Người khai sinh cơm nắm muối vừng Lạc Đạo

Thứ Hai, 25/02/2008, 16:15
Những nắm cơm trắng tinh, dẻo, thơm cùng với những gói muối vừng vàng, béo ngậy, đã cùng người dân của xã Lạc Đạo (Văn Lâm - Hưng Yên) đi rong ruổi khắp mọi ngõ ngách. Nhưng ít ai biết rằng, người góp phần khai sinh ra nghề này là một cụ già, năm nay đã gần 80 tuổi với nhiều "tài lẻ" từ thời "kinh tế tập thể".

Chúng tôi gặp bà vào một ngày đầu xuân 2008 tại thôn Cầu trù phú (Lạc Đạo - Văn Lâm - Hưng Yên) khi bà đang trò chuyện với một cụ già khác cùng xóm. Nhìn những nét tinh anh trên khuôn mặt, những cử chỉ gọn gàng, lời nói sắc sảo không đứt quãng cùng nụ cười hiền hậu ít ai nghĩ rằng, bà đã chuẩn bị bước sang tuổi 80. Đó là cụ bà Nguyễn Thị Đảo.

Nữ canh điền giỏi thuần phục con trâu dữ

Nói tới bà Nguyễn Thị Đảo, người dân Lạc Đạo không chỉ biết tới người đã từng khai sinh ra món cơm nắm muối vừng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người dân trong xã, mà người ta còn nhớ tới một nữ nông dân có vóc dáng to cao, khoẻ khoắn trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Hồi còn trẻ bà Đảo cày bừa rất khoẻ. Nhớ lại một thời khó khăn của làng quê hoà cùng khó khăn của đất nước, bà Nguyễn Thị Đảo vẫn thường lấy làm hãnh diện vì sự vượt khó của mình.

Hàng ngày cùng nắm cơm với chiếc nón lá, bà đã cày được 4 sào ruộng, các thanh niên cùng làng với bà thời đó luôn phải thán phục và kính nể. Bà khoẻ khoắn, năng động, tính toán nhanh, nên bà đã được bầu làm đội phó của thôn. Đội phó thì cũng có nghĩa là phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, làm việc gương mẫu hơn.

Việc làm cụ thể là chính quyền xã giao cho bà phải nuôi những con trâu hung dữ nhất và thuần phục nó. Thật là oái oăm, bao thanh niên trai tráng hay những ông canh điền cao to vạm vỡ, thâm niên nhiều năm  nhớ ngõ ngách của từng thửa ruộng, còn chịu thua trước con vật vừa khoẻ vừa hung dữ, vậy mà mọi người đã đẩy công việc vất vả này tới tay bà. 

Thế là bà Đảo đã tìm cách thu phục những con trâu sứt (mũi). Bà thường dành cho con vật những bó cỏ ngon, non nhất. Đôi khi bồi bổ cho chúng những thùng cám, những bó lá lúa non… dần dần con trâu dữ dằn đã bị bà thu phục một cách nhẹ nhàng. Nó làm việc rất chăm chỉ, nhờ sức khoẻ của trâu nên mỗi khi cày bừa trâu đi cứ phăng phăng, các hộ nuôi trâu khác nhìn mà thèm.

Rất nhiều đời trâu dữ của dân làng khi qua tay bà thì chúng đều trở thành những con trâu ngoan ngoãn, làm việc hiệu quả, tài năng của cô nông dân đã được mọi người thán phục.

Hành trình trở thành thương nhân

Dù công việc nhà nông làm lụng cật lực song gia đình bà vẫn cứ khó khăn. Chồng mất sớm, một mình bà phải nuôi 8 người con. Tay xách, nách mang cả một gia đình với 8 miệng ăn, chỉ trông vào số lương thực từ hợp tác xã, thì con cái bà sẽ đói, nhất là thời điểm giáp hạt.

Vào năm 1972 bà quyết định buôn chuyến ra Hà Nội. Lúc đầu là những bị táo, bị ổi, nhưng đều thất bại vì ít người mua trong khi số người bán rất nhiều. Nhìn dòng người ở bến tàu, bến xe chen nhau mua bánh mì  với giá đắt, không ít người có tiền trong túi vẫn chịu cảnh đói meo, nên bà có ý định sẽ làm một cái gì đó thay bánh mì bán cho người xa nhà cơ nhỡ với giá rẻ.

"Bán gì mà đồng vốn không cần nhiều, dễ làm, dễ bán, ế hàng còn có đường thoát?". Nghĩ đi, nghĩ lại trong đầu, cuối cùng bà đã tìm cho mình một bước đi táo bạo, nhưng rất đơn giản, bán cơm nắm muối vừng. Món này quê bà thường làm mỗi khi đi đồng xa.

Thế là trong ngày hôm sau bà đã làm 2 bị cơm nắm đầu tiên, cùng với những gói vừng đi bộ hơn 1 km ra ga Lạc Đạo bắt tàu lên Hà Nội. Rong ruổi vài nơi: Chợ Bắc Qua, ga Hàng Cỏ, chợ Long Biên… bà đã bán hết veo gần 100 gói.

