Người của cổ vật Óc Eo

Thứ Hai, 07/06/2010, 18:29
Người ta gọi anh là "nhà văn hóa nông dân" vì anh là một anh Hai lúa chính gốc, người đam mê sưu tầm cổ vật Óc Eo như "hóa dại". Từ nhỏ đã thích đồ cổ, đọc sách về văn hóa vùng miền, thế rồi bị văn hóa Óc Eo hút hồn. Anh là Tạ Mân, hiện sống cùng vợ con trong ngôi nhà, cũng là bảo tàng cá nhân, tọa trên khu đất ở ấp Tràng Thọ, thị trấn Thốt Nốt, Cần Thơ.

Người nông dân mê cổ vật

Anh Mân mê đồ cổ từ năm 15 tuổi. Khi đó anh còn ở Long Xuyên (An Giang), trong vùng có một ông lão chuyên mua bán đồ cổ. Anh đến nghiêng ngó xem. Sau ông chủ đó mới chỉ cho vài "đường" về cách nhìn nhận đồ cổ. Chẳng bao lâu Mân quen dần với các dòng Hán tự. Học hết cấp III, Mân ở nhà mưu sinh, lấy vợ, chuyên mua bán đồ cổ làm kế sinh nhai. Anh rong ruổi khắp các vùng miền biên giới Tây Nam, vùng Nam Bộ rồi miền Trung, gặp gì cũng mua bán, trao đổi.

Anh tâm sự: "Mới đầu, tôi thích gốm sứ Trung Quốc, chén Lâm Quế, đồ cổ Bát Tràng của ông nội để lại. Tôi thường lấy những món đồ ấy ra lau chùi hàng ngày, càng nhìn càng thấy mê. Từ đó, tôi bỏ công nghiên cứu và sưu tầm đồ cổ".

Lúc đầu, khi thấy anh đi mua về những cái chén cổ, không ít người thắc mắc: "Không biết tay này có bình thường không, sao lại bỏ tiền ra mua những cái chén cũ mèm về để trong nhà?". Thậm chí, có người còn cho là anh "hâm", bởi vì nghe ở đâu có đồ cổ, xa cách mấy anh đều "mò" đến đó xin xem. Nếu thấy món đồ nào mà chủ nhà muốn bán, anh tìm mọi cách để mua cho bằng được. Càng sưu tầm, hiểu biết, anh càng thấy say mê, thèm khát đồ cổ.

Cho đến một ngày, anh nghe người ta mách ở ấp Ba Thê (Vọng Thê - Thoại Sơn - An Giang) có một ông già đào ao, được một bức tượng bằng đá sa thạch. Anh Mân trước đó đã đọc nhiều sách về văn hóa Óc Eo, nay mới được thấy hiện vật đầu tiên. Anh sung sướng vô cùng, liền hỏi mua. Ông già đào ao phát giá rất cao, bằng cả tài sản của Mân lúc bấy giờ. Nhưng không thể bỏ, Tạ Mân quyết định về nhà bán vườn rồi mang tiền đến rinh tượng về nhà. Đó là bức tượng Visnu bằng đá sa thạch, có niên đại vào thế kỷ thứ VII, cao 1,5m, nặng 90kg. Bức tượng được đặt trang trọng trong ngôi nhà "bảo tàng" của mình gần 20 năm nay.

Anh Tạ Mân bên một cổ vật.

Khi đã "bén duyên" với cổ vật Óc Eo thì anh cũng mua được nhiều món quý hiếm như bộ binh khí thờ cúng thời tiền Óc Eo gồm 8 món: cung, rìu có cán, dao găm, dao có vân, đinh ba… làm bằng 8 loại đá khác nhau, được gọt đẽo tinh xảo, kỳ công. 4 năm sau khi mua được tượng Visnu, anh Mân được người dân ở Thoại Sơn (An Giang) báo tin phát hiện được một con bò đá nặng 200kg ở thế kỷ thứ 8 vẫn còn nguyên vẹn trong lòng đất.

Sau đó không lâu anh lại gặp và mua tượng Ganesa mình người đầu voi, tóc chải bím rất đẹp, bên ngoài tượng được trát một loại nhựa cây đặc biệt. Sau khi mời một số chuyên gia đến xem, anh lặng người vì biết đó là chân dung một công chúa của vương quốc Phù Nam xưa, chất liệu bằng đá đen, nặng 40kg. Anh Mân đã dùng aceton để tẩy rửa rồi đốt cháy nhưng nhựa cây vẫn bám chặt vào tượng đá. Anh cũng có một bộ sưu tập mà triều đại nhà Hán tặng vương quốc Phù Nam. Đó là những con rùa bằng ngọc, dưới bụng khắc chữ "Phật" bằng Hán tự, rất đẹp, rất quý.

