Người bảo vệ dân phố với cái tâm cảm hóa những “mảnh vỡ” đời người

Thứ Ba, 19/11/2013, 20:25
Chúng tôi tìm đến với anh Đỗ Quang Hạnh, để được nghe anh tâm sự, chia sẻ về những khó khăn, vất vả và vai trò nòng cốt tại cơ sở của lực lượng Bảo vệ dân phố trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tại một địa bàn phức tạp như phường Thổ Quan.

Đã dành nửa đời người để gắn bó với công việc giúp lực lượng Công an đảm bảo tốt an ninh, trật tự trên từng khu phố hay mỗi xóm nhà, cái công việc mà mọi người thường gọi với cái tên trìu mến “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thì có lẽ nhận xét của một người dân trong khu phố dành cho anh - “đi quanh khu vực đường Khâm Thiên mà nhắc đến tên anh, thì ai cũng biết, ai cũng đều kính trọng”, đã là cả một phần thưởng cao quý. Đó là cựu quân nhân Đỗ Quang Hạnh, 51 tuổi, Tổ phó Tổ Bảo vệ khu dân cư, Tổ trưởng Tổ dân phố 60 phường Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội).

Chúng tôi tìm đến với anh Đỗ Quang Hạnh, để được nghe anh tâm sự, chia sẻ về những khó khăn, vất vả và vai trò nòng cốt tại cơ sở của lực lượng Bảo vệ dân phố trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tại một địa bàn phức tạp như phường Thổ Quan.

Phường Thổ Quan chỉ rộng 0,29km² nhưng có hơn 16 nghìn người cư trú, đa phần là dân lao động tự do, kinh tế chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, lại xuất thân từ nhiều nơi, mặt bằng dân trí lại không đồng đều đã dẫn đến tình hình an ninh, trật tự nơi đây tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hơn nữa, cũng nghe tiếng về anh nhiều là “khắc tinh” của tội phạm ma túy nơi đây.

Qua hình dung, chúng tôi cứ ngỡ anh phải là một thanh niên khỏe mạnh, hoặc là một người đàn ông đã đứng tuổi nhưng sức lực còn vạm vỡ lắm! Ai ngờ, khi tận mục sở thị, chúng tôi mới vỡ lẽ, anh mới ngoài 50 tuổi nhưng đã lù khù và ốm hom ở vẻ bề ngoài, lúc nào cũng mặc cái áo “bay” đã cũ theo thời gian nhưng vẫn tự tin lắm.

Và thật khác lạ, trái với vẻ bề ngoài, anh lại có giọng nói rất cuốn hút người nghe - giọng nói trầm trầm của một người đã trải qua quá nhiều sóng gió của cuộc đời và dày dạn kinh nghiệm sống. Và quả đúng là thực cuộc sống của anh luôn kèm theo 2 chữ “vất vả”. 5 tuổi thì bố mất, 10 tuổi thì mẹ anh qua đời vì bị trúng bom đạn của địch. 18 tuổi đi bộ đội, đến năm 1983 về tham gia công tác địa phương, rồi người dân tin yêu giao cho “chức” Tổ trưởng tổ dân phố; từ năm 2000 đến nay, anh kiêm công tác bảo vệ dân phố…

Với sự chân thành và tràn đầy nhiệt huyết, anh kể: “Mình luôn ý thức phát huy phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, nên đã tích cực tham gia, đóng góp sức mình cho công tác xã hội; rồi từ khi tham gia vào công tác phối hợp cùng với Công an phường truy bắt tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh, đến khi bắt được đối tượng phạm tội đầu tiên, dần dần thành ra “nghiện” lúc nào không hay! Vì vậy, mình luôn “máu” hoàn thành nhiệm vụ được giao…”.

Anh Đỗ Quang Hạnh đang động viên, thăm hỏi sức khỏe các cụ già trong tổ dân phố.

