Người dân miền Trung: Nặng nỗi lo trước mùa lũ

Thứ Hai, 22/07/2013, 08:54
Hằng năm, mỗi mùa mưa lũ, người dân các tỉnh ở dải đất miền Trung đều phải hứng chịu những tổn thất rất lớn về người và của.

Sau trận lũ lịch sử tháng 10/2011 ở các tỉnh Bắc miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 716/QÐ-TTg về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và ven biển miền Trung. Sau đó, các bộ, ngành, phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... thí điểm xây dựng 700 chòi tránh lũ (CTL) cho các hộ dân nghèo.

Quảng Bình, địa phương hằng năm phải hứng chịu những tổn thất rất lớn từ lũ lụt. Sau khi có chủ trương của Chính phủ, Quảng Bình tiến hành xây dựng thí điểm 100 CTL cho các hộ nghèo ở hai xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Quảng Tiên (huyện Quảng Trạch). Hiện nay, những ngôi chòi tránh lũ đã giúp người dân chủ động trong việc phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi mùa mưa lũ đến. Xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh có 50 hộ gia đình nghèo được hỗ trợ xây dựng CTL. Tân Ninh là vùng đất trũng nằm liền kề bên phá Hạc Hải, nên thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề qua các mùa mưa lũ. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm nông, do đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. 

Chòi tránh lũ chắc chắn của gia đình chị Nguyễn Thị Vy, ở thôn Vinh Quang, xã Quảng Tiên, Quảng Bình.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng, tùy theo phong tục tập quán, từng địa phương đã tự tổ chức thiết kế mẫu chòi phòng tránh lũ, lụt phù hợp, sau đó giới thiệu rộng rãi để người dân tham khảo, lựa chọn. Mỗi CTL được hỗ trợ không quá 30 triệu đồng. Trong đó mỗi hộ được ngân sách trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng, và vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng, còn lại địa phương huy động các nguồn vốn khác và đóng góp của hộ gia đình. Nhờ chủ trương nhân văn, rất hợp lòng dân nên chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, mặc dù ngân sách trung ương và cho vay vốn ưu đãi được 14 tỷ đồng, nhưng các địa phương đã tích cực huy động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng và đóng góp của bản thân các hộ gia đình được hơn 14,31 tỷ đồng, nhờ vậy đã có 700 CTL được xây dựng xong.

Trong quá trình tìm hiểu về mô hình CTL ở các tỉnh miền Trung hầu hết người dân cũng như lãnh đạo các địa phương chúng tôi gặp đều khẳng định, chủ trương triển khai xây dựng CTL của Thủ tướng Chính phủ rất được người dân ủng hộ và đã giúp đỡ hàng ngàn người dân yên tâm trước mùa mưa lũ, ông Lê Văn Hoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Quảng Tiên, Quảng Trạch, Quảng Bình cho hay: Chương trình đã giúp đỡ các hộ nghèo ở vùng bị ngập lụt cải thiện được nhà ở, nâng cao điều kiện an toàn phòng tránh lũ lụt.

Đặc biệt, với nguồn kinh phí để xây dựng chòi tránh lũ dựa trên nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” đã phát huy được sức mạnh tập thể, tinh thần đại đoàn kết trong nhân dân và các tổ chức hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông dân. Chương trình hỗ trợ CTL cho các hộ nghèo có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Vì vậy, khi triển khai xây dựng, hầu hết CTL có chất lượng, đã đáp ứng yêu cầu của Bộ Xây dựng. 100% số chòi được xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn tránh lũ ở mức ngập lụt từ 1,5 m đến 3,6 m, nhiều công trình có tính kiên cố cao nên có thể chịu được bão lớn.

Bí thư Ðảng ủy xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ông Nguyễn Hữu Ðông nói: "Nếu xét trên bình diện rộng thì hàng trăm hộ gia đình ở đây đều phải làm kiểu nhà này. Bởi nó có nhiều tiện ích như cất giữ được lương thực, thực phẩm và vật dụng gia đình an toàn, không lo bão giật đổ và nước lên, kể cả cấp gió lớn nhất. Người và gia súc tránh lũ được tại nhà. Chỉ mong nhà nước sớm nhân rộng mô hình này".

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, mô hình chòi phòng tránh lũ, lụt được xây dựng có nhiều ưu điểm nổi trội so với các mô hình khác vì tính thực tiễn cao. Chẳng hạn bên cạnh việc dùng để phòng tránh lũ, lụt thì bà con còn có thể sử dụng để ở, cất giữ đồ đạc. Chất lượng công trình được làm tốt và tất cả các chòi phòng tránh lũ, lụt đều được xây cao có sàn vượt mức ngập cao nhất tại nơi xây dựng

Dương Sông Lam
.
.
.