Người dân mong “thoát kiếp bì bõm” từ dự án chống ngập tiền tỷ
Gần đây nhất là cô sinh viên Đinh Thị Phương Thảo (22 tuổi, quê quán Bình Định) bị nước cuốn trôi, chết ngạt tại khu vực KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ vì cống thoát nước nhỏ ngăn dòng chảy gây tràn đường cuốn trôi xe máy.
Ngập nặng vì công trình thi công chặn dòng chảy
Trong cơn mưa lớn với vũ lượng lên đến 68mm, nhiều tuyến đường khu vực bùng binh Cây Gõ (quận 6, quận 11) bị ngập nặng và sâu hơn 50cm làm hàng ngàn phương tiện bị chết dí hơn 2 giờ đồng hồ. Chúng tôi ghi nhận, khu vực này nhiều năm nay đã là “rốn ngập”, lại bị đơn vị làm cầu vượt thép qua bùng binh Cây Gõ trong quá trình thi công gây bít lỗ cống thoát nước nên ngập nặng càng thêm nặng. Hàng trăm hộ dân buôn bán tại khu vực đường Dương Tử Hàm, Trang Tử, Trần Hưng Đạo B (quận 5) nhiều năm nay đau khổ chỉ vì cứ mưa là ngập. Bác Nguyễn Thanh Tòng (65 tuổi) than thở: “Mưa lớn trong khi đó đường thoát nước lại quá nhỏ nên quá tải làm nước không tút kịp nên nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn xô chậu, cứ mưa lại ì ạch tát nước!”.
Những công trình thi công bít dòng chảy làm các tuyến đường ngập nặng. |
Bị ảnh hưởng lớn nhất phải là các hộ dân trên đường Hồng Bàng, Lò Siêu, Minh Phụng, An Dương Vương, Tân Hòa Đông (quận 6) Lạc Long Quân - Cầu Tân Hóa, Âu Cơ, Khuông Việt, Đồng Đen, Phạm Phú Thứ, Lũy Bán Bích (Tân Bình). Những tuyến đường này bị ảnh hưởng bởi công trình thi công lắp đặt cống hộp đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm làm dòng chạy bị chặn gây ngập. Nhiều đoạn đường nước dâng cao 40-60cm và diễn ra thường xuyên. Mặc dù trạm bơm Phú Lâm hoạt động tích cực nhưng dòng chảy bị cản nên không phát huy được hiệu quả. Riêng khu vực trước Bến xe Miền Tây (Bình Tân) cứ hễ có mưa là nước dâng trên một diện tích gần 10.000m2 chỉ vì lý do đoạn đường này bị trũng nên nước từ các nơi đổ dồn về.
Trở lại khu vực đường nội bộ vào Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, con đường nơi hai sinh viên bị nước cuốn trôi làm Đinh Thị Phương Thảo thiệt mạng, chúng tôi ghi nhận khu vực này như một vùng trũng, nước từ khắp nơi đổ về đây. Trong khi đó cống thoát nước tạm quá nhỏ nên nước tràn qua đường tạo thành vùng nước xoáy nguy hiểm. Sau sự cố, hàng rào, barie, đèn chiếu sáng được dựng tạm nhằm cảnh báo những người lưu thông qua đây khi trời mưa lớn.
Trả lời báo chí, ông Lê Cảnh Dần, Trưởng Ban quản lý dự án Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết, tuyến đường này chưa thi công hoàn chỉnh là do dự án cải tạo Suối Nhum chưa hoàn tất vì để thực hiện được dự án này còn liên quan đến một số hạng mục của TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Vì vậy giải pháp trước mắt là gắn các hệ thống cảnh báo và cắt cử người trực gác khi mưa lớn xảy ra.
Dân chờ hiệu quả từ những dự án tiền tỉ
Mặc dù cứ mưa là ngập nhưng theo báo cáo của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, sau hai năm thực hiện chương trình giảm ngập, các đơn vị thuộc Sở đã xóa được 40/58 điểm ngập trên địa bàn TP. Xuất phát từ tình hình “cứ mưa là ngập”, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận tạm ứng hơn 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thực hiện các dự án chống ngập nước trong năm 2013. 40 tỷ này sẽ được dùng cải tạo hệ thống thoát nước ở các tuyến đường thuộc quận 5, quận 6 và quận 11. Các công trình này phải hoạt động cụ thể như: khơi thông kênh rạch, sửa chữa cống, hầm ga để giải quyết 27 vùng ngập trong trung tâm.
Ngoài 40 tỷ tạm ứng từ ngân sách thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh còn yêu cầu các sở, ngành tạm ứng 30 tỷ để đẩy nhanh tiến độ thi công bờ kè chống ngập, chống sạt lở ven sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức. Không dừng lại ở đây, UBND TP Hồ Chí Minh vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung 2 dự án chống ngập (cống kiểm soát triều Vàm Thuật với tổng mức đầu tư 407 tỷ đồng),và cống kiểm soát triều rạch Nước Lên (406 tỷ đồng).
Không phủ nhận công tác giải quyết ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và các ban, ngành trong thời gian qua, bởi rất nhiều công trình cải thiện được các điểm ngập tại một số tuyến đường trên địa bàn các quận, huyện. Gần đây Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND các quận, huyện nạo vét 495km cống, 27.645 hầm ga, thay 1.095 nắp hầm ga trên địa bàn. Trung tâm chống ngập cũng đã nạo vét 4.903km cống, thay 1,6km cống có nguy cơ sụp, sửa chữa 9.287 hầm ga, 7.615 miệng thu nước, 425 máng lưỡi, thay 6.548 nắp hầm ga, triển khai lắp đặt 615 van ngăn triều, nạo vét, khơi thông dòng chảy 178 tuyến kênh, rạch và cửa xả với tổng chiều dài trên 29km góp phần cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường.
Trong buổi sơ kết 2 năm chống ngập của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Nhiệm vụ chống ngập là nhiệm vụ cấp bách, nhưng giải quyết ngập như thế nào để đạt được hiệu quả thì trước tiên phải ưu tiên cho các đề án và phương pháp khoa học có hiệu quả cao”