Ngột ngạt bể bơi ngày nắng nóng tại Hà Nội
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn 100 bể bơi. Đối với các bể bơi bình dân, giá vé dao động từ 30.000 đồng-50.000 đồng/lượt như bể bơi Thái Hà, bể bơi Bốn Mùa, bể bơi Thanh Niên….
Các bể bơi tại các khu chung cư cao cấp, khách sạn có tiếng thì giá vé cao hơn thường dao động từ 100.000 đồng cho đến vài trăm nghìn đồng một lượt bơi. Thời tiết oi bức, tìm đến bể bơi để tránh nóng là một trong những lựa chọn của nhiều người dân Thủ đô. Chẳng thế mà, vào mỗi buổi sáng sớm, đặc biệt là buổi chiều những ngày gần đây, không ít bể bơi rơi vào tình trạng quá tải. Không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng thích được “hạ nhiệt” bằng bơi lội.
Có mặt tại bể bơi khách sạn Khăn Quàng Đỏ chiều 15/5, hình ảnh chúng tôi ghi lại được là hàng chục người lớn lẫn trẻ nhỏ đang chen nhau giữa dòng nước xanh mát. Anh Nguyễn Minh Châu, trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: Bắt đầu từ mùa hè, ngày nào anh cũng đưa con gái 6 tuổi đi bơi tại đây. Những ngày mới đi bơi, lượng người còn ít, nước bể tương đối sạch sẽ.
Mấy hôm thời tiết nắng nóng, bể bơi đông nghịt. Có khi 1-2m² mà có đến 3-4 người. Thôi thì ngâm mình cho mát thôi. Bể bơi Thái Hà được nhiều người tìm đến do giá rẻ, không gian bơi rộng rãi. Tại bể bơi Thái Hà, giá vé cho người lớn là 30.000 đồng/lượt và trẻ em là 25.000 đồng/lượt. So với các bể bơi khác thì giá vé tại bể bơi Thái Hà rẻ nhất ở nội thành Hà Nội hiện nay.
Chẳng thế mà, tuy mới vào đầu hè nhưng bể bơi Thái Hà đã luôn trong tình trạng quá tải, nhất là các buổi chiều và đặc biệt là những ngày cuối tuần. Chị Hoàng, người thường xuyên bơi tại bể bơi Thái Hà cho biết: Muốn bơi vào lúc vắng thì chỉ còn cách dậy thật sớm từ khoảng 5h-7h.
Bể bơi Olympia, Trương Định những ngày này cũng luôn trong tình trạng hoạt động liên tục. Là bể bơi trong nhà, diện tích nhỏ, lượng người bơi đông nên không khí tại đây khá ngột ngạt. Trung bình mỗi ngày, bể bơi Olympia có khoảng hơn 100 lượt người đến bơi. Những ngày cuối tuần, lượng người bơi tăng cao hơn.
Nguy cơ mắc bệnh ngoài da
Viêm da, viêm tai, viêm mắt là những bệnh thường gặp khi đi bơi mùa hè. Vì thường xuyên cho con vào bơi tại bể Khăn Quàng Đỏ nên chị Trần Thị Nhung rất cẩn thận giữ gìn cho con để khỏi mắc các chứng bệnh thường gặp khi đi bơi. Tuy nhiên, con chị Nhung vẫn mắc bệnh viêm kết mạc do bơi liên tục ở đây. Chị kể, hầu hết khách xuống bơi đều không tắm tráng mà nhảy ùm xuống bể luôn.
Bắt đầu từ hè năm ngoái bể bơi này mới làm một dàn phun nước ở các lối ra vào để buộc khách đi qua phải “tráng” người. Nhưng dàn nước này chỉ như “muối bỏ biển” vì không đủ làm ướt người khi đi qua đây. Người thì mồ hôi nhễ nhại, người thì chân lấm lem, đều nhảy xuống bể. Nhiều trẻ còn quá nhỏ (chỉ vài tháng) sau khi xuống bể đã bị nôn trớ…
Chưa kể, vào ngày nắng nóng, bể bán vé không hạn chế số lượng nên người luôn quá tải, chật ních, nước đục lên thấy rõ. Đó là những lý do để khâu vệ sinh nước nếu không được xử lý theo đúng quy trình thì độ an toàn sẽ không được đảm bảo.
Người Hà Nội đổ xô đến các bể bơi tránh nắng. |
Công tác kiểm soát vệ sinh của các bể bơi hiện vẫn giao cho Trung tâm Y tế các quận, huyện nhưng việc lấy mẫu nước để kiểm nghiệm không thể diễn ra thường xuyên, liên tục. Theo ông Trương Văn Thuần, Trưởng phòng Thể dục thể thao, Cung Văn hóa thể thao Thanh Niên Hà Nội thì ngày 1-6 bể bơi Thanh Niên mới mở cửa, cũng giống như các năm, công tác vệ sinh bể bơi được thực hiện nghiêm ngặt, chế độ lọc nước và thay nước đúng quy trình. Đó chỉ là phía đơn vị quản lý công bố, còn thực hư như thế nào phải có cơ quan chuyên môn kiểm tra, thẩm định. Nhiều người lo ngại về nguồn gốc của hóa chất để lọc nước ở bể bơi hiện nay khi xuất hiện thông tin hóa chất nhập lậu.
Bể bơi Olympia, số 3 Tăng Bạt Hổ theo quảng cáo thì sử dụng công nghệ xử lý nước của Nhật Bản nên an toàn tuyệt đối cho da. Nhiều bể bơi cũng quảng cáo xử lý nước theo công nghệ hiện đại, thay nước liên tục nhằm hút khách. Cứ thử làm phép tính thì sẽ thấy, với giá vé từ 30.000-50.000đ/lượt bơi mà thay nước thường xuyên với những bể hàng trăm khối nước thì chi phí thu vào không kham nổi giá nước. Do vậy, công nghệ lọc vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều bể bơi hiện nay. Nhưng lọc thế nào, thuốc lọc có đảm bảo an toàn cho người bơi hay không thì cần phải có sự giám sát của cơ quan chuyên môn và nhà quản lý.
Tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, các bác sĩ cho biết, vào mùa hè, tại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị viêm tai đến khám do đi bơi. Theo khuyến cáo của các bác sĩ thì sau khi trẻ bơi xong, phụ huynh nhỏ ngay nước muối sinh lý vào tai cho trẻ, chú ý khi nhỏ thì nghiêng đầu trẻ về một bên, để trong 10 phút rồi mới nhỏ tai kế tiếp. Chọn bể bơi trong mùa hè này cũng là một nghệ thuật cho những người yêu thích môn thể thao này. Và để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, cơ quan y tế cần vào cuộc kiểm tra toàn diện các bể bơi ở Hà Nội, bể nào không đạt cũng nên cảnh báo để người tiêu dùng có sự lựa chọn an toàn. |