Người già gia tăng bệnh trầm cảm
>> 7 giải pháp cho người bị trầm cảm
Đau mà không tìm ra bệnh
Vừa vào Viện Sức khỏe tâm thần, chúng tôi chứng kiến một cuộc "giằng co" giữa bác sỹ và người nhà bệnh nhân, mà chắc chắn bậc cha mẹ nào nhìn thấy cũng cảm thấy đau lòng. Bà mẹ già bị trầm cảm kéo dài kèm theo cả loạn thần nhẹ, sau một thời gian điều trị, các bác sỹ khẳng định tình trạng của cụ đã ổn định và cho cụ ra viện, nhưng không hiểu sao anh con trai cứ khăng khăng cho rằng mẹ mình vẫn còn bệnh nặng.
Các bác sỹ khuyên con cháu nên đưa cụ về nhà, vừa đỡ khổ cho cụ, vừa đỡ tốn kém cho gia đình, nhưng anh con trai vẫn nhất quyết đòi để cụ ở viện. Trước đó, bà cụ đã bị trầm cảm từ khá lâu, con cái đưa cụ vào trại dưỡng lão, khiến bệnh tình cụ trở nên rất trầm trọng, chúng đưa cụ vào viện. Giờ đây, khi bệnh cụ đã ổn định, đưa cụ trở lại trại dưỡng lão thì không ổn, chúng tìm cách thoái thác không muốn đưa cụ về nhà.
Đó là một gia đình không thiếu tiền để mẹ nằm viện hàng tháng trời, nhưng lại thiếu tình thương yêu để đón mẹ già về chăm sóc… Sau một hồi tranh luận, các bác sỹ chẳng còn cách nào khác là phải tiếp tục để cụ ở lại nằm viện với cái lắc đầu ngao ngán.
Người già nên tìm việc phù hợp với sức khỏe, sống vui vẻ cùng con cháu để tránh trầm cảm. Ảnh: T.L. |
Ngày càng có nhiều người già phải nhập viện vì trầm cảm và hầu hết nhập viện khi bệnh đã trầm trọng. Điều đáng lo ngại là có nhiều cụ bệnh nặng tới mức định tự tử, con cái mới phát hiện ra và đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần.
Cụ Trần Thị Liễu, 67 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội bị tiêu chảy kéo dài, hay bị nôn, ăn uống mất ngon, cụ đã đi khám và uống thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa hơn 1 tháng, nhưng bệnh không thuyên giảm. Đôi lúc cụ thường có biểu hiện đau đầu, chân tay nhức mỏi, con cháu nghĩ do cụ nằm nhiều, ăn uống kém, nên mua thuốc tẩm bổ cho cụ, nhưng cụ vẫn không khỏe lên.
Sau hơn 3 tháng đi khám bệnh nhiều nơi, uống đủ loại thuốc mà không tìm ra bệnh gì, cụ Liễu mới được đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần và phát hiện bị trầm cảm. Bệnh nhân gia tăng, nhưng hiểu biết về trầm cảm của con cháu cũng như chính các cụ còn rất hạn chế, khiến việc điều trị cho người già vốn đã nhiều khó khăn càng trở nên phức tạp hơn. Thông thường, các cụ bị trầm cảm khi phát hiện bệnh thường phải điều trị nội trú 1-2 tháng và lâu hơn nữa.
Người già tính tình bất thường là bình thường
Thiếu tình thương yêu của con cháu, không có người lắng nghe, cảm thấy mình vô dụng, hẫng hụt khi nghỉ hưu… đó là tâm lý khá thường gặp ở những người cao tuổi bị trầm cảm.
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, có khoảng 5% dân số bị trầm cảm, trong đó bệnh nhân nữ thường gấp đôi nam giới. Ở người già, có nhiều nguy cơ khởi phát và tái phát trầm cảm hơn do những thay đổi về tâm sinh lý, khả năng thích nghi với môi trường kém hơn người trẻ.
Trong cuộc sống của người cao tuổi, có vô số những biến cố, thay đổi có thể tác động, khiến họ cảm thấy tủi thân, cô đơn, lo lắng, xung đột, như con cái tách khỏi cha mẹ, vợ (chồng) mất, bạn bè lần lượt đi xa, lối sống xung quanh biến đổi…
Biểu hiện trầm cảm ở người già thường không điển hình với các rối loạn cơ thể rất đa dạng như đau đầu, đau khắp cơ thể, mất ngủ, ăn không ngon, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau tức ngực, tăng huyết áp, nôn, hay cáu giận, buồn bã, bồn chồn, bất an… Do đó, trầm cảm ở người già rất dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh thực thể khác.
Chính vì tính chất phức tạp của việc chẩn đoán trầm cảm, theo bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, nếu có các triệu chứng bệnh nói trên mà không thấy tổn thương thực thể, bị bệnh kéo dài, khám nhiều nơi mà không tìm thấy bệnh thì nên đi khám tâm thần; người bệnh cũng có thể đi khám tâm thần ngay để phát hiện sớm trầm cảm, nếu không mắc trầm cảm thì các bác sỹ cũng sẽ chuyển sớm sang khám các bệnh thực thể. Ngoài các triệu chứng nêu trên, trầm cảm còn có thể đẩy người già đến việc tự sát, làm trầm trọng hơn các bệnh mãn tính vốn có như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch…
Để điều trị trầm cảm, quan trọng nhất là yếu tố tâm lý. Trầm cảm cũng là bệnh mạn tĩnh có tần số nguy cơ tái phát cao. Do đó, con cháu, người thân cần thường xuyên quan tâm giúp đỡ, tránh để người bệnh bị xáo trộn tâm lý.
Tuy người già có đặc điểm tâm lý cứng nhắc, bảo thủ, tính tình thất thường, độ mềm dẻo, thích nghi kém hơn người trẻ, cuộc sống chung với cha mẹ già có thể nảy sinh mâu thuẫn, ức chế; nhưng theo bác sỹ Tuấn, cần hiểu rằng, những biểu hiện bất thường đó ở lứa tuổi người già lại là điều bình thường. Chúng ta ai cũng sẽ có lúc già, con cháu thấu hiểu và thông cảm với những thay đổi của tuổi tác sẽ giúp các cụ già có cuộc sống vui tươi, lành mạnh và giảm được nguy cơ bệnh tật.
Người già đừng ngồi không Theo các chuyên gia về tâm thần, để tránh bị trầm cảm, bên cạnh sự giúp đỡ của con cháu, người thân, thì người cao tuổi cần chủ động dự phòng cho mình: Nên cải thiện mối quan hệ bố mẹ - con cái, hạn chế xung đột về quan điểm giữa các thế hệ, thay đổi nhận thức phù hợp với cuộc sống hiện tại; tích cực tạo môi trường mới để tránh bị hẫng hụt khi nghỉ hưu; trao đổi với bạn bè, tìm câu lạc bộ người già để để tránh buồn chán, cô lập với xã hội bên ngoài; tránh lạm dụng thuốc ngủ, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá; đặc biệt người già đừng ngồi không, nên tìm cách rèn luyện thân thể phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi, tìm các hoạt động trí tuệ để giải trí, thu nạp kiến thức mới, vì các bộ phận cơ thể, kể cả bộ não, nếu không được vận hành thường xuyên sẽ khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn và gây nguy cơ phát triển nhiều bệnh tật T.L. |