Ngộ độc rượu – cứ “mất bò” mới lo “làm chuồng”

Thứ Bảy, 07/12/2013, 17:05
Chẳng phải đến tận hôm nay, khi liên tiếp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 4 trường hợp tử vong do rượu, vấn đề ngộ độc rượu mới được đặt ra. Cũng chẳng phải đến bây giờ, hàm lượng methanol có trong rượu vượt mức cho phép hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần mới được phát hiện. Thế nhưng, vấn đề kiểm soát chất lượng rượu vẫn chẳng mấy hiệu quả...

Năm 2008, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thành lập thêm khoa mới – Khoa lạm dụng chất. Lý do? Vì gia tăng bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nghiện rượu. Uống rượu là một thú vui. Chất men cay giúp người ta thăng hoa và cũng để tiêu cơm, hà cớ gì phải vào bệnh viện tâm thần?

Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy, những “đệ tử Lưu Linh” đã quá lạm dụng rượu. Họ uống rượu không phải để tăng cường sức khỏe, nâng cao khả năng lao động mà uống lấy được. Việc lạm dụng rượu thường xuyên dẫn đến sai lệch hành vi, sức khỏe sa sút, đặc biệt sức khỏe tâm thần. Nhìn những bệnh nhân phải điều trị tại đây đủ thấy, tác hại của việc lạm dụng rượu. Ngoài việc sử dụng quá nhiều rượu, việc uống phải loại rượu không đảm bảo chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe của người sử dụng đi xuống, trong đó không loại trừ cả việc mất mạng.

Theo cách nấu rượu truyền thống, phải mất từ 5-7 ngày mới cho ra một nồi rượu. Thế nhưng, lại có kẻ sử dụng cồn công nghiệp, hô biến trong vài phút là có hàng chục lít rượu. Để tìm hiểu về nguyên lý cho ra loại rượu đảm bảo chất lượng, chúng tôi từng có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Thị Hường, Viện Công nghệ thực phẩm. Bà Hường cho biết, một trong những tiêu chí đảm bảo an toàn rượu là phải tuân thủ các quy trình kiểm soát về chất lượng. Thế nhưng, trong thực tế, có một số người vô lương tâm đã làm rượu theo công thức: nước lã + cồn + chất khử mùi. Nếu sử dụng cồn thực phẩm ở mức độ cho phép thì còn đảm bảo tính an toàn, còn khi sử dụng cồn công nghiệp thì...

Kết quả thử nghiệm ban đầu mà cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Ninh đối với các mẫu rượu lấy ngẫu nhiên trên địa bàn cho thấy, lượng mathanol có trong rượu gấp 2.000 lần cho phép thì quả là đáng sợ. Con số mathanol gấp 2.000 lần đã phần nào lý giải nguyên nhân vì sao, 4 người đàn ông lần lượt qua đời sau khi... nhậu.

Quy định về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhưng chưa thực sự đi vào đời sống. Quy định này thể hiện trong Nghị định 94/2012/NĐ-Cp về sản xuất kinh doanh rượu nêu rõ: các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu khi bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn... UBND cấp xã, phường nơi sản xuất rượu phải nắm rất rõ việc cấp phép, vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ rượu. Quy định chặt chẽ là thế nhưng đã có mấy nhà sản xuất rượu thủ công được cấp phép? Rượu trắng hay còn gọi là rượu nút lá chuối vẫn bán tràn lan trên thị trường và vẫn được uống một cách vô tư.

Ngày 5/12, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành văn bản tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh rượu. Theo đó, yêu cầu các ngành chức năng: Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu và xử lý vi phạm; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất rượu; giám sát, phát hiện sớm người bệnh và chuẩn bị phương tiện để điều trị, cấp cứu kịp thời để giảm thiểu tác hại ngộ độc rượu...

Đánh giá của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm trước thực tế trên thị trường đang lưu thông lượng rượu mất an toàn, có nguy cơ ngộ độc cao là xác thực. Thế nhưng, để việc “làm chuồng” có hiệu quả sau khi “mất bò” đang là vấn đề đáng quan tâm nhất

Cao Hồng
.
.
.