Người lao động phải được đào tạo trước khi XKLĐ sang Qatar

Thứ Năm, 28/06/2007, 20:29

Một trong ba biện pháp mà Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đang triển khai để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang Qatar là việc tuyển chọn, đào tạo. Những doanh nghiệp không tổ chức đào tạo tập trung cho người lao động thì sẽ không được tiến hành đưa lao động sang Qatar.

Lao động Việt Nam ở Qatar vi phạm kỷ luật lao động, ăn cắp, đình công, đánh nhau, nấu rượu lậu... đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch mở rộng thị trường của Bộ LĐ-TB&XH. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm gì để giữ và mở rộng thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng này? Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết:

Hiện lao động Việt Nam ở Qatar có một số vi phạm chủ yếu về kỷ luật lao động, ăn cắp, đình công, đánh nhau, nấu rượu... tình trạng này đã gây một số bất lợi cho hình ảnh lao động Việt Nam tại thị trường mới mở này. Vì vậy Cục QLLĐNN phải tổ chức đoàn công tác sang bên đó để chấn chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh.

Nhưng có một số lao động phản ánh vì lương thấp nên họ mới có vi phạm?

Tôi mới sang bên đó về và cũng có lao động phản ảnh với tôi như vậy. Tuy nhiên, những phản ánh của lao động cần được xem xét ở hai ý: cũng có thể lương không như mong muốn của họ; nhưng thực tế là khi chúng tôi tới thăm một công trường, chủ sử dụng phàn nàn rất nhiều, chúng tôi đang lắng nghe thì thấy một lao động ta đi chơi ở đâu về (mà lúc đó đang giờ làm việc), như vậy không đi làm thì làm sao có lương cao?

Phần lớn những chỗ chúng tôi tới thăm, thu nhập đều đúng hợp đồng. Hơn nữa thu nhập thấp và đi ăn cắp là hai việc hoàn toàn khác nhau, nếu thu nhập thấp không đúng hợp đồng, người lao động phải điện về Việt Nam, phản ảnh tới các cơ quan như Cục QLLĐNN chúng tôi, còn  ăn cắp là vi phạm pháp luật.

Hiện có tình trạng một số doanh nghiệp đã đưa lao động đi Qatar mà không đăng ký, thẩm định hợp đồng theo đúng quy định, phải vậy không thưa ông?

Bộ LĐ-TB&XH không hạn chế số lượng doanh nghiệp đưa lao động sang Qatar mà chỉ thẩm định hợp đồng và cho phép doanh nghiệp nào có hợp đồng đảm bảo là cho đi, nhưng do những bất cập xảy ra tại thị trường này cho nên tới đây chúng tôi sẽ phải xem xét lại toàn bộ để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Hiện chúng tôi đang kiểm tra và nếu phát hiện có doanh nghiệp nào đưa đi mà không báo cáo thì chúng tôi sẽ xử lý theo  quy định tại Nghị định 141, nếu vi phạm nghiêm trọng thì đình chỉ thực hiện hợp đồng và cao nhất là rút giấy phép.

Theo ông, sau những sự cố này, chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm gì?

Để phát sinh các vấn đề trên chủ yếu do chất lượng nguồn lao động của chúng ta, trong đó cũng có cái chủ quan, có cái khách quan do các doanh nghiệp cũng chưa lường trước hết được. Chúng tôi đã trình lên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phương án củng cố thị trường Qatar, trong đó có ba biện pháp lớn:

Thứ nhất, chúng tôi đã cử một đoàn công tác của Cục QLLĐNN trong đó có các doanh nghiệp đưa lao động sang Qatar để chấn chỉnh tình hình quản lý lao động và phải kiên quyết đưa những lao động vi phạm pháp luật, kỷ luật về nước.

Thứ hai là chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang Qatar trong đó có việc tuyển chọn, đào tạo, những doanh nghiệp không tổ chức đào tạo tập trung cho người lao động thì sẽ không được tiến hành đưa lao động sang Qatar.

Thứ ba là chấn chỉnh công tác quản lý bên Qatar. Các công ty phải thực hiện công tác quản lý (nếu số lượng ít các công ty phải phối hợp với nhau để tổ chức tốt công tác quản lý lao động) nếu doanh nghiệp nào không làm được như vậy cũng không cho tiếp tục cung ứng lao động sang thị trường Qatar. Về quản lý Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đang xúc tiến thành lập Văn phòng Ban quản lý lao động và chuyên gia tại Qatar, cử cán bộ chuyên trách sang quản lý.

Nghĩa là doanh nghiệp muốn đưa lao động sang thị trường này sẽ phải có trường đào tạo nâng cao tay nghề lao động một cách bài bản? Ngoài những biện pháp đang triển khai, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có giải pháp nào khác để ổn định thị trường này?

Doanh nghiệp phải có trường và đưa lao động vào đào tạo hẳn hoi chứ không chỉ là mấy buổi tập trung học tập ở địa phương, phổ biến chung chung rồi đưa đi. Lao động đi Qatar hiện nay có đặc điểm là lao động tự do, lao động chưa bao giờ đi qua trường lớp nào đào tạo cả trong khi đó hiện thị trường Qatar chủ yếu nhận lao động xây dựng có tay nghề.

Các công ty đi tuyển khắp nơi trong đó có rất nhiều người học theo các nhóm thợ, tự học về tay nghề nên không đáp ứng được yêu cầu khi sang làm việc tại nước bạn, kỷ luật lao động chưa có, vì vậy phải tăng cường đào tạo trước khi đi, trong đó tập trung đào tạo về kỷ luật lao động. Hiện chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, nếu như công ty nào không chấp hành nghiêm chỉnh thì sẽ dừng không cho đưa lao động sang Qatar.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang dự kiến làm việc với một số trường công nhân kỹ thuật có đào tạo nghề xây dựng cùng với các doanh nghiệp đến đó để tuyển lao động đã được đào tạo. Tuy nhiên, cũng có khó khăn vì các trường đó chủ yếu là trường của các công ty xây dựng, vì vậy đào tạo xong là họ đã đưa lao động đi làm việc ở các công trường trong nước.

Để tránh tình trạng các doanh nghiệp khi tuyển nguồn thường nói quá về mức lương, công việc khiến lao động ảo tưởng, tới khi sang làm việc thực tế thì thất vọng và phát sinh tiêu cực, chúng tôi đang thí điểm xây dựng mức chi phí trần người lao động phải nộp cũng như thu nhập thực tế ở thị trường Qatar và thông báo công khai với các Ban Chỉ đạo XKLĐ và các Sở LĐ-TB&XH các địa phương

Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.
.