Ngư dân Thừa Thiên-Huế “kêu trời” vì luồng cảng bị bồi lấp
Nhiều năm trước, luồng chạy tàu vào cảng Thuận An là nơi ra vào tấp nập của hơn 1.000 tàu, thuyền lớn nhỏ ở các xã Phú Hải; Phú Thuận; Phú Diên (huyện Phú Vang)... và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thế nhưng, sau những lần được Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nạo vét từ năm 2010 thì đến nay, luồng cảng này dần bị bồi lấp khiến tàu thuyền không thể ra vào.
Đứng trên bờ, chỉ tay ra phía những vệt trắng sáng giữa một màu xanh nước biển, lão ngư Hồ Hiền (43 tuổi, trú thôn An Hải, thị trấn Thuận An), người may mắn sống sót sau vụ tàu mắc cạn vào ngày 18/1 vừa qua cho biết: “Mấy điểm trắng lốm đốm đó chính là những cồn cát bồi lấp luồng cảng đấy!...”. Nói rồi, ông đưa tay gạt nước mắt, nhắc lại vụ việc khiến 4 bạn thuyền của ông, gồm: Phạm Thú (56 tuổi); Võ Văn Hoàng; Nguyễn Văn Hai và Phạm Tòa (đều 42 tuổi, là ngư dân địa phương) tử nạn.
Ông Hiền rưng rưng kể: “Hôm đó sáng 18/1, tàu cá mang số hiệu TTH-266.69 của tui chở 4 ngư dân ấy đang trên đường vào cảng Thuận An thì bị mắc cạn ngay tại luồng ra vào. Không bao lâu sau, sóng biển đã đánh chìm tàu khiến các thuyền viên đều tử nạn. Riêng tui may mắn được lực lượng cứu hộ đến cứu kịp thời khi đang trôi trên biển...”. Theo nhiều ngư dân địa phương cho biết, những cồn cát nằm rải rác dọc tuyến luồng vào cảng Thuận An do lâu ngày không được nạo vét đã vô tình trở thành những “cái bẫy” rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền của họ.
Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cảng Thuận An, chỉ cần biển nổi gió khoảng cấp 4, cấp 5 thì bà con ngư dân không thể cho tàu ra vào cảng bởi không thể nhìn rõ luồng tàu... Vì thế mà mỗi lần có mưa bão, ngư dân phần lớn đều cho tàu chạy vào cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc); hoặc vào cảng Đà Nẵng để trú ẩn, khiến bà con ngư dân tốn kém nhiều chi phí xăng dầu và tiền bến bãi...
Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho hay: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để xin được cấp kinh phí nạo vét luồng cảng, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai bởi mỗi lần thực hiện nạo vét luồng lạch, số vốn lên đến vài tỷ đồng. Năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã bố trí vốn để nạo vét luồng chạy tàu của cảng nhưng hiện dự án vẫn chưa được thực hiện...”.
Không những ảnh hưởng đến việc chạy tàu của bà con ngư dân mà luồng cảng cạn còn khiến việc ra vào, cập cảng Thuận An của các tàu hàng gặp không ít khó khăn. Theo thống kê của Phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP Cảng Thuận An thì, cảng Thuận An được xây dựng với công suất xếp dỡ hàng hóa khoảng 400.000 tấn/năm nhưng vài năm trở lại đây chỉ đạt khoảng 60.000 tấn/năm. Nguyên nhân là do tàu có trọng tải từ 600 đến 1.000 tấn không thể cập cảng vì... luồng cảng quá cạn.
Nhìn những chiếc thuyền đã neo đậu ở cảng suốt gần 2 tuần nay mà không thể ra khơi do luồng cảng quá cạn, nhiều ngư dân bày tỏ rằng: “Để sắm được một chiếc tàu có công suất trên 300CV nhằm đánh bắt xa bờ, bà con đã vay vốn ngân hàng cả trăm triệu đồng. Nhưng, tàu phải nằm bờ vì luồng cảng bị bồi lấp thì không biết đến bao giờ mới trả hết những khoản nợ vay…!”