Người Việt ở Nga không thể thiếu Báo An ninh thế giới

Thứ Năm, 17/08/2006, 09:16

Hữu xạ tự nhiên hương - Đấy là một chân lý không ai có thể phủ nhận. Báo ANTG ngay từ khi mới xuất hiện đã như một bông hoa lạ, sắc mầu lóng lánh. Cái “xạ” riêng biệt của ANTG hấp dẫn bạn đọc khắp các vùng miền trong nước, hơn thế nữa còn nhanh chóng lan tỏa tới cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới.

Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, tôi có may mắn được giao nhiệm vụ làm Trưởng Phân xã TTXVN tại Liên bang Nga. Trước khi lên đường bay sang đó, gọi điện cho bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng nhắn nhủ “nhớ mang mấy số ANTG mới nhất”.

Chủ đề của ấn phẩm này vô cùng phong phú và đa dạng, không chỉ phản ánh các vấn đề hiện tại, mà còn “khai quật” nhiều chuyện quá khứ, lật lại hồ sơ lưu trữ ở những nơi tưởng như đã quên và đề cập, dự đoán cả tới tương lai. Mỗi tuần ra một số với diện tích khiêm tốn 32 trang A4, chỉ bằng các tờ nhật báo 16 trang A3, hay 8 trang A2, nghĩa là hàng tuần chỉ bằng 1/6 hay 1/7 các báo khác, làm cho người đọc không đến nỗi quá mệt mỏi, ngán ngẩm, hay “bội thực thông tin”, mà có thể tiêu hóa hết từ đầu đến cuối; thậm chí nhiều thiên phóng sự dài kỳ của các tác giả đã thành danh như: Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, hay Đặng Huyền... còn làm cho độc giả phải nôn nóng ngóng chờ.

Là những người con xa xứ luôn đau đáu hướng về quê hương có mấy ai không quan tâm tới đời sống của đất nước. Ai chẳng muốn quê cha đất tổ luôn an bình, mau chóng giàu lên, mọi nhà, mọi người được ấm no hạnh phúc. Đồng bào mình ở Nga càng vui mừng bao nhiêu trước những thành tựu phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, thì càng đau xót bấy nhiêu về những chuyện tiêu cực như trong các vụ án Tân Trường Sanh và “tứ đại gia” buôn lậu quốc tế; hay Minh Phụng – EPCO đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước; trùm ma túy Vũ Xuân Trường và đồng bọn đã gieo rắc cái chết trắng, làm tan nát bao gia đình, chết dần chết mòn biết bao người... ANTG luôn căng mắt cảnh giác và kịp thời rung chuông cảnh báo trên tất cả các mặt trận an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - xã hội và vạch mặt bọn lừa đảo, gian dối, góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Là những người đang công tác, học tập và làm ăn sinh sống tại Nga, bà con ta cũng rất quan tâm tới mọi mặt của nước sở tại. Rõ ràng đây không phải chỉ là bản tính hiếu kỳ vốn có của con người, mà là cần thiết phải có sự hiểu biết về xã hội mình đang sống để có thể ứng xử đúng mực.

Chính những thông tin trên ANTG phản ánh về nước Nga hiện tại, về chân tướng của “thiết kế gia” Perestroika góp phần làm tan rã Liên Xô, về điện Kremli dưới thời cựu Tổng thống B.Yeltsin, về cựu Thủ tướng Nga Yevgeni Primakov, về bí mật phòng thủ Moskva, về Cục Tình báo quân đội Nga, về Học viện Đào tạo tình báo đối ngoại Nga, về bí mật đánh tráo dòng máu Nga hoàng, hay chuyện nhà bác học lừng danh Israel là điệp viên của tình báo Liên Xô, về những ngày tàn của trùm mafia Nga và châu Âu S.Mikhailov, về phiên tòa đầu tiên ở LB Nga xét xử tội phản quốc, về một Moskva xa và gần... đã giúp bà con mình hiểu biết hơn về xứ sở này, yêu mến hơn, cảm thông hơn với người Nga và càng hiểu rõ trách nhiệm đóng góp của mình trong sự nghiệp vun đắp tình hữu nghị và sự hợp tác với nước Nga, cũng như với cộng đồng các nước khác đang sinh sống tại Nga.