Khi tôi hỏi: "Anh cứ "khuân" tiền đi mua cổ vật, chị nhà có thắc mắc tại sao anh không chăm lo cho gia đình, mà cứ tốn kém vào chuyện không đâu?". Anh Mân lắc đầu: "Bà xã tôi ủng hộ tuốt tuột, lại còn hiểu văn hóa Óc Eo chẳng kém tôi nữa. Nói chung, bọn tôi là cặp thuận vợ thuận chồng". Nghe chồng nói thế, chị Xuân Đào chỉ cười tủm tỉm. Dù chị chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở, song kiến thức về cổ vật cũng như văn hóa Óc Eo khá sâu rộng.

Trong các cổ vật của nền văn hóa Óc Eo, anh Mân, chị Đào tâm đắc nhất là tượng thần Harihara, bằng đá, cao 1,55m, nặng 90kg ở vào thế kỷ thứ 7. Chị Đào cho biết: "Cách đây 14 năm, chồng tôi được một người bạn ở thị trấn Óc Eo giới thiệu mua tượng thần Harihara với giá 200 triệu đồng. Tượng này được một nông dân phát hiện khi đang cày ruộng. Phải nói rằng, từ khi có những cổ vật Óc Eo, gia đình tôi làm ăn ngày càng khấm khá. Tôi trồng 1ha xoài cát Hòa Lộc và làm thêm 5 công lúa, năm nào cũng trúng mùa cho lãi mỗi năm trên 250 triệu đồng".

Say đồ cổ nhưng anh chị vẫn cần cù với ruộng vườn. Chị Đào buôn bán tạp hóa tại chợ huyện Thốt Nốt để thêm tiền cho chồng đi "khuân" cổ vật. Gần như có được bao nhiêu vốn liếng trong tay anh chị đều để dành cho việc sưu tầm cổ vật Óc Eo. Với mục đích góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, tránh để cổ vật quí hiếm của Óc Eo bị thất thoát ra nước ngoài, cho nên, anh chỉ có mua vào trưng bày mà không bán ra. Dù người nước ngoài trả với giá rất cao. Anh Mân tâm sự rằng: "Với cổ vật Óc Eo, càng tìm hiểu nhiều, tôi càng thấy thiếu. Lúc đầu nghe tiếng Óc Eo, tôi tưởng đơn giản, nghĩ đồ Óc Eo chắc cũng đơn giản vậy, nào ngờ văn hóa Óc Eo bao la không tưởng tượng nổi".

Gìn giữ hình ảnh văn hóa xưa

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào ngôi nhà của Tạ Mân là bức tượng thần Harihara, bằng đá, cao 1,55m, nặng 90kg, có niên đại vào thế kỷ thứ 7. Kế đó là tượng đồng Hejvara (Ấn Độ) vào thế kỷ thứ 15; tượng Phật Quan Âm 10 đầu, 20 tay, cao 1,1m, nặng 25kg; cặp tượng Ganesa đang quỳ trên bộ sử thi ở vào thế kỷ 13; tượng Linga được làm bằng đá hoa cương, trên tượng có mắt thần cao 7cm, ở vào thế kỷ thứ 10.

Đi vào bên trong, còn nhiều cổ vật quý khác như: tượng Champa, bình đất nung được phủ lên lớp nhựa cây vào thế kỷ thứ 13-14; bộ đá kinh sử và phù điêu đá có hình Đức Phật của nền văn hóa Ăngkor ở vào thế kỷ 17; tượng thần Apsara bằng đồng vào khoảng thế kỷ 10-12...

Vẫn có những vị khách hàng tháng đến gạ gẫm anh Mân bán cổ vật để họ "xuất" ra nước ngoài. Chỉ cần bán một trong số những bức tượng quý đó thì anh Mân đã có cả một ngôi nhà to chứ chẳng phải sống trong ngôi nhà nhỏ thế này. Nhưng anh là người sưu tầm, chỉ mua chứ không bán. Theo anh, đã bán cho người ta mang đi nước ngoài là mất. Mà anh thì mãi mãi không muốn điều đó.

Giờ, kể về những kỷ niệm trong những năm tháng đi mua cổ vật, anh Mân vẫn hì hụi tiếc một bức tượng Visnu 4 tay cách đây 6 năm. Nằn nì mãi người chủ món đồ ở Ba Thê (An Giang) không bán. Năm 2004, anh nhìn thấy hình ảnh bức tượng trên bìa Tạp chí Cổ vật tinh hoa mà lặng người. Bức tượng lúc đó bị gãy tay, anh Mân đã gắn lại đàng hoàng. Vậy mà vẫn không có duyên sở hữu.

Nhiều năm tháng bôn ba qua đi, anh Mân đã đúc kết ra nhiều kinh nghiệm nhà nghề. Có nhiều cách để nhận ra đâu là đồ giả, đồ thật. Anh giảng giải: "Tôi có mẹo để xác định đồ cổ. Đối với những loại có phủ một lớp nhựa cây bên ngoài, tôi dùng xăng rửa, tẩy hoặc đốt. Nếu trải qua tẩy rửa, đốt mà không thay đổi gì thì đó là đồ Óc Eo. Nếu cổ vật không có phủ nhựa cây thì phải dùng kính lúp để xem sự phong hóa của đá và nhiều rễ cây bám vào. Đồ giả cổ không thể có sự phong hóa của đá và rễ cây"

Diên Khánh
.
.
.