Người chống tham nhũng bị nhắn tin đe dọa “khủng bố"

Thứ Bảy, 14/01/2012, 11:36

Trong quá trình tố giác hành vi sai phạm tại Trường Trung cấp nghề thuộc Liên đoàn Lao động, TP Cần Thơ - nơi ông Nguyễn Văn Hiếu đang làm Phó Hiệu trưởng, ông Hiếu đã bị một đối tượng dùng điện thoại gọi điện, nhắn tin đe dọa “khủng bố”.
Người tố giác sai phạm bị trù dập?

Khi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Hiếu để tìm hiểu thêm về dấu hiệu tiêu cực liên quan đến hành vi lập “quỹ đen” tại Trường Trung cấp nghề thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ – nơi ông đang làm Phó Hiệu trưởng, chúng tôi mới biết thêm sự thật liên quan đến người từng công tác chuyên trách công đoàn 36 năm, từng được Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng tuyên dương toàn quốc...

Ông Hiếu cho biết, trước khi được tuyên dương, cụ thể vào dịp cận Tết Nguyên đán 2009, ông là Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Cần Thơ. Nhắc lại chuyện mình đã làm, ông Hiếu nhớ như in: “Vào lúc 8h ngày 21/1/2009, khi lãnh đạo LĐLĐ lên phát 250 phần quà cho công nhân lao động tại KCN ăn Tết, tôi nhận ra thái độ không hài lòng từ phía anh em do lãnh đạo nói phần quà trị giá 150.000 đồng nhưng bên trong túi quà quá đơn giản. Tôi mượn 1 phần quà của anh em rồi xuống chợ ngẫu nhiên mua 1 phần có mẫu mã giống như thế thì chỉ có 90.000 đồng. Thấy dấu hiệu bất thường, 14h cùng ngày, tôi thay mặt cho Ban thường vụ Công đoàn KCN kiến nghị vấn đề về Thường trực Thành ủy”.

Kết quả xác minh sau đó xác định phần quà đã bị xén, giá trị thật chỉ còn 90.000 đồng; tính ra tổng lượng quà Tết năm đó được phát ra từ LĐLĐ TP, giá trị bớt xén là 19 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, sau những bê bối này, từ các kiến nghị của ông Hiếu, cơ quan thẩm quyền của TP. Cần Thơ đã tiếp tục kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tài chính nghiêm trọng hơn xảy ra ở LĐLĐ TP Cần Thơ, trong đó có chuyện cho cá nhân tạm ứng 435 triệu đồng tiền ủng hộ nạn nhân sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ mang đi gửi tiết kiệm lấy lãi, tiêu xài cá nhân. Đoàn kiểm tra đã buộc LĐLĐ xuất toán trên 1,46 tỷ đồng… Nhiều cán bộ bị kỷ luật.

PV Báo CAND trò chuyện cùng ông Hiếu.

Trong quá trình tố giác hành vi sai phạm, ông Hiếu bị một đối tượng dùng điện thoại gọi điện, nhắn tin đe dọa “khủng bố”. Ông kể thêm: “Trong một lần đi dự Đại hội X Công đoàn Việt Nam ở Hà Nội, tôi nhận được tin đe dọa. Tôi phải báo động tình trạng khẩn cấp cho Ban tổ chức, lực lượng Công an để bảo vệ tính mạng của tôi và thân nhân tôi ở quê. Xong Đại hội, xe về tới Quảng Bình, tôi lại nhận được tin nhắn có nội dung đe dọa”.

Rồi sóng gió cũng đi qua. Sau những vụ việc mà có người ví giống như “trứng chọi đá” này, cùng với sự đồng thuận của nhiều người và dư luận báo chí, ông Hiếu được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tuyên dương trong đợt đầu tiên cùng với 14 cá nhân khác.

Ông Hiếu cho biết hơn 1 năm sau ngày được tuyên dương về điển hình trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, ngày 7/9/2010, ông được luân chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cần Thơ. Về “ghế” mới nhưng ông Hiếu cho biết nhiều tháng liền ông chẳng được lãnh đạo Trường giao việc cụ thể. Ngày nào cũng như ngày nào, ông đến Trường, ngồi chơi… xơi nước rồi lại về.

Đến cuối năm 2010, khi  kiêm thêm chức vụ Chủ tịch Công đoàn thành viên của trường, ông có điều kiện tiếp cận đến thực tế không thể chấp nhận. Đó là Trường từng tồn tại nhiều khoản thu, chi lạ, chẳng theo quy định; nghiêm trọng nhất là việc bỏ ngoài sổ sách tiền thu hơn 21 khoản. BCH Công đoàn Thành viên không biết. Tôi thay mặt BCH Công đoàn thành viên đề nghị lập đoàn kiểm tra nội bộ để giải thích cho giáo viên nhà trường và rút kinh nghiệm thu chi, nhưng ông Hiệu trưởng Trường không chấp thuận mà báo cáo lên lãnh đạo LĐLĐ Cần Thơ. Sau đó, ông Hiếu cùng một số giáo viên của trường đề nghị LĐLĐ thành lập đoàn kiểm tra làm rõ vụ việc.

Kết quả kiểm tra sau đó, như Báo CAND đã phản ánh, sai phạm cũng được phơi bày. Lạ một điều là số liệu báo cáo giải trình của Trường khá khớp với nội dung kết luận. Khoản quỹ trái phép (để ngoài sổ sách) trên 400 triệu đồng; đơn vị quản lý các khoản thu, chi không đúng nguyên tắc; không có chữ ký của người nộp tiền và không có ký duyệt của lãnh đạo đơn vị; chỉ phân công cho thủ quỹ đơn vị theo dõi, ghi chép… Nhiều người không đồng ý với kết quả này do những lãnh đạo liên quan đến sai phạm không được chỉ ra; số tiền thu ngoài sổ sách – theo nhiều cán bộ, giáo viên có thể hơn 1 tỷ đồng.

Càng lạ hơn khi Trường là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng khi bị “tố” sai phạm tài chính lại được kiểm tra theo điều lệ của Công đoàn Việt Nam. Ông Hiếu và một số đồng nghiệp kiến nghị lên cấp trên phúc tra lại. Chẳng ngờ, chỉ mấy ngày sau, ông Hiếu bị lãnh đạo LĐLĐ Cần Thơ mời lên làm việc, yêu cầu viết bản kiểm điểm về hành vi thưa vượt cấp, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ…   

Nói về tháng ngày gian nan chống tham nhũng, ông Hiếu tâm sự: “Vợ chồng tôi có 2 con. Ông ngoại chúng nó là liệt sĩ. Hơn 36 năm gắn với công đoàn, tôi sắp trở về với vợ, với con và thân tộc là một người không đội trời chung với tiêu cực, sai phạm. Tôi vẫn tự hào khi mình vẫn đang mang trong mình bầu máu nóng nhiệt huyết của một đảng viên, thấm nhuần đạo đức, lý tưởng của Bác Hồ; luôn biết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thật thà khiêm tốn, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực; luôn thân ái, giúp đỡ đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ. Có dấu hiệu bị trù dập, bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng vừa qua nhưng tôi luôn vững trước sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi vẫn hy vọng rằng những người luôn đấu tranh chống tiêu cực không đơn độc…”

Thái Bình
.
.
.