Nguời dân trở lại các Thành phố sau kỳ nghỉ lễ: Nhà xe nhồi nhét khách, nhiều tuyến đường ùn tắc

Thứ Năm, 02/05/2013, 09:10
Không chỉ bị nhồi nhét trên những chuyến xe trở về các Thành phố sau kỳ nghỉ lễ, mà theo phản ánh của nhiều người dân, họ còn bị nhà xe thu giá cao hơn nhiều lần giá quy định.

Ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài (5 ngày) nên lượng người có nhu cầu đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tăng cao hơn thường ngày. Biết được quy luật, rất nhiều người đã chủ động trở về TP Hồ Chí Minh sớm hơn 1 ngày (ngày 30/4) nhưng vẫn không thể thoát khỏi nỗi khổ kẹt xe giữa trời nóng nực. Sang đến chiều 1/5, cơn mưa chiều kéo dài hàng giờ đồng hồ càng khiến cho tình áp lực giao thông tại các cửa ngõ thành phố trở nên nặng nề.

Theo thống kê của Bến xe Miền Đông, dịp lễ năm nay bình quân mỗi ngày bến xe phục vụ khoảng 36.000 hành khách, trong đó cao điểm là ngày 26/4 với 41.000 lượt khách. Còn về giao thông đường thủy, tại khu vực các bến phà như Bình Khánh, Cát Lái, ngày cao điểm nhất, lượng khách qua lại đã đạt con số kỉ lục: 82.000 lượt người xe (phà Cát Lái). Do đó, tính trên địa bàn toàn thành phố, đã có hàng triệu lượt người, phương tiện lưu thông ra - vào trên tất cả các cửa ngõ dẫn vào thành phố trong những ngày nghỉ lễ này. Vì vậy, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng diễn ra ở thời điểm kết thúc đợt nghỉ là điều không thể tránh khỏi.

Cũng trong ngày 30/4, khoảng 60.000 hành khách đi phà Bình Khánh từ Nhà Bè về huyện Cần Giờ, tăng gần gấp ba lần so với ngày thường. Bến phà đã huy động toàn bộ các phà 200 tấn, 100 tấn và 60 tấn chở khách, nhưng hành khách đi xe gắn máy và người đi bộ phải chờ ít nhất 15 - 20 phút; ôtô phải xếp hàng chờ hơn 30 phút mới lên được phà.

Tại Bến xe Miền Tây, ngày 30/4, do lượng khách từ các tỉnh miền Tây chưa đổ về sớm nên giao thông khu vực này diễn ra bình thường. Nhưng sang đến chiều 1/5, đặc biệt là ở khoảng thời gian từ 16h trở đi, lượng xe khách từ các tỉnh, thành miền Tây ùn ùn kéo về khiến cho giao thông khu vực này bị ùn ứ kéo dài.

Chiều tối 1/5, khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc là nơi có diễn biến giao thông phức tạp nhất trong tất cả các cửa ngõ dẫn vào thành phố. Xa lộ Hà Nội đoạn qua cầu vượt Bình Phước, Suối Tiên chịu áp lực giao thông nặng nề. Các xe ben, xe tải, xe khách nối đuôi nhau xếp thành hàng dài. Một số xe bus chạy lấn sang cả làn đường dành cho xe gắn máy cũng khiến cho giao thông này trở nên không thể nhúc nhích. Cơn mưa kéo dài hàng tiếng đồng hồ vào đầu giờ chiều 1/5 tuy không khí dịu hơn đôi chút nhưng lại làm cho con đường trở nên bẩn thỉu, nhem nhuốc. Nhiều người không chịu được khói bụi phải cho xe tấp vào lề đường để ngồi nghỉ ngơi. “Biết thế này, chúng tôi đã về sớm hơn một vài ngày cho đỡ khổ. Thằng bé thế nào cũng bị ốm cho coi”, anh Biên, chở theo vợ và con nhỏ đi từ Phan Thiết về TP Hồ Chí Minh ngán ngẩm nói.

Tại Hà Nội, chiều 1/5, đường phố Thủ đô lại bắt đầu căng mình đón những chuyến xe từ khắp các tỉnh thành đổ dồn về. Cảnh sát giao thông đứng chốt trực hầu hết các tuyến đường trọng điêm song ùn ứ vẫn xảy ra cục bộ. 

Một trong những điểm nóng nhất trong buổi chiều 1/5 phải nhắc tới Bến xe Mỹ Đình. Mặc dù đã dành hẳn một con đường khá thoáng phía hông cho xe vào bến nhưng hàng chục xe ở các tỉnh cùng trả khách khiến cả khu vực này nhanh chóng tắc cứng. Rất nhiều hành khách không chịu được cảnh chôn chân ở quãng đường chỉ cách bến trăm mét đã tự mình cuốc bộ ra phía đầu đường Phạm Hùng.Tình hình cũng lộn xộn không kém ở phía cổng chính khi người người đều cố gắng thoát ra khỏi cảnh kín đặc. Đoạn vỉa phía mặt đường chính của bến xe thậm chí không còn một chỗ trống trong buổi chiều nay. Hàng dài xe máy, xe đạp của khách đến đón người thân đã khiến bãi gửi xe phía trong sân quá tải và tràn cả ra đầu đường.

Cảnh sát giao thông nỗ lực giải quyết một điểm ùn tắc bên ngoài Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chiều 1/5. Ảnh: Thanh Huyền.

Không chỉ bị nhồi nhét trên những chuyến xe trở về Thủ đô, mà theo phản ánh của nhiều người dân, họ còn bị nhà xe thu giá cao hơn nhiều lần giá quy định. Cụ thể, nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội - Phủ Lý đều phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định, Ninh Bình vì nếu không nhà xe sẽ không chịu chở. Thậm chí, rất nhiều hành khách tuyến Thái Bình, Phú Thọ, Nghệ An,... về Hà Nội còn phải chịu cảnh hậm hực vì mắc bẫy nhồi nhét khách của chủ xe. Thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho hay, lượng khách về bến vào cùng một thời điểm và vượt tới 170 – 180% so với ngày thường, xe buýt không vận chuyển hết được số khách đang có mặt tại bến Gia Lâm. Ngoài ra, đến thời điểm này, lãnh đạo Bến xe Gia Lâm, Bến xe Giáp Bát vẫn chưa nhận được phản ánh về tình trạng thu vé cao hơn so với quy định của các xe khách. Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết: “ Trong quá trình đi lại bằng xe khách dịp này, người dân phát hiện doanh nghiệp xe khách nào thu giá vé sai so với niêm yết, đồng thời bắt chẹt và nhồi nhét hãy phản ánh ngay đến lãnh đạo bến xe qua đường dây nóng trên, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc”. Vị này nhấn mạnh thêm: Chậm nhất đến trưa ngày 2/5, Công ty sẽ gửi thông báo đến các cơ quan thông tin về việc xử lý tình trạng thu sai giá vé và có các biện pháp “răn đe” đối với các hãng xe

Vũ Quang - Ngọc Vẹn - Thanh Huyền
.
.
.