Người dân xã biển nghèo khó trong “cơn lốc” titan

Thứ Sáu, 02/01/2015, 15:36
Việc khai thác titan diễn ra cách đây đã hơn 20 năm ở xã biển bãi ngang Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và kéo dài đến nay. Đây là quãng thời gian đủ để một đứa trẻ lọt lòng mẹ khôn lớn, trưởng thành; để những mầm cây bén rễ vào đất xanh tốt thành rừng; để những làng mạc vượt khó vươn lên làm giàu… Nhưng 20 năm ấy ở những làng quê chân sóng này vẫn nghèo khó, nhiều người vẫn chưa dứt ra được “cơn lốc” titan…

Xã biển bãi ngang Vĩnh Thái có 8 thôn. Từ năm 1995, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đổ xô về đây đào bới cát, tìm kiếm titan. Thời gian đầu, người dân đã có những phản ứng kịch liệt, bởi hoạt động khai thác titan đã đào phá không ít rừng cây phòng hộ; đê chắn sóng, chắn gió ven biển. Tuy nhiên thời gian về sau, bà con phải chấp nhận “thích nghi” với hoạt động này.

Ông Nguyễn Đình Cư, một người dân thôn Hải Thái, trải lòng: “Chúng tôi ít có sự lựa chọn. Lúc đó, xã còn nghèo, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hầu như chưa có gì; đất đai hoang hóa bạc màu; việc đánh bắt con cá con tôm gần bờ cũng ngày càng trở nên cạn kiệt, khó khăn. Trong khi lao động cho các công ty khai thác titan, mỗi người bình quân kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng. Vì thế mà có không ít người đi làm cho các doanh nghiệp khai thác titan”.

Ông Nguyễn Tất Hữu, Trưởng thôn Tân Mạch, dẫn chúng tôi một vòng quanh những địa điểm, nơi trước đây có rừng cây phi lao hàng chục năm tuổi để chắn cát bay, cát lấp đã bị đào phá khai thác titan. “Xí nghiệp khai thác titan này là của Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị, hiện có 9 giàn máy móc với hơn 100 lao động khai thác titan”, ông Hữu cho biết.

Cũng theo ông Hữu, Tân Mạch hiện là thôn cuối cùng ở Vĩnh Thái đang tồn tại hoạt động khai thác titan. Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị đã được cấp gần 120 héc-ta đất mỏ tại nhiều điểm nằm trên địa bàn thôn. Công ty khai thác từ năm 2007 đến cuối năm 2012 thì nghỉ chừng một năm; sau đó trở lại khai thác từ ngày 7/12/2014 đến nay.

Khai thác titan ở thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái đã biến những rừng cây phi lao thành đồi cát trắng.

Hỏi về những đóng góp của công ty này cho địa phương, ông Hữu cho hay: “Ngoài sử dụng mỗi gia đình một lao động để khai thác titan, công ty đã đóng góp 700 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn và 100 triệu đồng mỗi năm khi đang liên tục khai thác nhằm giúp đỡ những hộ gia đình neo đơn, bệnh tật không còn khả năng lao động”.

Ông Hữu thẳng thắn: “Người dân vì chưa có sinh kế bền vững nên việc trước mắt nhờ vào công ty có được thu nhập là cần thiết. Tuy nhiên, bà con ở đây vẫn luôn bám biển. Đó không chỉ là nghề truyền thống của cha ông mình để lại, cần phải giữ gìn và phát huy nó, mà ngư dân thì sẽ suốt đời gắn với biển!”.

Không riêng ông Hữu, ông Nguyễn Hữu Tú, ở thôn Tân Mạch, cũng tâm sự: “Biết việc khai thác titan ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của bà con. Nhưng việc làm thuê cho công ty khai thác titan có được đồng tiền trực tiếp, còn biển bãi ngang con tôm con cá kiếm được khá bấp bênh. Nếu thu nhập ổn định thì chúng tôi không ai đồng ý với việc khai thác titan này đâu”.

Cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Phụng, hàng xóm ông Tú chia sẻ thêm: “Người dân không có điều kiện học hành nhiều nên thường ngắn nghĩ, thấy cái gì có lợi, ít gây hậu quả trước mắt thì làm. Nếu như bà con có được sinh kế bền vững, thì chắc không mấy ai mặn mà với việc khai thác titan”…

Mà đâu phải chỉ ông Hữu, ông Tú, hay ông Phụng, đa số bà con ở xã biển bãi ngang Vĩnh Thái đều mong sao các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để họ giữ gìn, phát triển nghề biển, mới thực sự là sinh kế bền vững cho họ…

Phan Thanh Bình
.
.
.