoải nỗi đau khi hàng nghìn liệt sỹ cả nước hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc mà chưa tìm được tên tuổi, quê quán, Trần Ánh Yên lại khoác ba lô lên đường tìm lại những nơi mình từng chiến đấu. Nhiều người thân, đồng đội còn sống vô cùng xúc động khi được ông cung cấp tên tuổi, quê quán của các liệt sỹ đã hy sinh một cách tỷ mỉ, nhiệt tình. Và, không ít lần, Trần Ánh Yên cùng với người thân của họ đi tìm lại hài cốt liệt sỹ để vong hồn họ được về đoàn tụ với quê cha, đất mẹ.

CCB Trần Ánh Yên tâm sự: "Tôi cũng là một thương binh, từng vào sống, ra chết nhiều lần nên thấu hiểu sự hy sinh mất mát của đồng đội mình. Lúc còn ở chiến trường, nhiều đồng đội còn chung chiến hào, cùng đắp chung chăn với nhau và đã nguyện thề sau này còn sống sẽ trở về thăm nhau. Có đồng chí đã dặn tôi nếu có mệnh hệ gì thì hãy về động viên mẹ mình nơi quê nhà rằng con đã hy sinh một cách anh dũng vì Tổ quốc...". Nói đến đây, ông như nghẹn lời vì những hình ảnh ngã xuống của đồng đội mình. Còn nỗi đau nào hơn khi chính người đồng chí, đồng đội của mình hôm qua còn chia cho nhau nắm cơm đùm nay đã ngã xuống. Sự hy sinh ấy cho đến hôm nay Tổ quốc mãi khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sỹ.

Cho đến bây giờ, Đô Lương quê hương CCB Trần Ánh Yên là nơi diễn ra cuộc binh biến của Đội Cung một thời, nay lại là nghĩa trang quốc tế, nơi quy tập của hơn một nghìn liệt sỹ từng chiến đấu ở chiến trường Lào và các mặt trận khác. Như một sự thôi thúc, cứ đến ngày lễ truyền thống, người dân lại thấy dáng dấp của một người thương binh già lom khom cả ngày đi khắp nghĩa trang để thắp nhanh chia khắp lượt cho các vong hồn liệt sỹ.

Ngồi trong căn nhà vợ chồng ông Yên sống bây giờ, nhắc lại nỗi gian lao mà anh dũng trong chiến tranh chống Mỹ giữa tiết trời mùa đông mưa phùn lạnh giá, lòng tôi như cảm nhận được nỗi đau quặn thắt của không ít gia đình thân nhân liệt sỹ. Bên QL7 nối sang nước bạn Lào vẫn nườm nượp xe ra, xe vào. Phía trong nhà CCB Trần Ánh Yên, hàng chục kỷ vật kháng chiến là hàng chục câu chuyện dài về chiến tranh

Trần Ngọc Thái
.
.
.