Người dân vẫn chủ quan với dịch tiêu chảy cấp

Thứ Sáu, 09/07/2010, 11:30
Nguy cơ tái bùng phát dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả đang đến rất gần, người dân phải tuyệt đối không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố… nhưng để thực hiện khuyến cáo đó không hề dễ dàng. Nhiều người tiêu dùng, người kinh doanh vẫn rất thờ ơ với dịch tiêu chảy cấp. Thức ăn đường phố vẫn trong cảnh "cha chung không ai khóc", không che đậy rất mất vệ sinh.
>> TP HCM: 3 ca dương tính với bệnh tả

Ngày 7/7, Bộ Y tế chính thức thông báo về tình hình dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả tại 4 tỉnh TP là Hà Nội, Thanh Hóa, TP HCM, Bạc Liêu, đưa danh sách các tỉnh, thành có bệnh tiêu chảy cấp tiếp tục tăng cao. Từ ngày 13/6 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 144 ca mắc tiêu chảy cấp, tập trung ở 14/29 quận, huyện. Đặc biệt, có ngày Hà Nội ghi nhận 5 ca tiêu chảy dương tính với phẩy khuẩn tả đều liên quan đến việc ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống...

Phải cấp cứu vì… "vạ" miệng

Bệnh viện Đống Đa gần một tuần nay tiếp nhận hơn chục ca mắc bệnh tiêu chảy cấp vào nhập viện, trong đó có những ca tiêu chảy bị mất nước nhiều phải truyền nước và điều trị theo phác đồ tiêu chảy cấp của Bộ Y tế.

Bệnh nhân N.T.K., 35 tuổi, ở quận Đống Đa, sau 3 ngày điều trị sức khỏe đã tiến triển tốt cho biết: "Tôi chỉ uống có một ly nước đậu nành với đá, sau 4 tiếng thì thấy đau bụng, đi ngoài liên tục, người ngây ngấy sốt và được gia đình đưa vào viện. Vào đây mới thấy có nhiều người cũng bị vạ miệng giống mình". Theo bệnh nhân này thì chị uống nước đậu vỉa hè, không phải uống đá tinh khiết mà là đá cây.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định, đá cây chỉ được sử dụng để bảo quản thực phẩm, không sử dụng đá cây trong ăn, uống. Việc sử dụng đá cây trong ăn uống ở các địa điểm kinh doanh rượu, bia, nước giải khát hiện nay (gọi chung là thức ăn đường phố) đã phân cấp cho các địa phương kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý, tịch thu. 

Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp từ các quán ăn cơm bụi “di động” trên vỉa hè.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Viện phó Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, trong 36 ca bệnh tiêu chảy cấp vào điều trị tại Viện thì có tới 18 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Những bệnh nhân này chủ yếu sống ở các quận nội thành của Hà Nội và phần lớn đều sử dụng thức ăn đường phố. Có bệnh nhân chỉ ăn một quả mận cũng bị tiêu chảy, có bệnh nhân lại ăn thịt chó, mắm tôm.

Qua điều tra dịch tễ ban đầu về nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp cho 144 trường hợp của Hà Nội, trong đó có nhiều ca đã được xác định nhiễm phẩy khuẩn tả từ ngày 13/6 đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Có đến 60,5% bệnh nhân do ăn thịt chó kèm rau sống, mắm tôm; 6% do ăn bún ốc; 30% không rõ nguyên nhân và 9% do các nguyên nhân gây bệnh khác.

Đặc biệt, trong ngày 5/7 có 5 trường hợp bị tiêu chảy cấp có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả vào nhập viện tại 2 quận Đống Đa và Hoàng Mai đều liên quan đến việc ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống.

Người dân vẫn thờ ơ với… dịch

Tuy các chuyên gia y tế, ngay cả Bộ Y tế cũng khuyến cáo nguy cơ tái bùng phát dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả đang đến rất gần, người dân phải tuyệt đối không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố… nhưng để thực hiện khuyến cáo đó không hề dễ dàng.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 8/7, nhiều người tiêu dùng, người kinh doanh vẫn rất thờ ơ với dịch tiêu chảy cấp. Thức ăn đường phố vẫn trong cảnh "cha chung không ai khóc", không che đậy rất mất vệ sinh. Các quán ăn xung quanh các bệnh viện - là nơi đặc biệt yêu cầu đảm bảo giữ gìn vệ sinh thực phẩm cho cả người nhà và bệnh nhân thì lại trở thành nơi "báo động đỏ" về vệ sinh thực phẩm với những nguy cơ từ các quán ăn vỉa hè. 11h15', trước cổng Bệnh viện Việt Đức, người nhà các bệnh nhân toả ra từ bệnh viện đi ăn cơm và mua cơm hộp. Ngay trên vỉa hè, ba bốn cửa hàng cơm bụi di động, thức ăn, đồ uống đều để trực tiếp xuống đất, nơi lúc nào cũng ùn tắc giao thông vào giờ trưa. Cạnh hộp thức ăn là một chiếc chậu để đổ các thức ăn thừa. Người ngồi ăn la liệt, chẳng ai quan tâm đến bệnh tiêu chảy cấp đang tái bùng phát.

Sở Y tế Hà Nội vừa ra thông báo, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra nguồn nước tại các nhà máy nước; kiểm tra nguồn thịt gia súc và các cửa hàng bán thịt gia súc sống-chín, đặc biệt là thịt chó, nếu không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo vệ sinh sẽ bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, ngay tại nhiều quán "cầy tơ", dù thời tiết nắng nóng nhưng thịt chó chín vẫn bầy ngoài vỉa hè bụi bẩn. Tại một quán thịt chó trên đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thực khách vẫn sử dụng mắm tôm, rau sống như chẳng có dịch bệnh.

Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng phải chính là người tự quyết định sức khoẻ của mình, hãy ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chọn lựa thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh. Chính quyền và cơ quan y tế các địa phương phải làm hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm, đừng để xảy ra tình trạng như hiện nay.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, bệnh tiêu chảy cấp đã lan ra 14/29 quận, huyện, trong đó quận Đống Đa đứng đầu với 27 trường hợp mắc; quận Hoàng Mai với 19 trường hợp. Cá biệt có vụ 8 người cùng ăn thịt chó thì 6 người bị tiêu chảy cấp phải nhập viện.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.
.