Công trình nước sạch ở Cam Lộ (Quảng Trị):

Người hưởng lợi mừng hụt!

Thứ Hai, 21/07/2008, 08:54
Ông Nguyễn Trường, ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ nói, đời ông trải qua 2 biến cố lớn, đó là lần tai nạn đường sắt cướp mất vợ, con ông; rồi nữa là đận ông ê mặt giữa làng vì công trình nước sạch của thôn bị đổ vỡ...

Nước có chứa vôi vẫn đảm bảo?

Ngôi nhà xây sau 5 năm vẫn dang dở của người cựu chiến binh Nguyễn Trường nằm cạnh công trình nước sạch thôn Cam Vũ đã từ lâu không có phụ nữ, trông rất bề bộn.

Có khách tới nhà, ông Trường cũng chẳng buồn dọn dẹp. Ông nói, cuối năm 2005, công trình được khởi công xây dựng, kinh phí 998 triệu đồng. Trong có một giáo viên ở nước ngoài hỗ trợ 300 USD, huyện Cam Lộ hỗ trợ 150 triệu đồng (vốn đối ứng địa phương), số còn lại theo kế hoạch sẽ do nhân dân đóng góp.

Lúc bấy giờ ông làm Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng ban điều hành làng nên có điều kiện vận động bà con tham gia tích cực vào dự án. Công trình do UBND huyện Cam Lộ làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Khánh Long (trụ sở đóng tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị) thi công, đến đầu năm 2007 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Các hạng mục chính bao gồm, giếng khoan sâu 65 mét, 4 bình lọc và bồn chứa 18m3 nước, cùng hệ thống ống nhựa dẫn từ hệ thống lọc chính đến tận các hộ dân. "Ngày khánh thành công trình tưng bừng lắm, người dân rất phấn khởi bởi niềm mơ ước nước sạch từ hàng chục năm nay trở thành hiện thực.

Xa xôi tận TW cũng có một thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vào dự. Tuy nhiên chỉ chưa tới 1 tháng, máy bơm đột nhiên không hoạt động được nữa. Từ đó đến nay công trình gần tỷ đồng ấy đành phơi mưa phơi nắng trước sự ngậm ngùi của bao người", ông Trường buồn bã kể.

Cũng theo ông Trường, bên cạnh "sự cố" buồn này, có điều cần lưu ý ở đây là chất lượng nguồn nước. Chỉ chưa tới 1 tháng sử dụng, người dân phát hiện nước bị nhiễm vôi nghiêm trọng. Khi hỏi ngành chức năng có lấy mẫu nước xét nghiệm trước khi tiến hành khoan giếng ở đó không?

Ông Trường thẳng thắn: "Sở Khoa học-Công nghệ Quảng Trị có đến, sau đó kết luận chất lượng nước ở đó (giếng khoan hiện tại  - PV) đảm bảo cho sinh hoạt và ăn, uống.

Một kết luận gây lãng phí tiền tỷ, người dân sau đận ấy thì chơng vơng (ngẩn người ra - PV), không tin bầy tui nữa (không tin những người có trách nhiệm như ông Trường). Sau đận ấy, các cán bộ thôn rớt chức hết, số khác còn đi xa tận miền Nam để lánh mặt bà con. Nói chung là chơng vơng cả".

Vẫn phải sử dụng nước ô nhiễm

Ông Nguyễn Huệ, nguyên Trưởng thôn Cam Vũ cho biết, để có được công trình nước sạch, chính quyền thôn đã phải cho huyện Cam Lộ bán 2 lô đất mặt tiền đường Xuyên Á (320 triệu đồng).

Ông Trần Tuấn Anh, lúc bấy giờ làm Trưởng phòng Nội vụ huyện, nay là Chủ tịch UBND xã Cam Thanh, hứa trước dân rằng, việc bán đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thôn xây dựng công trình nước sạch?

Sau đó, để bù vào kinh phí xây dựng, huyện hỗ trợ 150 triệu đồng. Nói thẳng ra, huyện còn lời hơn một nửa, còn nước sạch của dân thì chẳng thấy đâu, hàng chục năm nay bà con phải uống nguồn nước bị ô nhiễm nay vẫn thế.

Trở lại nước giếng khoan bị nhiễm vôi, người dân thôn Cam Vũ nhận định, do vôi bám dày vào máy bơm, các bánh xe, dây roang... vì thế không quay được gây ra cháy máy?

Công trình nước sạch này không chỉ lãng phí số tiền lớn của người hảo tâm, tiền đất đai của địa phương mà còn gây thiệt hại lớn cho bà con. Cụ thể có trên 120 hộ dân khi hay tin xây dựng dự án nước sạch đã vay vốn ngân hàng từ 4 đến 8 triệu đồng để xây nhà vệ sinh tự hoại; trên 30 hộ còn ky cóp tiền từ lúa, hoa màu mua máy giặt và bình nước nóng lạnh, nay xếp xó hết!

Hiện tại 300 hộ dân, 1.300 nhân khẩu của thôn Cam Vũ đành chấp nhận "thói quen cũ", sử dụng nước giếng đào ở độ sâu chưa tới 10 mét vốn nhiễm phèn và các chất độc của chiến tranh. Hơn 200 hộ trong số đó có nước giếng hoàn toàn không sử dụng được do bùn, phèn và mùi hôi thối phải đi xin nước hằng ngày

Phan Thanh Bình
.
.
.