Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2009:

Người lao động sẽ có bù đắp thu nhập

Thứ Ba, 23/12/2008, 10:10
Ngày 22/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu nội dung triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo đó, BHTN sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009. Đây là chính sách mới, có tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động tham gia BHTN khi họ bị thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ việc học nghề, tìm việc làm của NLĐ khi họ bị mất việc làm.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tất cả lao động là công dân Việt Nam có hợp đồng lao động từ 12 -36 tháng hoặc không xác định thời hạn đều được tham gia BHTN.

Tuy nhiên, để nhận được trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có những điều kiện như bị mất việc làm, bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động mà chưa tìm được việc làm; trước khi bị thất nghiệp, người lao động đã đóng BHTN được 12 tháng trở lên và đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội.

Theo đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau: Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Theo phân tích của các chuyên gia, tuy phải trích 1% từ tiền lương đóng BHTN nhưng trong trường hợp không may bị thất nghiệp, người lao động sẽ có nhiều quyền lợi hơn nếu không đóng.

Cụ thể như sau: nếu không đóng bảo hiểm, người thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp 1 lần bằng 50% lương tháng, còn nếu có đóng BHTN, 1% của mức ít nhất là 12 tháng sẽ tương đương với 12% lương/năm mà người lao động phải đóng.

Khi được bảo hiểm, mức 60% lương x 3 tháng = 1,8 tháng lương. Số tiền này đem trừ 12% vẫn còn mang lại nhiều quyền lợi cho người thất nghiệp.

Việc loại hình bảo hiểm này được ban hành tại Việt Nam và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 là một tin vui đối với hàng triệu người lao động bởi nó giúp lao động giảm thiểu rủi ro khi thất nghiệp, vì thế theo GS. Hà Tôn Vinh không có lý do gì mà người lao động lại không tham gia

Thất nghiệp trước 1/1/2010 sẽ không được nhận bảo hiểm

Theo quy định, những người được tham gia BHTN phải có hợp đồng lao động ít nhất là 12 tháng trở lên. Chính sách BHTN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, nếu người đóng bảo hiểm đầu tiên đúng vào ngày 1/1/2009 thì phải tới đúng ngày 1/1/2010. Như vậy, những người lao động bị thất nghiệp trước thời điểm 1/1/2010 sẽ chưa có cơ hội được hưởng quyền lợi này.

Nhóm PVKTXH
.
.
.