Vạn sự khởi đầu nan, bà cảm thấy mát lòng, mát dạ vì công sức của mình đã có thành quả. Thế là từ đó, ngày nào cũng như ngày nào, 5h sáng, 2 tay bà xách hai bị cơm đi bán, trưa lại  trở về, hôm nào muộn nhất thì chiều mới bắt tàu về, trung bình một ngày bà đi bộ tới 30 km rao hàng.

Có những khách hàng mua hàng chục nắm cơm một lúc cho người thân ở bệnh viện, hay những anh Công an tất bật công việc không có thời gian ăn trưa, nên đã xài cơm nắm muối vừng của bà. Nhờ có cơm nắm, mà mẹ con bà có bát ăn, bát để, cảnh nheo nhóc bị đẩy lùi.

Ngôi nhà khang trang nhờ cơm nắm muối vừng của con bà Đảo.

34 năm làm nghề cơm nắm, kỷ niệm khó quên nhất với bà phải kể tới là chuyện, một số khách hàng sang muốn ăn cơm nắm với giò. Thế là cả gia đình bà cùng tập trung vào xay giã giò mang đi bán cho khách.

Tuy nhiên, hơn 2 kg giò khi bà vừa mang lên tàu, đã bị phòng thuế tịch thu (thời đó không cho vận chuyển buôn bán thực phẩm là giò, chả)… Thời đó, thực phẩm đắt đỏ, 2 kg giò lụa giá rất đắt, nhất là sản phẩm phải chế biến bằng tay, nghĩ tiếc, bà chỉ biết về nhà cùng các con ôm nhau mà khóc như chim ri.

Hay là chuyện bà cùng con trai cả buôn xương lợn cùng cơm nắm lên Hà Nội bị phòng thuế bắt, hai mẹ con chỉ biết khóc. Cảm thông với nỗi vất vả của bà, cuối cùng họ đành trả. Từ những lần như vậy, bà không bao giờ còn ý định buôn bán thực phẩm.

Chuyện mảnh báo cõng nắm cơm của bà đi rong ruổi khắp đất nước và kinh tế nhà bà trở nên phát đạt đã khiến người dân trong xã đua nhau tới học hỏi. Công việc có vẻ đơn giản nhưng không phải ai làm cơm nắm cũng trở nên dẻo thơm, đắt khách như bà.

Thế là trong nhiều năm trời, sáng cũng như chiều, sân nhà bà luôn chật cứng xe đạp, xe máy cất cơm của gia đình bà lên Hà Nội bán. Toán thứ nhất cất hàng và lên đường từ 3-4h sáng thì trưa kéo nhau về. Toán thứ hai đi từ 6-7h sáng thì chiều về.

Hàng ngày 5 mẹ con bà thi nhau nắm cơm nhưng cung cấp cho dân làng vẫn không đủ. Cuối cùng bà không quản ngại truyền nghề cho một số anh em họ hàng để họ cùng nhau làm và bán. Tuy vậy, dòng người tới mua cơm ở nhà bà vẫn là đông nhất.

Hiện nay, tại xã Lạc Đạo có gần chục hộ làm cơm nắm bán buôn, hàng trăm hộ khác thì làm nghề bán rong. Khi bước sang tuổi 75 thì bà Đảo quyết định nghỉ việc nhường lại cho các con làm.

Bí quyết làm cơm ngon của bà là: 2 ca gạo cộng với một ca nước mưa. Gạo vo kỹ 2 lần, cho vào nước mưa đun sôi bằng củi sau đó vùi bằng rơm. Gạo làm cơm nắm ngon và dẻo phải là gạo 203 hoặc gạo Q4. Xoong nấu cơm phải bằng gang, dày, nhiều hơi thì cơm mới dẻo.

Bí quyết rang vừng ngon của bà cũng rất đơn giản: cho 5kg lạc rang cùng với nửa kg vừng và muối rang cùng nhau giã nhỏ khiến khách dễ ăn. Theo bà, khi mua lạc nên chọn những viên lạc nhỏ đều, tránh mua phải hạt to, khi rang dầu ra nhiều sẽ có nhiều mùi khét.

Ngoài bà Đảo thì nhà anh Biên bây giờ cũng nổi tiếng hàng đầu Lạc Đạo về nghề cơm nắm muối vừng. Mỗi ngày anh cấp cho Hà Nội hàng ngàn nắm cơm, có nguồn thu không nhỏ. Việc khai sinh ra làng cơm nắm cũng đã khiến cho nhiều làng khác của xã có các làng nghề  ăn theo: nghề làm ruốc, nghề làm giò, làm chả, trong đó có những tên tuổi có tiếng trong vùng: chị Minh Hồng, chị Nguyệt...

Cơm nắm Lạc Đạo chất lượng thơm ngon, qua phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều đầu buôn trong TP HCM ra lấy hàng, có cả trường hợp từ Cà Mau cũng lần ra thưởng thức và học cách nắm cơm.

Về già, nghĩ lại chặng đường đã đi qua mà bà Đảo cảm thấy gian lao vất vả nhưng vui. Trong cái khó đã ló cái khôn. Người dân của làng hơn ai hết là những người rất biết ơn bà. Nói như ông Đỗ Tiến Nhượng, Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo, nhờ cơm nắm muối vừng mà không ít hộ trong làng trở nên giàu có và nổi tiếng

Văn Nguyễn
.
.
.