Người lao động sang Hàn Quốc cần nắm vững 3 chương trình đang tuyển chọn

Thứ Năm, 06/10/2011, 14:30
Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, hiện nay, có 3 chương trình thực hiện đưa người Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian gần đây, Phòng Thông tin của Cục liên tục nhận được điện thoại của người lao động ở nhiều tỉnh, thành phố gọi hỏi về việc đi làm tại Hàn Quốc theo Chương trình Thẻ vàng. Hầu hết các lao động gọi đến đều là lao động phổ thông, trong khi để được đi theo Chương trình Thẻ vàng, yêu cầu phải có trình độ từ cử nhân trở lên.

Để tránh cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc bị lừa đảo, PV Báo CAND đã làm việc với Cục QLLĐNN về các chương trình đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, hiện nay, có 3 chương trình thực hiện đưa người Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Chương trình EPS cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài

Chương trình được thực hiện từ năm 2004 theo Thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc. Trung tâm lao động ngoài nước, trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH là đơn vị duy nhất được đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình này. 

Người lao động đi theo chương trình EPS, ngoài đáp ứng độ tuổi từ 18 đến 39; đạt yêu cầu kiểm tra sức khoẻ theo quy định của Chính phủ Hàn Quốc; không phạm tội phải tù giam và không bị cấm xuất cảnh thì cần phải trải qua qui trình: học tiếng Hàn; đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn tại Sở LĐ-TB&XH nơi lao động cư trú (khi có thông báo của Bộ LĐ-TB&XH); sau khi đỗ kỳ thi tiếng Hàn, nộp hồ sơ theo mẫu tại Sở LĐ-TB&XH; Sở sẽ thu hồ sơ và chuyển lên Trung tâm lao động ngoài nước; Trung tâm lao động ngoài nước kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, chuyển dữ liệu sang Hàn Quốc để phía chủ sử dụng xem xét, lựa chọn lao động. Lao động được lựa chọn sẽ được Trung tâm lao động ngoài nước thông báo theo số điện thoại lao động ghi trong hồ sơ và hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết để xuất cảnh.

Chương trình EPS tuyển chọn lao động ở các nghề: sản xuất-chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. Thời hạn hợp đồng: 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm. Thu nhập bình quân: 900.000 won - 1.000.000 won/tháng (tương đương 18 triệu - 20 triệu VND/tháng). Chi phí xuất cảnh: 710 USD.

Lao động tập trung trước khi vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ

Hiện có 7 DN được phép cung ứng tu nghiệp sinh thuyền viên đánh cá cung ứng cho Hiệp hội Thuỷ sản Hàn Quốc gồm: Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (Hoang Long Huresu); Công ty TNHH Một thành viên Xuất khẩu lao động-Thương mại và du lịch (Sovilaco); Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona); Công ty Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư giao thông vận tải (Tracimexco); Công ty cổ phần XKLĐ, Thương mại và du lịch (TTLC); Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế Sao Việt (SAOVIET INCORES CO., LTD); Công ty THNN Một thành viên đào tạo và cung ứng nhân lực-Haui (LETCO).

7 DN thực hiện chương trình này chỉ tuyển chọn lao động sinh sống tại địa phương có khả năng đi biển và kinh nghiệm đánh bắt thuỷ hải sản, tuổi từ 20 đến 40; đáp ứng yêu cầu về sức khoẻ. Thời hạn hợp đồng: 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm; Lương cơ bản: 900.000 won/tháng (tương đương 18 triệu VND/tháng. Tổng chi phí dự kiến: không quá 90 triệu đồng (có thể phải đóng tiền ký quỹ không quá khoảng 60 triệu đồng đối với lao động tại các tỉnh từ Huế trở vào phía Nam, không quá khoảng 80 triệu đồng đối với lao động tại các tỉnh phía Bắc).

Chương trình Thẻ vàng

Chương trình Thẻ vàng là hình thức quản lý lao động mới của Hàn Quốc để cấp riêng cho những lao động kỹ thuật cao (các ngành công nghệ phát triển nhanh như công nghệ thông tin và công nghệ điện tử). Lao động kỹ thuật cao sẽ được cấp visa màu vàng khác hẳn visa của những lao động khác mà Hàn Quốc đã cấp, nó thuận lợi hơn nhiều so với những lao động phổ thông bình thường. Điểm đặc biệt là khi có visa này, thời gian làm việc tại Hàn Quốc sẽ được kéo dài hơn.

Người lao động muốn tham gia chương trình này cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau: có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao; có trình độ tương đương hoặc cao hơn cử nhân trong lĩnh vực liên quan, có thời gian làm việc trên 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn yêu cầu. Hàn Quốc tiếp nhận lao động kỹ thuật cao ở nhiều lĩnh vực như: điện tử kỹ thuật số, công nghệ Nano, công nghệ sinh học, năng lượng, vật liệu mới (gốm, hoá chất, kim loại), thiết bị vận tải và thương mại điện tử.

Hàn Quốc không hạn chế số lượng chuyên gia công nghệ cao đăng ký vào làm việc, chỉ cần đảm bảo yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nước này. Mọi quyền lợi, trách nhiệm của chuyên gia sẽ theo quy định của pháp luật Hàn Quốc đối với chuyên gia trong chương trình.

Các doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nếu có hợp đồng với đối tác, có năng lực thì đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị thực hiện chương trình.

Ông Đào Công Hải cho biết thêm, hiện đang có một số doanh nghiệp đăng ký hợp đồng tại Cục QLLĐNN để đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình Thẻ vàng. Nếu người lao động nhận được bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình Thẻ vàng, đề nghị liên hệ với Cục để xác minh tính trung thực của hợp đồng

Thu Uyên
.
.
.