Người U Minh "khát" nước sạch

Thứ Ba, 12/04/2011, 18:35
Con kinh Lung Chùa chạy dài khoảng 5 cây số, chia cắt địa giới hành chính giữa ấp 3 và ấp 6 xã Khánh Lâm với ấp 5 xã Khánh Hội (U Minh, Cà Mau). Chỉ cách nhau con kinh chừng vài chục mét nhưng bên kia ấp 5, người dân có nước xài thoải mái, còn bên này sông, những ngày qua, người dân ấp 3 và ấp 6 phải chắt chiu từng đồng để mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ. Chuyện đã kéo dài liên tiếp cả chục năm nay…

Thẫn thờ ngồi nhìn lũ trẻ bên kia sông nô đùa, tắm giặt… Phó ấp 6 xã Khánh Lâm - ông Hữu Văn Minh, buồn bã: "Từ đầu mùa khô 2011 đến nay, mỗi tháng gia đình tôi tốn gần nửa triệu đồng để mua nước xài. Cứ 1 can (30 lít) giá 3.500 đồng, tính ra 1 khối là 116.000 đồng, 1 giạ lúa bán mua không đủ".

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán chừng 1 tháng, lu, khạp trữ nước mưa của hơn 400 hộ dân ấp 6 hầu như không ai còn nước. Nếu hộ nào khá giả mua được nhiều lu chứa nước, có thể cầm cự được thêm nửa tháng rồi cũng hết nước xài, phải bỏ tiền mua nước. Ấp 3 nằm liền kề với ấp 6, gần 200 hộ dân ở ấp này cũng chịu chung tình cảnh. Trưởng Ban nhân dân ấp 3 - Dương Thanh Bé, cho biết: "Nhà nào có việc hệ trọng đột xuất đi đâu cũng không quên dặn người nhà canh chừng "thương lái" đến để mua nước".

Là vùng ngọt hóa nên thu nhập chủ yếu của người dân ấp 3 và ấp 6 Khánh Lâm chỉ nhờ vào cây lúa. Do thiếu vốn sản xuất, tập quán canh tác còn lạc hậu… nên đời sống của nhân dân trong vùng còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thiếu nước sinh hoạt như thời gian qua càng làm tăng gánh nặng cho cư dân miệt rừng nghèo khó này. Không cam chịu cảnh thiếu nước, một số hộ khá giả ở ấp 3 và ấp 6 đã tốn hàng chục triệu thuê thầy thợ về khoan giếng nước. Vậy nhưng, những cố gắng của bà con đều vô nghĩa.

Ông Danh Văn Tài với giếng nước khoan xong, bỏ không.

Ông Danh Văn Tài cho biết: Giếng khoan của tôi và một số hộ dân trong ấp không xài được vì bơm lên toàn nước mặn, lại nhiễm phèn, mùi hôi khó chịu. Còn nước dưới kinh mương thì bị phèn, xả đồ thì được chứ không dám tắm, sợ nổi ghẻ".

Tìm hiểu nguyên nhân giếng khoan xong nhưng không sử dụng được, chúng tôi được cư dân vùng này cho biết do vùng đất không khoan được giếng nước ngọt vì mạch nước ngầm bị nhiễm phèn mặn. Để giúp nhân dân hai ấp nói trên giảm bớt khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt, thời gian qua chính quyền địa phương hỗ trợ hàng trăm bồn chứa nước (loại bồn chứa được 1 mét khối nước) cho hộ nghèo trữ nước mưa, chống hạn. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế vì nhiều hộ gia đình khó khăn, không mua được nhiều vật dụng, dụng cụ chứa nước… nên bước vào thời điểm khô hạn, lượng nước dự trữ trong mùa mưa chỉ đủ để sử dụng trong một thời gian ngắn

Công Minh
.
.
.