Ngư dân miền Trung hoan hỷ ngày đầu năm

Thứ Tư, 25/02/2015, 13:52
Những ngày đầu năm mới Ất Mùi 2015, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng tấp nập tàu cá vào ra. Từ tờ mờ sáng mùng 4 Tết, đã gần chục chiếc tàu cá TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… đầy ắp “lộc biển” về cập bến trong niềm vui khôn tả của ngư dân.

Đến sáng mùng 6 Tết, khi cầu cảng còn sáng đèn, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng nổi hồi còi dài chào cảng, hùng dũng rẽ sóng vươn khơi…

Cập bến từ sáng mùng 4 Tết và đến ngày hôm sau, tàu cá số BĐ 97089TS, công suất 600CV, của anh Huỳnh Di Tùng (33 tuổi, trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã bán sạch 7 tấn cá tươi ngon. Anh Tùng phấn khởi cho biết: Đã từng bám biến hàng trăm chuyến, song ít chuyến thuận lợi, năng suất cao như vừa qua.

Với 7 tấn cá bán được 350 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, ngư dân đi tàu mỗi người kiếm hơn chục triệu đồng, thu nhập cao ai nấy rất phấn khởi.

Hỏi về cảm giác của mọi người khi đón giao thừa trên biển khơi, anh Tùng chia sẻ: Với ngư dân đánh bắt xa bờ, việc đón giao thừa trên biển rất thú vị. Đúng thời khắc đất trời chuyển sang năm mới, ngư dân đi trên tàu quây quần bên nhau, uống rượu chúc mừng năm mới và hát vang mặt biển... Sáng mùng 2 Tết, từ vùng biển Hoàng Sa thân yêu, tàu trở về đất liền. Dự kiến, nghỉ ngơi ba bốn ngày, cỡ mùng 10 tháng Giêng, tàu trở lại với Hoàng Sa.

Neo đậu gần tàu cá anh Tùng, 9 ngư dân trên tàu QNg 98091TS, công suất 360CV, của ông Võ Lộc (ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng đầy ắp niềm vui khi họ trúng đậm “lộc biển”. Chỉ hơn 10 ngày bám biển, ngư dân tàu này đã đánh bắt được 10 tấn cá, trị giá 500 triệu đồng. Sau khi trừ các phí tổn, chủ tàu có nguồn thu 150 triệu đồng, ngư dân mỗi người 22 triệu đồng. Nói về chuyến biển đầu năm, ngư dân Huỳnh Thông cho biết: “Chuyến biển chỉ hơn 10 ngày mà có trong tay hơn 20 triệu đồng nên ai nấy đều phấn khởi. Bán cá xong, mỗi người còn đưa về 3-4 con cá thu cỡ 2-3kg/con về cho gia đình. Có thể nói, biển rất hào phóng và ban lộc đầu năm cho những người chung tình với nghề đánh bắt hải sản”. Cùng tâm trạng như những người vừa trở về từ biển, hàng chục ngư dân trên các tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng cũng rạo rực niềm vui khi “xông biển” đầu năm. Sáng mùng 6 Tết, tàu cá  ĐNa 90622TS của ông Đặng Đình Xô Việt (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu chờ đến giờ xuất bến. Các ngư dân sẵn sàng vươn khơi trong tâm thế tự tin và phấn khởi. Tâm sự trước giờ xuất bến, anh Nguyễn Văn Sơn (ở tổ 63, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết: Thời tiết đang rất thuận lợi, tàu ra khơi sẽ nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Với nghề lưới vây, chắc chắn chỉ độ 10 ngày sau tàu cập bến sẽ bội thu. Kinh nghiệm nhiều năm bám biển cho biết điều đó. Hễ trời yên biển lặng là chuyến biển đầu năm đều trúng đậm… 

Ngư dân cầu trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang

Sáng 24/2 (mùng 6 Tết Ất Mùi) tại các xã biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ), Tam Quang (Núi Thành), bà con ngư dân rộn ràng tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cầu cho đánh bắt được nhiều thủy hải sản...

Tại lễ hội cầu ngư ở xã Tam Thanh, ngư dân Nguyễn Xuân Tộc (56 tuổi, trú thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh) cho biết: “Ở địa phương có gần trăm chiếc tàu, thuyền lớn nhỏ.

Ngư dân xã Tam Thanh cúng cầu ngư trên bãi biển.

Theo tục lệ của ông cha để lại, hằng năm vào mồng 6 Tết, ngư dân trong vùng tổ chức lễ hội cầu ngư, với mong muốn được bình an, sức khỏe; trời yên, biển lặng, đánh bắt tôm, cá đầy khoang”.

Còn tại xã Tam Quang (Núi Thành), ông Nguyễn Hữu Định, Phó Ban nông nghiệp xã cũng bày tỏ: “Địa phương có tục thờ cá Ông, một vị thần bảo hộ của ngư dân nên lễ cầu ngư đã trở thành một hình thức sinh hoạt cộng đồng mang tính tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân vùng biển.

Sau lễ cầu ngư, đến ngày 16, 18 âm lịch, tàu thuyền ngư dân bắt đầu xuất bến vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, đồng thời cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc…”.

An Khang

Nguyễn Cầu
.
.
.