Ngôi nhà trú ẩn an toàn của chim di cư

Thứ Hai, 17/03/2008, 10:38
Cái nắng của ngày cuối tháng Giêng như rải vàng trên những cánh rừng sú, vẹt ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Luồn theo những con lạch, đi sâu vào vùng lõi của Vườn, một thế giới sinh vật vô cùng sinh động và đa dạng mở ra trước mắt chúng tôi.

Nhập vào đoàn công tác của Tổ chức Bảo tồn chim thế giới (Bird Life), chúng tôi còn được khám phá nhiều điều thú vị xung quanh những cánh chim mùa lại mùa bay qua nửa vòng trái đất đến đây tránh rét.

Ấn tượng "ga chim"

Nếu không có cán bộ của Bird Life, chúng tôi không thể biết đàn chim trắng đang đậu trên bãi đất nổi trong vùng lõi của Vườn là loài chim có trong sách Đỏ - Cò mỏ thìa. Theo ông Đức Tú, chuyên gia của Bird Life, hiện tại trên cả thế giới, loài chim này chỉ còn gần 2.000 cá thể. Cò mỏ thìa là loài chim quý hiếm và đặc hữu ở Vườn bởi đặc tính sinh học riêng biệt. Sinh trưởng ở ranh giới Nam và Bắc Triều Tiên.

Đến mùa đông (từ tháng 9 âm lịch đến đầu tháng 3), loài chim này bay đến Vườn tránh rét. Tại các tỉnh ven biển Bắc Bộ, có khá nhiều khu rừng ngập mặn, song hầu như loài chim này chỉ bay về vùng đất ngập mặn thuộc phạm vi Vườn tránh rét. Lý giải việc này, ông Đức Tú cho rằng, "có thể đặc điểm sinh thái của Vườn phù hợp với loài chim này".

Bằng thiết bị chuyên dụng, chúng tôi được cán bộ của Bird Life cho xem cận cảnh đàn cò mỏ thìa đang nghỉ ngơi trên bãi đất nổi. Con đứng, con rúc đầu vào cánh ngủ, con rỉa lông… thật bình an. Ông Đức Tú giải thích tại sao không tiếp cận đàn cò này gần hơn là do không muốn để những tác động bên ngoài gây xáo trộn chúng.

Trong những lần điền dã, để nghiên cứu về cò mỏ thìa nói chung và các loài chim có trong sách Đỏ ở Vườn, các chuyên gia nhiều khi phải nằm rạp xuống đất, trườn thật nhẹ để tiếp cận chúng một cách gần nhất.

Không ít lần để có một tiêu bản ảnh tốt nhất, các chuyên gia phải rình mất đến một tuần. Chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn khi thấy về mặt hình thức, cò mỏ thìa không khác lắm "cò ta", ông Tú cho biết: "Cò mỏ thìa kiếm thức ăn bằng cách dùng mỏ sục bùn, còn "cò ta" dùng mỏ mổ mồi". Bằng thiết bị chuyên dụng, ông Đức Tú giúp chúng tôi đếm được 29 cá thể cò mỏ thìa trong đàn. Cũng theo ông Tú, mỗi năm chỉ có duy nhất một đàn cò mỏ thìa đến Vườn tránh rét. Năm nhiều, đàn lên đến 100 con, năm ít nhất chỉ có 3 cá thể, bởi vậy mà Vườn còn có tên là "ga chim".

Cần bảo tồn sự đa dạng sinh học

Việc bảo vệ cò mỏ thìa nói chung và các loài chim đặc hữu của Vườn cũng gặp không ít khó khăn khi có người vẫn còn quan niệm "chim trời, cá nước". Là người khá gắn bó với Vườn, ông Tú cho rằng ngoài việc phải đảm bảo để Vườn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là khu bảo tồn vùng đất ngập mặn, rất cần sự đồng lòng của người dân sống trong vùng lân cận.

