Người lao động khu tái định cư "đói việc"

Chủ Nhật, 18/06/2006, 15:00

Một số gia đình ở khu tái định cư Đền Lừ mang bàn ghế xuống dưới sân bày trà đá, thuốc lào ra bán. Khách hàng của họ chính lại là những người tái định cư thất nghiệp, buồn tình kiếm đến hàng nước hút thuốc lào vặt và "buôn dưa lê".

Hàng nghìn lao động tự do tại các điểm giải phóng mặt bằng của Hà Nội sau khi chuyển đến sinh sống ở các khu nhà tái định cư đang lâm vào cảnh không công ăn việc làm. Những gia đình trước đây sống nhờ mặt phố, buôn bán lặt vặt cũng tạm trang trải cho cuộc sống tằn tiện giữa Thủ đô thì sau gần một năm về nơi ở mới vẫn loay hoay sống dựa vào số tiền bồi thường. Miệng ăn núi lở, khi tiền bồi thường cạn, họ sẽ đi đâu, về đâu?

Cuộc sống hiện đại mà người ta thường nhắc đến dường như không tồn tại ở các khu nhà tái định cư Nam Trung Yên, nơi ở mới của hàng trăm hộ dân dọc tuyến phố Đê La Thành. Có mặt tại khu nhà tái định cư B3B, chúng tôi cứ ngỡ đang sống lại thời bao cấp xa xưa của Hà Nội. Trên tầng 6 của tòa nhà 12 tầng, từng đoàn người xếp hàng, chờ đến lượt mua rau, dưa, thịt cá và các thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu bữa ăn hàng ngày. Không khí của tầng 6 hệt như một cái chợ. Nhiều căn hộ trên tầng này dùng toàn bộ phòng khách của gia đình để kinh doanh đủ các mặt hàng.

Ngay từ lúc bước chân vào cầu thang máy, những dòng chữ quảng cáo kiểu như: P604 có bán các loại gạo ngon, P603 bán tạp phẩm, đồ khô; P303 phục vụ cafe, nước giải khát… được viết nguệch ngoạc bằng bút dạ đã đập ngay vào mắt.

Ông Ngô Văn An, P308, Tổ phó tổ dân phố của khu nhà này cho biết: Khu chung cư Nam Trung Yên ở gần siêu thị Big-C và ngay dưới tầng 1 của khu nhà B3A cũng có một siêu thị nhưng giá cả quá đắt đỏ, nó vượt quá túi tiền của những người dân sống ở đây. Thế là một số hộ dân trước đây làm nghề buôn bán rau cỏ trên đường Đê La Thành đã dùng ngay căn hộ của mình để làm lại nghề cũ. Mặc dù việc kinh doanh này gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, đường rác của khu chung cư thường xuyên bị tắc, bốc mùi hôi thối nhưng lại là giải pháp tình thế tạo thu nhập cho một bộ phận lao động.

Theo ông An, có tới 70% dân sinh sống tại khu nhà tái định cư này đang rơi vào tình trạng thất nghiệp trầm trọng. Nhiều hộ sau khi tiêu hết số tiền đền bù đành phải bán nhà. Cả 4 người trong gia đình ông Đắc Đình Tâm, bị liệt nửa người ở phòng 208, trước đây sống dựa vào quán nước trà, tháng 5 vừa qua đã phải bán nhà về tận làng Xuân La để có chỗ kiếm ăn. Còn gia đình bà Đặng Kim Oanh, sau một thời gian kinh doanh mặt hàng gạo ế ẩm cũng đành phải dứt áo ra đi…

Những người phải bán nhà đi tìm mua nhà khác, họ cũng chẳng chắc là mình có kiếm được công ăn việc làm hay không. Chỉ biết rằng bán nhà cũ, mua một cái nhà mới ít tiền hơn (ở ngoại thành, thậm chí là về quê), họ lại có một khoản tiền chênh lệch để sống và tiếp tục (hy vọng) kiếm việc. Nếu hết số tiền dư này mà vẫn không kiếm được việc làm thì e là lại phải kiếm một cái nhà nhỏ hơn. "Các cụ bảo có an cư mới lạc nghiệp nhưng chúng tôi có "nghiệp" đâu mà mơ đến "lạc"?", ông Hùng, một người đang ráo riết rao bán nhà, chua chát.

Ngày trước ở đường Đê La Thành, ông bơm vá săm xe bên cạnh hàng dưa cà mắm muối của vợ, cũng nuôi sống 6 miệng ăn. Nay lên ở chung cư, khoản thu nhập này mất đứt. Ăn không ngồi rồi, đã thế, hàng tháng, đủ các loại phí như tiền gửi xe, tiền điện cầu thang máy, tiền vệ sinh, tiền bảo vệ… ngốn gần trăm bạc, gia đình ông đã tính nát nước và chỉ còn cách bán nhà để… xuống đất, dẫu biết rằng, cuộc "hạ cánh" này chưa chắc đã "an toàn".

Thế nhưng, những hộ dân tái định cư khu Nam Trung Yên vẫn còn may mắn chán bởi "còn đất sống" từ việc buôn bán lặt vặt tại căn hộ của mình. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở khu tái định cư Đền Lừ đang dở khóc dở cười. Chuyển về từ khu giải phóng mặt bằng Vĩnh Tuy, những hộ dân ở đây vốn trước sống bám vào tuyến phố Vĩnh Tuy, Minh Khai. Từ khi mất đất lên sống… trên trời, 2/3 số người trong độ tuổi lao động ở đây rơi vào cảnh thất nghiệp. Chưa đầy một năm, nhiều hộ đã vét đến đồng tiền đền bù cuối cùng. Thế là đổ xô đi tìm việc.

Một số nhà mang bàn ghế xuống dưới sân bày trà đá, thuốc lào ra bán. Khách hàng của họ chính lại là những người tái định cư thất nghiệp, buồn tình kiếm đến hàng nước hút thuốc lào vặt và "buôn dưa lê". Mỗi ngày kiếm dăm mười nghìn đồng tiền lẻ vét túi của những người cùng cảnh ngộ. "Biết ngồi như thế này là vi phạm nhưng nếu không có cái quán này, gia đình 5 miệng ăn và 2 đứa con đi học của tôi treo niêu từ lâu rồi", chị Hạnh, một người bán quán nước ngán ngẩm.

Hệ quả của những đợt giải phóng mặt bằng trong những năm gần đây ở Hà Nội cho thấy một thực tế rõ ràng là hàng loạt lao động bị rơi vào tình cảnh thất nghiệp nhưng Hà Nội vẫn chưa có bất kỳ một hình thức hỗ trợ dạy nghề, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống cho người dân khi về nơi ở mới.

Ngày 12/6, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội tỏ ra bất ngờ vì Sở chưa có bất kỳ một cuộc điều tra, thống kê cụ thể nào về tỷ lệ lao động thất nghiệp tại các khu nhà tái định cư. Một chính sách hỗ trợ việc làm để ổn định cuộc sống mới là mong mỏi chính đáng của người dân sau khi đã sẵn sàng di dời khỏi phần đất tổ tiên, gắn bó với cuộc sống mưu sinh của gia đình mình vì mục đích chung

Nhóm PV KTXH
.
.
.