ANTG tăng lên mỗi tuần ra 2 kỳ nhằm cung cấp cho bạn đọc càng thêm nhiều kiến thức về tất cả những chuyện đông tây kim cổ, mà trong đó xuyên suốt là tính nhân văn - đức tính cao cả nhất của xã hội loài người; mỗi bài viết, mỗi dòng tin bảo đảm độ tin cậy, xác thực, không mơ hồ suy diễn; dù là tuần báo, song ANTG vẫn cố gắng bảo đảm tính thời sự kịp thời, điều mà bất cứ tờ báo nào cũng phải phấn đấu thực hiện.

Với bất cứ tờ báo nào cũng vậy, mọi cố gắng, mọi cách làm, mọi sự đổi mới... đều nhằm làm cho cái “xạ” của riêng mình trở nên đặc biệt, thu hút ngày càng đông bạn đọc. Từ khi hình thành cộng đồng người Việt tại Nga vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhu cầu về truyền thông, thông tin, báo chí ngày càng tăng, cả về số lượng cũng như chất lượng.

Cùng với hàng chục tờ “báo lá cải” do tư nhân xuất bản và phát hành, một số báo trong nước cũng được các tư nhân chuyển sang phát hành ở Moskva và nhiều thành phố khác. Đương nhiên giá đội lên rất đắt, chẳng hạn vào thời gian 1997-1998 tờ ANTG phải mua với giá tương đương 1,5 - 2 USD, chỉ những người rất yêu quý tờ báo này mới chịu mua với giá như vậy.

Với góc độ của người làm báo, rõ ràng khó chấp nhận thực trạng đó. Trao đổi với ông Lê Ngọc Hường, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Kinh tế thương mại quốc tế (TTKTTMQT) về nỗi băn khoăn này, chúng tôi đã nhanh chóng đi tới ý tưởng “Cần tổ chức hợp tác với Báo ANTG để in và phát hành đồng thời ấn phẩm này tại Nga”.

Qua trao đổi thư từ, không ngờ Nhà văn, Thiếu tướng Hữu Ước (khi đó còn là Đại tá), Tổng biên tập Báo ANTG cũng nhanh chóng hưởng ứng lời đề nghị của ông Lê Ngọc Hường. Là một đồng nghiệp và đã quen biết với Tổng biên tập Hữu Ước từ lâu, công tác ở Moskva cũng có quan hệ gần gũi thân thiết với ông Lê Ngọc Hường, nên tôi sẵn sàng nhận vai trò chắp nối, tổ chức hợp tác giữa TTKTTMQT với Báo ANTG.

Vì công việc quá bận, mãi 10/3/2001 Tổng biên tập Hữu Ước mới có thể thu xếp thời gian đi thăm Moskva và làm việc với TTKTTMQT. Được bộ chủ quản cho phép, Đại sứ quán nước ta tại Nga ủng hộ, từ giữa tháng 5/2001, tờ ANTG đã được in đều đặn và phát hành ở Nga đồng thời với trong nước. Từ đó tờ ANTG trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt ở Nga.

Cũng phải nói thêm rằng, tại Moskva hiện mới chỉ có điều kiện in trên máy nhân bản với số lượng chưa quá 1 nghìn bản/mỗi số báo, nên giá thành ANTG còn khá cao, nhưng dù sao phát hành tới tay người đọc cũng không quá 0,7 USD. Hợp tác xuất bản và phát hành tờ ANTG tại Nga trong hơn 5 năm vừa qua, cả lãnh đạo Báo ANTG cũng như TTKTTMQT hoàn toàn không phải vì lợi nhuận, mà chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất là ngày càng có nhiều người Việt ở Nga có thể mua và đọc tờ báo này

.
.
.