Để làm được việc này, phải tuyên truyền, giác ngộ để người dân ý thức được giá trị của các loài đặc hữu cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nói rồi ông Tú dẫn ra ví dụ, năm 2006, Bird Life ghi nhận ở đảo Tiên Phong (thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) có 4 cá thể cò mỏ thìa. Đây là một việc cá biệt nên các chuyên gia đặc biệt chú ý và tập trung nghiên cứu. Tuy nhiên, một trong bốn chú chim di cư này đã bị người dân địa phương bắn chết. Một việc làm rất đáng tiếc.

Chúng tôi được biết, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ có 219 loài chim. Trong số đó, có không ít loài coi Vườn là nơi trú ẩn trong mùa đông. Bắt đầu từ tháng 11, từng đàn chim di cư từ phương Bắc dừng chân tại đây. Chúng có thể trú ngụ qua mùa đông ở Vườn hoặc coi đây là "ga" nghỉ chân trong chặng đường bay xuống phương Nam. Vì thế, có thời điểm tại Vườn có vài chục ngàn cá thể chim đến từ các quốc gia trên thế giới. Sự giao thoa giữa các loài chim tại đây góp phần không nhỏ tạo nên đa dạng sinh học cho khu bảo tồn những vùng đất ngập mặn đầu tiên của Việt Nam - Vườn quốc gia Xuân Thuỷ.

Khám phá Vườn, chúng tôi còn được biết đến hơn 200 loài thực vật tạo nên khung cảnh thiên nhiên sinh động. Những cánh rừng ngập mặn xanh ngát, chỗ lúp xúp trong nước, khi nổi trên bãi bồi tạo ấn tượng thật đặc biệt. Bãi bồi đến đâu, cây mọc lên đến đấy. Nếu không bảo vệ, chăm sóc bảo tồn, sự khai thác quá mức của con người chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái của Vườn.

Chúng tôi được biết, đã từng có thời điểm sự đa dạng sinh học tại đây bị giảm sút. Những nguyên nhân chính gây ra hiện trạng này là: Khai thác quá mức nguồn lợi thuỷ sản; đánh bắt thuỷ sản bằng "phương pháp" huỷ diệt; săn bắt các loài chim, thú; phá rừng nuôi trồng thuỷ sản; chăn thả gia súc trong vùng lõi... Để ngăn chặn, Ban quản lý Vườn và chính quyền địa phương đã nỗ lực ngăn chặn. Đồng thời, tuyên truyền để người dân không xâm phạm đến vùng cấm của Vườn.

Có điều đặc biệt ở Vườn quốc gia này là một tiềm năng lớn hiện đang tiềm ẩn trong lòng đất, tại đây có nguồn khí mà một số người dân dùng nó để làm chất đốt. Họ khoan đất rồi làm ống dẫn lên bếp, bật lửa là có một nguồn khí đốt dồi dào. Cũng trong chuyến thăm Vườn quốc gia này chúng tôi đã gặp một ông già ngồi sưởi ấm bên nguồn khí đốt này, thuận lợi cho người dân sống trong khu bảo tồn, nhưng cũng lại đáng lo ngại khi việc đun bếp kiểu này không được kiểm soát nên dễ gây nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ cháy rừng.

Chỉ trong một "tua" du lịch, chúng tôi dạo quanh Vườn và khám phá ra nhiều điều mới lạ. Tại một vùng đất bãi bồi nơi cửa sông Hồng, ven biển thuộc huyện Giao Thuỷ, có ngôi nhà cho những cánh chim quốc tế trú ngụ vào mỗi mùa đông. Cũng tại nơi này, có những nhà khoa học, những chiến sỹ Bộ đội Biên phòng hàng ngày bảo vệ, nghiên cứu về những cây, con sống và sinh trưởng tốt trên vùng đất ngập mặn này. Họ chính là người góp phần giữ bình yên cho "mái nhà" của chim di cư khi cái giá rét hay cái nắng gay gắt dội về

Hồng Hà
.
.
.