Người cựu chiến binh sâu nặng nghĩa tình với đồng đội

Thứ Tư, 29/07/2015, 10:04
Ông Vũ Viết Nhị (71 tuổi, quê xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khi còn trong quân ngũ. Năm 1983, sau gần 20 năm vào sinh ra tử ở chiến trường Bình – Trị - Thiên và làm nhiệm vụ quân sự ở Thủ đô Hà Nội, ông được Đảng, Nhà nước cho về nghỉ hưu. Song từ đó tới nay, ông vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ việc đi tìm hài cốt đồng đội…

Tình cờ gặp ông Nhị ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 một ngày tháng Bảy, đông đúc người vào viếng mộ, tôi để ý ở nghĩa trang này hầu hết mọi người đều quen biết ông. Họ đến bắt chặt tay ông thân thiết và nồng ấm.

Ông bước đi chầm chậm qua từng hàng mộ chí, thắp lên từng ngôi mộ nén nhang thơm tưởng nhớ đồng đội đang yên nghỉ giấc ngủ nghìn thu. Chợt ở một khu mộ cạnh đó có người gọi to tên ông: “Bác Nhị! Bác vào bao giờ thế?! Cả nhà cháu đang ở mộ của bố cháu đây này!”. Ông quay sang và bước nhanh tới gặp mặt mọi người trong nỗi vui mừng khôn xiết. Ông cho biết, họ là thân nhân của liệt sĩ Lê Xuân Quyền (SN 1940, quê Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Tây), cùng đơn vị với ông – Trung đoàn 36, Sư đoàn 308.

Cựu binh Vũ Viết Nhị thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Ngày 9/4/1972, chiến sĩ Quyền đã cùng với đồng đội, từ căn cứ Gio An, Gio Linh (Quảng Trị) tiến đánh vào Đông Hà (Quảng Trị). Sau mấy ngày đêm bám sát trận địa, kiên cường chiến đấu, tiêu diệt hàng trăm tên giặc, phá hủy nhiều xe tăng và khẩu pháo của chúng, đến ngày 12/4, chiến sĩ Quyền và 26 đồng chí khác của đơn vị đã anh dũng hy sinh. 

Sau giải phóng, đơn vị của ông Nhị về đóng quân tại Xuân Mai, Hà Nội; ông được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy, dẫn đường cho lực lượng vào Quảng Trị tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 1976 đến 1978, Trung đoàn của ông đã tìm thấy, cất bốc được hàng trăm bộ hài cốt của đồng đội. Riêng 27 bộ đội của đơn vị chiến đấu, hy sinh, trong đó có đồng chí Quyền, đến cuối năm 1978 mới tìm thấy và cất bốc được tại khu vực cây đa Mỹ Hòa, thôn Mỹ Hòa, xã Cam An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Các hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 308 và nhiều sư đoàn khác được an táng, yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ km5 quốc lộ 9, Đông Hà, Quảng Trị.

Sau này, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương có chủ trương xây dựng nơi đây thành Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, mộ liệt sĩ ở đây đã được các lực lượng chức năng liên quan quy tập, sắp xếp lại cho khang trang, ấm cúng. Tuy nhiên, quá trình an táng và khắc lại tên bia, đơn vị chức năng đã khắc tên liệt sĩ Lê Xuân Quyền (quê quán Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, hy sinh ngày 12/4/1972 tại Đông Hà, Quảng Trị) nhầm thành Nguyễn Xuân Quyền (với địa chỉ quê quán, đơn vị, ngày tháng hy sinh như trên). Chiến tranh ác liệt, sự sống như hạt gạo trên sàng; đồng đội hàng trăm hàng nghìn người, thường chỉ kịp nhớ tên nhau, chứ mấy ai có thời gian trò chuyện, tìm hiểu để nhớ đủ cả tên họ, quê quán.

Sau nhiều năm tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Quyền nhưng không tìm thấy, mãi tới cách đây 3 năm, con trai và con gái của liệt sĩ, là anh Lê Xuân Tuyển (53 tuổi, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam), chị Lê Thị Dung (45 tuổi, giáo viên tiểu học Trường Nam Phương Tiến B, Chương Mỹ, Hà Tây) tìm thấy thông tin ở một ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 giống với thông tin về người bố của mình. Từ thông tin này cộng với sự giúp đỡ tận tình của ông Nhị, liệt sĩ Nguyễn Xuân Quyền được xác định chính là liệt sĩ Lê Xuân Quyền…

 Trở lại người lính già Vũ Viết Nhị, năm 1979, ông được điều động về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 đặc công trinh sát, Quân khu Thủ đô Hà Nội. Đến cuối năm 1983, sức khỏe yếu, ông được Đảng, Nhà nước cho về nghỉ mất sức quân đội, sau đó được hưởng chế độ bệnh binh hạng hai. Tuổi già, đau ốm thường xuyên song suốt hơn 30 năm qua kể từ ngày được về nghỉ ngơi, ông chưa bao giờ ngơi nghỉ việc đi tìm hài cốt đồng đội của mình. 

Cứ mỗi lần cùng với thân nhân các liệt sĩ ở các tỉnh, thành miền Bắc vào Quảng Trị, ông lại ngược xuôi khắp nơi, từ Đường 9 Nam Lào cho tới các vùng Đông Bắc Hải Lăng, thị xã Quảng Trị… để tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Và, lần nào cũng vậy, ông thường tìm thấy, cất bốc được ít nhất 2 đến 3 hài cốt của đồng đội mình. Ông bảo tôi, tìm lại được hài cốt đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh là sự tri ân, niềm hạnh phúc thiêng liêng không có gì sánh nổi của những người đang sống trong hòa bình!...

Phan Thanh Bình
.
.
.