Cái nghiện mà anh nhắc đến ở đây, chính là cái tâm với “nghề” bảo vệ dân phố. Công an phường Thổ Quan cho biết, anh Hạnh luôn sẵn sàng phối hợp cùng Công an phường trong mọi mặt công tác; bất kể khi nào Công an phường cần, ngay cả khi đang đi chở khách, anh cũng đều thu xếp có mặt kịp thời để phối hợp cùng lực lượng Công an làm nhiệm vụ.

Anh đã phối hợp với lực lượng Công an phường bắt 7 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý vào năm 2011, 13 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý vào năm 2012. Qua gần 20 năm tham gia công tác tại địa phương, anh Hạnh đã được tặng thưởng trên 30 giấy khen, bằng khen các loại, trong đó, có 8 giấy khen do Công an TP Hà Nội trao tặng vì có đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự khu phố.

Vinh quang là thế nhưng quả thực công tác bảo vệ khu dân cư, Tổ trưởng tổ dân phố vẫn thật là việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nó được chứng minh khi chúng tôi đứng trước ngôi nhà anh Hạnh cùng gia đình đang sống.

Chỉ vỏn vẹn 8m² nhưng là nơi sinh hoạt của cả 4 thành viên trong gia đình anh, thu nhập bình quân 1 tháng của cả 2 vợ chồng khoảng 3 triệu đồng; thu nhập chính của gia đình là công việc lái xe ôm lúc được, lúc không của anh.

Khó khăn là thế nhưng anh vẫn vui: “Có lẽ, các con anh nó khôn sớm, vì bố làm Tổ trưởng tổ dân phố, kiêm bảo vệ khu dân cư nên 2 đứa đều ngoan, chăm lo học tốt, năm nào cũng được giấy khen…”.

Lúc anh nói, tôi vẫn thấy giọng anh mang một chút nghẹn ngào nhưng trên hết vẫn là niềm tự hào và cũng là niềm động viên lớn để anh vững bước vượt qua khó khăn, yên tâm tham gia công tác đảm bảo an ninh khu phố… 

Còn nhớ trường hợp anh Trần Quân, một người trước kia bà con lối xóm tổ dân phố 60 luôn tránh mặt với tâm lý tránh xa con nghiện, thì đến nay, anh Quân đã cai nghiện thành công, trở về với cuộc sống lương thiện và được gia đình, bà con lối xóm yêu thương, đùm bọc.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, mẹ anh Quân, tâm sự: Vợ bỏ, con thằng Quân cũng bỏ vào miền Nam làm việc, rồi bà con lối xóm xa lánh, cảnh giác với nó, nó như bị bỏ rơi, nhưng anh Hạnh thì lại khác. Cứ mỗi lúc rảnh anh lại đến chơi nhà, thăm hỏi, động viên, khuyên Quân đi cai nghiện, rồi hướng việc cho Quân làm ăn sinh sống. Làm rồi lại bỏ việc, tái nghiện.

Không nản chí, anh lại đến khuyên bảo Quân đi cai nghiện, ấy thế mà đã gần 20 năm. Đến giờ thì Quân đã khỏe mạnh, vui sống và đã theo con vào miền Nam tu chí làm ăn rồi!”.

Câu chuyện của người mẹ già gần 70 tuổi ấy, tràn đầy trong nước mắt, khi phải nhớ lại quãng thời gian khổ sở, kiệt cùng với đứa con trai nghiện, giờ đây đã vui hơn, hạnh phúc hơn và trong giọng nói của bà, chúng tôi biết, bà đang cảm ơn anh Tổ trưởng tổ dân phố 60 nhiều lắm!

Chia tay anh, chúng tôi học được một bài học trong đời, có lẽ làm bất kể công việc gì, dù đó là một cán bộ Công an, hay chỉ là một người lái xe ôm tham gia lực lượng bảo vệ dân phố thì cũng thực sự cần một cái tâm, gần dân, gắn bó với dân, với nghề, thì mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ

M.C.
.
.
.